07:20 28/07/2016

Nâng cao nhận thức về di sản văn hóa

Một trong những yếu tố rất quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa các dân tộc, là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng về văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt là với những dân tộc rất ít người.

Ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL): Cách bảo tồn tốt nhất là đồng bào tự bảo tồn

Để bảo tồn văn hóa dân tộc có rất nhiều cách làm, và cách bảo tồn tốt nhất là để đồng bào - chủ nhân của di sản - tự bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc mình. Điều quan trọng là phải khơi dậy ý thức bảo tồn văn hóa trong họ, và bản thân họ phải được giáo dục để có chung quan điểm cũng như hành động, thì việc bảo tồn mới bền vững. Các nhà quản lý văn hóa, các cấp, các ngành cần có trách nhiệm tạo điều kiện cho đồng bào thực sự là chủ nhân của việc bảo tồn; phải đào tạo nguồn nhân lực là con em của đồng bào; coi trọng và phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản trong hoạt động bảo tồn văn hóa.

Múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay.

Đồng bào các dân tộc là chủ thể sáng tạo ra văn hóa truyền thống, nhưng đồng thời họ cũng là chủ thể bảo tồn văn hóa của họ. Chính vì vậy, một trong những giải pháp tốt nhất để bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc chính là bảo tồn trong môi trường đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào, để đồng bào tự bảo vệ và phát triển văn hóa của chính mình. Nhà nước, cơ quan quản lý và đặc biệt là các địa phương, có trách nhiệm giúp đồng bào nâng cao năng lực tự bảo vệ, trước nguy cơ mai một về văn hóa, tùy theo từng môi trường văn hóa, điều kiện văn hóa từng vùng, từng dân tộc, để chọn yếu tố cho phù hợp và làm thế nào để có sự vào cuộc của người dân, bởi điều này là rất quan trọng. Và tất nhiên Nhà nước phải có nguồn kinh phí để đảm bảo cho việc thực hiện những trọng tâm của đề án, bên cạnh việc xã hội hóa.


Nhà thơ Lê Tuấn Lộc, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam: Cần đầu tư kinh phí xứng đáng

Để lưu giữ các di sản văn hóa, trước hết, Đảng và Nhà nước cần nhiều kinh phí hơn để đào tạo cán bộ nghiên cứu và quản lý việc bảo tồn, lưu giữ các di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc. Trong đó, cần rà soát đánh giá, di sản nào có nguy cơ mai một thì bảo tồn trước. Việc tổ chức bảo tồn cần phân loại và tách biệt rõ, phần nào thuộc trách nhiệm của Hội văn nghệ dân gian, phần nào của Hội Văn học nghệ thuật và dân tộc thiểu số Việt Nam, phần nào thuộc trách nhiệm của các gia đình, cá nhân và phần nào thuộc trách nhiệm của Bộ VHTTDL. Việc phối hợp giữa các hội, các bộ và vai trò của các tỉnh, các địa phương là rất quan trọng.

Hiện nay, nhiều di sản văn hóa của dân tộc thiểu số đã và đang còn nằm trong các sưu tập cá nhân và gia đình, Nhà nước cần có chính sách và quy định cụ thể, để khuyến khích việc bảo tồn và gìn giữ các di sản cá nhân, các di cảo của các nhà văn hóa sau khi họ đã mất.

Ông Đào Ngọc Lượng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên: Cần phát huy vai trò của già làng, trưởng bản

Những nghệ nhân, già làng, trưởng bản là người nắm giữ và trao truyền di sản văn hoá trực tiếp trong cộng đồng dân tộc. Họ giữ vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, là lực lượng nòng cốt trong việc cùng cộng đồng sáng tạo những giá trị mới về văn hóa, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc văn hóa truyền thống của dân tộc mình và văn hóa các dân tộc anh em phù hợp để làm giàu cho văn hóa từng dân tộc.

Bằng những kinh nghiệm và hiểu biết của mình, các nghệ nhân, già làng, trưởng bản cũng chính là những hạt nhân trong việc tiếp tục đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ ở vùng dân tộc thiểu số, đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; xây dựng lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước…

Ông Ma Văn Hùng, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn): Riêng về văn hóa, đồng bào chúng tôi không cần tiến kịp miền xuôi

Mỗi tộc người có nét văn hóa riêng, nếu cứ tiến kịp miền xuôi thì sẽ bị đồng hóa mất. Hiện nay, người dân tộc Tày ở quê hương tôi vẫn còn giữ đúng bản sắc văn hóa dân tộc mình. Các nghi lễ ma chay, cưới xin chúng tôi làm đúng theo các nghi lễ từ xưa truyền lại.

Tôi là người dân ở địa phương, chúng tôi giữ văn hóa dân tộc mình vì nó là vốn quý cha ông để lại, và chúng tôi thấy cần phải giữ, chứ chúng tôi cũng không biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ, bảo tồn. Ngay như hát Then, khi tôi thấy trong bản chỉ còn 2-3 người biết hát Then, tôi thấy sắp mất rồi, nên vận động các cháu nhỏ tập hát, rồi động viên người biết hát dạy cho các cháu, với hy vọng để sau này con cháu đời sau còn biết hát và tiếp tục hát nghệ thuật của dân tộc mình. Rất may là nhiều cháu thích học, nên bây giờ hát Then ở quê tôi vẫn giữ được.

Ông Lò Văn Biến, Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái): Phải có chế độ cụ thể với nghệ nhân

Muốn gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, đầu tiên cần có chính sách đãi ngộ với các nghệ nhân, hỗ trợ nghệ nhân trong việc mở các lớp truyền dạy văn hóa dân tộc cho đồng bào. Hầu hết các nghệ nhân là người lao động trong gia đình, vẫn phải đi làm việc kiếm sống hàng ngày, nên dù muốn truyền dạy cho con cháu, cho lớp trẻ thì cũng không có nhiều thời gian, vì họ còn phải đi làm kiếm sống. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần quan tâm đến công tác bảo tồn văn hóa. Tôi thấy, ở đâu lãnh đạo chính quyền quan tâm đến gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc, thì ở đó văn hóa được gìn giữ tốt, lớp trẻ thấy văn hóa được quan tâm, nên cũng yêu văn hóa dân tộc mình hơn và hăng hái tham gia học tập, gìn giữ văn hóa của dân tộc mình nhiều hơn.
Phương Hà (thực hiện)