02:15 02/02/2018

Nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường

Ngày 2/2, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Giang phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Giang và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tổ chức hội thảo tập huấn cho cấp xã và cộng đồng dân cư, trưởng các thôn, bản về nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền lợi của người dân, tăng cường tiếng nói của người dân về công tác bảo vệ môi trường, công khai minh bạch trong phân bổ sử dụng nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tại cơ sở.

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Giang Cao Hồng Kỳ, mục đích của hội thảo nhằm góp phần nâng cao công tác quản lý xã hội về tài nguyên - môi trường, thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, phân bổ sử dụng nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh và  từng bước thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng nước nhà.

Bà Nguyễn Minh Phương, đại diện Liên minh khoáng sản đã trình bày nội dung từ chính sách đến thực hiện trong khai khoáng và quyền lợi cộng đồng trong đó có sự cần thiết của việc bảo hộ quyền lợi cộng đồng trong khai thác tài nguyên; chính sách bảo hộ quyền lợi cộng đồng địa phương ở Việt Nam; thực tiễn thực thi chính sách bảo hộ quyền lợi cộng đồng…nhằm sử dụng hiệu quả nguồn thu từ khai thác khoáng sản (cụ thể là nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường).

Tại hội thảo, các đại biểu tại 2 xã Minh Sơn (Bắc Mê) và Mậu Duệ (Yên Minh) đã tham gia thảo luận theo nhóm chủ yếu xoay quanh các vấn đề như: Thực trạng tại địa phương về khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến môi trường, xã hội và dân sinh tại địa bàn thôn, xã Minh Sơn và xã Mậu Duệ; Thực hành lập kế hoạch giám sát hàng năm về những hoạt động cần làm, nội dung, phương pháp thực hiện, thời gian thực hiện...Cụ thể là ô nhiễm không khí bởi khói, bụi; nhiễm bẩn và cạn kiệt nguồn nước suối do khai thác, chế biến khoáng sản ở vùng đầu nguồn; thoái hóa đất do mưa, lũ rửa trôi bùn đất, xỉ quặng tràn vào đồng ruộng, làm giảm năng suất cây trồng do bụi bẩn; mất an toàn trong khu dân cư do việc chuyên chở quặng quá trọng tải với tần xuất cao; vấn đề phục hồi môi trường, hoàn thổ, trồng rừng trong quá trình khai thác và sau khai thác; trách nhiệm sửa chữa hệ thống đường giao thông trong xã, huyện bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng do vận chuyển khoáng sản…

Các đại biểu đã được thực hành phác thảo lập kế hoạch giám sát hàng năm về công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp về biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thực hiện phương án hoàn thổ, biện pháp trồng rừng cải tạo môi trường; thực hành lập kế hoạch đầu tư các hạng mục công trình hàng năm từ nguồn thu phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản để thực hiện nâng cấp, cải tạo, bảo vệ môi trường, hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật khoángsản, bảo vệ môi trường và theo quy định về quản lý, sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo Nghị quyết số 71/2017/NQ-HĐND ngày 24/4/2017 của HĐND tỉnh Hà Giang.

Các đại biểu cũng đã có cơ hội để trao đổi, trò chuyện, chia sẻ thông tin và đối thoại chính sách cùng các chuyên gia và giới truyền thông ở Trung ương, ở tỉnh với doanh nghiệp và chính quyền địa phương về các vấn đề liên quan đến thực thi quyền giám sát cộng đồng về bảo vệ môi trường; công khai, minh bạch về nguồn thu, phân bổ và sử dụng nguồn thu phí bảo vệ môi trường tại cơ sở.

Bà Vương Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang cho biết, sắp tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh sẽ ban hành Quy chế giám sát cộng đồng về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhằm tạo cơ chế phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, cùng cộng đồng dân cư các thôn, bản tăng cường thực hiện giám sát đối với doanh nghiệp, chính quyền các cấp trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đồng thời công khai minh bạch trong quản lý, phân bổ sử dụng nguồn thu phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tại cơ sở; góp phần thực hiện hiệu quả công tác quản lý xã hội về tài nguyên – môi trường, thúc đẩy công khai, minh bạch và công bằng trong chia sẻ nguồn thu trong ngành khai thác khoáng sản ở cấp cơ sở; từng bước thực hiện được mục tiêu quản trị tốt tài nguyên khoáng sản nước nhà nói chung và trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng.


Diệu Thúy (TTXVN)