06:09 14/06/2013

Nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa dân tộc - Bài 2

Nhiều quy định chung chung, không tính đến đặc thù của từng vùng miền, chưa phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào, thiếu trang thiết bị… là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiệu quả đầu tư và sử dụng các nhà văn hóa cộng đồng còn thấp.

Bài 2: Đâu là nguyên nhân?


Nhiều quy định chung chung, không tính đến đặc thù của từng vùng miền, chưa phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào, thiếu trang thiết bị… là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiệu quả đầu tư và sử dụng các nhà văn hóa cộng đồng còn thấp.

 

Nhiều nhà văn hóa cộng đồng không được quản lý, bảo vệ nên càng nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: Quang Huy

 

Phải khẳng định rằng, việc xây dựng nhà văn hóa cộng đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, mở các lớp truyền dạy đánh chiêng, dạy nghề truyền thống, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Các hoạt động này góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, việc vẫn còn quá nhiều nhà văn hóa không được sử dụng gây lãng phí là một thực trạng đáng buồn.


Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là do đầu tư thiếu đồng bộ, quy hoạch kiến trúc đơn điệu. Khi quy hoạch, xây dựng các địa phương chưa được thực hiện theo đúng văn bản hướng dẫn của Trung ương và tỉnh. Nhiều nhà văn hóa cách xa khu dân cư, đi lại khó khăn, điện sinh hoạt không có, không có cây xanh, bóng mát, sân bãi lầy lội, có vỏ không có ruột… Bên cạnh đó, kiến trúc, kiểu dáng nhà văn hóa cộng đồng cũng chưa thực sự thích hợp với bản sắc văn hóa và phong tục, tập quán của từng dân tộc…


Lấy ví dụ từ Đắk Lắk, bình quân mỗi nhà văn hóa cộng đồng được đầu tư xây dựng trên 110 triệu đồng, thế nhưng xây xong thì không ai quản lý. Có một số nhà văn hóa cộng đồng xây dựng không phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào... Cụ thể, các nhà văn hóa cộng đồng ở các buôn Pốk A, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’Gar), buôn Jút, buôn K’Mang, xã Dliê Ya (huyện Krông Năng)... được đầu tư trên 120 triệu đồng/ nhà văn hóa và trang bị nhiều trang thiết bị như âm thanh, ti vi, bàn ghế... nhưng cũng vì không phù hợp với hướng truyền thống Bắc - Nam của đồng bào Ê đê nên bà con không đến sinh hoạt, các nhà văn hóa này đành đóng cửa. Khi được hỏi, các già làng Ama Liêng, buôn Xóm A, xã Cư Pơng (huyện Krông Búk), già làng Ama Ne, ở Buôn Mấp, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’Gar) đều nói: Được Nhà nước đầu tư xây dựng cho các buôn làng có các nhà văn hóa cộng đồng to, đẹp đấy, nhưng do xây dựng không đúng theo phong tục tập quán của đồng bào Êđê mình nên không ai đến sinh hoạt đâu... Còn nhà văn hóa cộng đồng ở buôn Drao, xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M’Gar) được đầu tư xây dựng trên một khuôn viên khá rộng, thiết kế nhà được mô phỏng theo kiểu kiến trúc nhà dài của đồng bào Êđê, nhưng ngoài mấy chiếc quạt máy cũ kỹ, hầu hết các đồ dùng nội thất phục vụ cho sinh hoạt của đồng bào đều thiếu thốn. Anh Y Bhem Niê, Trưởng buôn Drao bức xúc nói: “Nhà văn hóa thì xây to đẹp, hoành tráng, nhưng trong “ruột” thì chẳng có thứ gì.

 

Ngay cả khi hội họp cũng phải sang các trường học bên cạnh để mượn ghế của các em học sinh để đồng bào ngồi...”. Ở Đắk Lắk, nhiều nhà văn hóa còn thiếu trang thiết bị, có nơi còn chưa có phông màn, chưa có cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ... nên ảnh hưởng rất lớn và hạn chế chất lượng, hiệu quả hoạt động. Một số nhà văn hóa cộng đồng cũng không được quản lý, bảo vệ nên càng nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng...


Tình trạng thiếu thốn vật dụng, xuống cấp cũng đang diễn ra tại nhà văn hóa tại Đồng Nai. Theo Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn hiện có 9 nhà văn hóa dân tộc đã được xây dựng, song vì thiếu kinh phí trùng tu, bảo dưỡng nên hiện một số nhà văn hóa đã xuống cấp, bỏ không. Các hiện vật trưng bày trong nhà văn hóa còn nghèo nàn, đơn điệu, một số vật dụng phải mượn của dân và Bảo tàng tỉnh. Thậm chí, nhà cộng đồng dân tộc Chơro ở xã Túc Trưng (huyện Định Quán, Đồng Nai) dù có bộ chiêng nhưng chỉ là vật dụng để trưng bày, không sử dụng được.

 

Tỉnh Tuyên Quang cũng có 104 nhà văn hóa bị hư hỏng không sử dụng được do xây dựng đã quá lâu, mưa bão làm đổ sập. Riêng huyện Sơn Dương đã có 33/374 nhà văn hóa thôn, bản bị xuống cấp, chưa có điều kiện xây dựng lại. Theo ông Đặng Xuân Sửu, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sơn Dương, phần lớn nhà văn hóa được làm tạm, chất lượng không đảm bảo nên sử dụng trong thời gian không lâu đã hỏng, không sử dụng được. Riêng xã Phú Lương đã có 3 nhà văn hóa của 3 thôn Phú Nhiêu, Trấn Kiêng, Cầu Trâm cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, không sử dụng được. Nguyên nhân của tình trạng này được ông Lý Văn Hoa, Chủ tịch UBND xã Phú Lương cho là do xây dựng đã lâu, khi xây dựng đơn vị thi công sử dụng gỗ để làm đòn tay, sau một thời gian đã bị mối mọt và phần mái tôn đã bị hư hỏng do mưa bão, người dân cảm thấy không yên tâm mỗi khi tổ chức họp thôn xóm…

 

Nhóm PV

 

Bài cuối: Để nhà văn hóa cộng đồng phát huy hiệu quả