05:19 29/05/2020

Nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 703/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Chú thích ảnh
Kỹ sư Hồ Quang Cua giới thiệu về giống lúa ST25. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Theo đó, chương trình nhằm mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây nông lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại nhằm cung cấp cho sản xuất đủ giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, ngành Nông nghiệp mở rộng lưu giữ khoảng 45.000 đến 52.000 nguồn gen cây trồng, vật nuôi; đánh giá, khai thác nguồn gen nhằm phục vụ có hiệu quả công tác nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống. Bên cạnh đó, chương trình nhằm nghiên cứu, đưa vào sản xuất những giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu cao với sâu và bệnh hại, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa sản xuất giống, tăng cường công tác quản lý giống nhằm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống đúng tiêu chuẩn cho sản xuất, tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm; xuất khẩu một số giống cây trồng, vật nuôi sang thị trường các nước; nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sản xuất giống.

Chương trình được triển khai thực hiện trên cả nước; nguồn ngân sách Trung ương ưu tiên đầu tư, hỗ trợ đầu tư cho các bộ và địa phương chưa tự cân đối ngân sách. Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2030, chia theo 2 kỳ kế hoạch (giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030).

Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 tập trung vào nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ về giống; phát triển sản xuất giống; hoàn thiện hệ thống giống. 

Tổng mức vốn thực hiện chương trình là 103.050 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 16.450 tỷ đồng (chiếm 16%, bao gồm, vốn đầu tư phát triển 13.200 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 3.250 tỷ đồng); các nguồn vốn hợp pháp khác 86.600 tỷ đồng (chiếm 84%).

Về giải pháp thực hiện, nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống, đặc biệt là nhân giống cấp xác nhận, đáp ứng yêu cầu giống đúng tiêu chuẩn cho sản xuất; đẩy nhanh thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình tổ chức các trung tâm giống của tỉnh thành doanh nghiệp; ngân sách nhà nước ưu tiên nghiên cứu chọn tạo và sản xuất giống với những đối tượng cây trồng, vật nuôi mà các tổ chức, cá nhân chưa hoặc ít quan tâm đầu tư.

Bên cạnh đó, quyết định nêu rõ giải pháp liên quan đến cơ chế chính sách; công tác quản lý nhà nước về giống; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nghiên cứu, sản xuất giống; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giống.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/5/2020.

TTXVN/Báo Tin tức