06:19 03/06/2019

Nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác xây dựng pháp luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 3/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 (Chương trình).

Cần có chiến lược lập pháp dài hạn, bài bản 

Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ: Năm 2018 và đầu năm 2019, công tác xây dựng pháp luật từ khâu chuẩn bị đề xuất đưa dự án vào Chương trình đến nghiên cứu, soạn thảo, xem xét, thông qua tiếp tục có nhiều đổi mới. Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Các cơ quan của Quốc hội tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thẩm tra. Về cơ bản, các báo cáo thẩm tra đều có chất lượng, tính phản biện cao, có căn cứ pháp luật, cơ sở thực tiễn và khoa học.

Chú thích ảnh
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định, việc lập và triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn những bất cập, hạn chế từ nhiều năm chưa được khắc phục triệt để. Cụ thể, tính dự báo của Chương trình không cao, chủ yếu vẫn chạy theo tiến độ, tính “gối đầu” chuẩn bị cho năm tiếp theo thấp. Tình trạng xin lùi, rút hoặc bổ sung dự án vào Chương trình còn nhiều; vẫn còn tình trạng không bảo đảm thời gian trình theo tiến độ đã đăng ký, đề nghị điều chỉnh thời gian trình của một số dự án. Một số bộ, ngành chưa thực sự quan tâm, đầu tư thời gian, công sức thỏa đáng cho công tác lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh nên việc thực hiện còn lúng túng, chưa kịp thời…

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), trong lộ trình hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền, người dân ngày càng quan tâm hơn đến công tác xây dựng pháp luật. Qua tiếp xúc, cử tri đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến chất lượng một số dự thảo Luật còn thấp nhưng vẫn được thông qua. Đối với những văn bản này, trách nhiệm của Chính phủ, Quốc hội, đại biểu Quốc hội như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị, các cơ quan cần có dự báo dài hơi trong lộ trình xây dựng luật theo kế hoạch hàng năm; tránh tình trạng xây dựng luật chạy theo yêu cầu thực tiễn, vướng chỗ nào thì sửa chỗ đó, nhưng khi rà soát lại phát hiện nhiều điểm thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, các cơ quan cần bảo đảm quy trình, thời hạn, tránh chậm trễ; quan tâm đến chất lượng hồ sơ, nhất là báo cáo tổng kết đánh giá thực tiễn để các đại biểu Quốc hội có cơ sở thảo luận, xem xét.

Về tính chuyên nghiệp trong công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa phân tích: Hiện nay, các cơ quan trình dự thảo Luật là các cơ quan của Chính phủ. Chính phủ lại giao cho bộ, sau đó bộ lại giao cho một số cục hoặc vụ. Ở mỗi cục, vụ, công việc này lại giao cho một số cá nhân. “Như vậy, những người hiểu chuyên môn lại chưa hẳn rành về luật pháp; những người hiểu luật pháp có thể chuyên môn chưa giỏi. Đây là nguyên nhân dẫn đến chất lượng luật không đảm bảo”, đại biểu chỉ rõ.

Về phía Quốc hội, số lượng ủy viên thường trực của các ủy ban rất mỏng. Dù có quy định không phân công quá 3 dự thảo luật cho 1 cơ quan, nhưng thực tế với số lượng ủy viên thường trực rất ít, vụ chuyên môn tham mưu lại mỏng thì chắc chắn việc thẩm tra khó đảm bảo. Đại biểu đề nghị, bên cạnh tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách Trung ương, cần nâng cao vai trò của Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng lực lượng chuyên gia giỏi giúp Quốc hội.

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) băn khoăn về tình trạng có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các đạo luật hay giữa các điều luật trong cùng một luật. Ngôn ngữ thiếu nhất quán khiến cho cách hiểu khác nhau nên việc thực hiện các luật đôi khi còn gặp khó khăn. Từ hạn chế, bất cập trên, đại biểu đề nghị cần có chiến lược lập pháp dài hạn, bài bản hơn, xác định rõ trật tự ưu tiên trong việc ban hành các đạo luật. Ngoài ra, đại biểu cũng lưu ý đến việc kiện toàn, củng cố chất lượng cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật từ các ủy ban của Quốc hội tới các cơ quan của Chính phủ.

Không chạy theo số lượng

Về nguyên tắc lập Chương trình năm 2020, điều chỉnh Chương trình năm 2019, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nêu rõ, việc điều chỉnh Chương trình năm 2019 không làm ảnh hưởng, thay đổi cơ bản Chương trình đã được Quốc hội quyết định; chỉ rút ra khỏi Chương trình, lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị đối với những dự án chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ, nhưng cơ quan trình phải có báo cáo cụ thể về nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xin lùi, rút. 

Bên cạnh đó, việc đưa các dự án vào Chương trình phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội và khả năng của các cơ quan có liên quan, đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng.

Về điều chỉnh Chương trình năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi Chương trình 2 dự án luật, lùi thời gian trình 2 dự án luật, bổ sung vào Chương trình 5 dự án luật và 1 dự án pháp lệnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ đối với 7 dự án. Cụ thể, đưa ra khỏi Chương trình 1 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; lùi thời gian trình 1 Kỳ họp đối với  dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại kỳ họp thứ 9 để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ hơn.

Bổ sung vào Chương trình năm 2019 đối với 5 dự án, gồm: Bổ sung vào Chương trình Kỳ họp thứ 7 để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ để triển khai thi hành Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 đối với 3 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Bổ sung vào Chương trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (trình tháng 12/2019).

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Chính phủ đề nghị rút dự án Luật này ra khỏi Chương trình năm 2019 và sẽ trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp. Qua xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là dự án Luật đã được đưa vào Chương trình năm 2019 nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không rút dự án Luật này ra khỏi Chương trình như Chính phủ đề nghị mà lùi thời gian trình Quốc hội sang cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) không tán thành với việc lùi thời gian trình dự án luật có tính cấp bách như Luật Đất đai. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội tập trung sửa đổi ngay những vấn đề cấp bách, bức thiết mà Đoàn Giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, đã chỉ ra.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), hiện nay Chính phủ đang triển khai xây dựng Đề án tập trung tích tụ đất đai, phục vụ và thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung. Chính phủ cũng dự kiến trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm một số mô hình tập trung tích tụ đất đai. Nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng, có liên quan đến cơ chế, chính sách về hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, các đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa…, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị, Chính phủ nên trình dự thảo Nghị quyết này đồng thời với thời gian trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) để các đại biểu Quốc hội có cái nhìn toàn diện hơn.

Phan Phương (TTXVN)