08:12 02/08/2021

Nâng cao hiệu quả dạy và học trực tuyến - Bài 1: Xu thế tất yếu

Với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, phương pháp dạy và học trực tuyến ngày càng được các trường đại học, cao đẳng ở nước ta chú trọng triển khai. Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phương pháp giảng dạy này càng trở nên cần thiết, giúp các hoạt động đào tạo không bị “đứt gãy”.

Theo nhiều chuyên gia, hiện nay cũng như trong tương lai gần, phương pháp dạy và học trực tuyến chưa thể thay thế hoàn toàn cách học truyền thống, mà cần có sự kết hợp để đem lại hiệu quả tốt nhất cho quá trình đào tạo của cơ sở giáo dục. Với nhiều ưu thế, phương pháp dạy và học trực tuyến ngày càng chứng tỏ sự phù hợp và là xu hướng, phương pháp giảng dạy mang tính tất yếu bên cạnh phương pháp giảng dạy trực tiếp trên các giảng đường hay phòng thí nghiệm xưởng thực hành. 

Linh hoạt thích ứng

Theo Tiến sỹ Vũ Quốc Thông, Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh, ngay từ năm 2016, Nhà trường đã thành lập Trung tâm Đào tạo trực tuyến. Theo đó, nhiều chương trình học tập được diễn ra trên hệ thống quản lý học tập với các tài liệu học tập đa phương tiện. Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh cung cấp các video bài giảng cùng các giáo trình và sinh viên thực hiện các hoạt động học tập trên hệ thống quản lý hằng tuần, dưới sự giám sát và hỗ trợ của giảng viên. Kiến thức từng môn học được chia nhỏ theo từng chương, người học sẽ lên mạng học thông qua các bài giảng, làm bài tập và có thể biết ngay kết quả. Toàn bộ quá trình lên mạng, làm bài tập của sinh viên đều được giám sát để đảm bảo sinh viên học đủ và hoàn thành khối lượng chương trình. Đây cũng chính là cách để nhà trường giám sát quá trình đào tạo, đảm bảo chất lượng theo chuẩn đầu ra từ Trung tâm Đào tạo trực tuyến của trường .

Tương tự, Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho biết, Nhà trường đã xây dựng hệ thống học tập trực tuyến, phòng studio quay phim chuyên nghiệp, có chính sách khuyến khích xây dựng học liệu số, đào tạo, hướng dẫn giảng viên xây dựng các khóa dạy học trực tuyến. Hệ thống dạy trực tuyến tại trường hoạt động tốt trên cả các thiết bị di động lẫn máy tính thông thường. Chỉ tính riêng trong một học kỳ của năm học vừa qua, hệ thống này đã phục vụ trên 2,73 triệu lượt truy cập của giảng viên và sinh viên toàn trường.

Như vậy, có thể thấy, phương pháp dạy và học trực tuyến đã được một số trường đại học thực hiện, thể hiện sự đa dạng và đổi mới trong phương pháp đào tạo. Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, các đợt dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương ở nước ta, phương pháp đào tạo này tăng cường thực hiện càng chứng tỏ cho thấy sự linh hoạt thích ứng, bước chuyển phù hợp và kịp thời trong tổ chức hoạt động đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục.

Theo thông tin từ Phòng Truyền thông và Quan hệ công chúng, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, từ giữa tháng 2/2020 đến tháng 7/2021, trước tình hình nhiều đợt dịch bệnh  phức tạp, Nhà trường đã chuyển sang giảng dạy và học tập trực tuyến với các hình thức đa dạng như: LMS (giảng trực tuyến hay recording), Livestream (facebook), Classroom (Google), Microsoft Office 365, Blue Green, Skype, Zoom Meeting… Trên nền tảng không gian mạng, các sinh viên của trường đều thể hiện sự thích nghi, tính chủ động nhiều hơn trong quá trình tự học, nghiên cứu, làm việc nhóm và tương tác với giảng viên mỗi ngày.

Trước diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch COVID-19, không chỉ giảng dạy, hiện nay một số trường còn tổ chức thi tuyển sinh các môn năng khiếu hoặc bảo vệ khóa luận theo hình thức trực tuyến, đảm bảo các hoạt động xét tuyển cũng như việc thực hiện kế hoạch năm học không bị gián đoạn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Đại diện Phòng Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2021, trường tuyển sinh vào một số ngành như thanh nhạc, thiết kế đồ họa, kiến trúc, thiết kế nội thất..., trong đó yêu cầu thí sinh phải dự thi môn năng khiếu âm nhạc và vẽ. Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trường đã điều chỉnh phương án tổ chức thi tuyển sinh trực tiếp đối với môn năng khiếu Vẽ và Âm nhạc sang hình thức thi trực tuyến. Các thí sinh đã được hướng dẫn thực hiện bài thi dưới sự giám sát của các giám thị thông qua ứng dụng Google Meet. Với môn Vẽ, toàn bộ quá trình từ nhận đề đến lúc thí sinh nộp bài đều có giám thị theo dõi xuyên suốt, đảm bảo bài thi được thực hiện nghiêm túc. Với môn thi năng khiếu Âm nhạc, thí sinh dự thi hai nội dung gồm: phỏng vấn kiến thức âm nhạc và trình bày ca khúc, trong thời gian khoảng 30 phút đều theo hình thức trực tuyến và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cả thí sinh và giáo viên chấm thi.

Không chỉ là giải pháp tình thế

Nhiều chuyên gia đã khẳng định, đào tạo trực tuyến trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang trở thành một xu thế đào tạo mới ở Việt Nam và nhiều nước chứ không chỉ là một giải pháp tình thế ứng phó với hoàn cảnh đặc biệt như dịch COVID-19.

Với quan điểm làm việc cũng như dạy và học theo hướng trực tuyến không chỉ phù hợp trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành mà còn là hướng tiếp cận thông minh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ, Phó Hiệu trường Trường Đại học Hoa Sen cho rằng, ưu điểm nổi bật của phương pháp đào tạo này là theo mô hình kết hợp cách thức học điện tử với các phương pháp lớp học truyền thống, phát triển kỹ năng, tư duy cần có của người học, rèn tính linh hoạt cho người học và giảng viên, dễ dàng đáp ứng nhiều phong cách học tập khác nhau.

Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh khẳng định, dạy và học trực tuyến được triển khai trong các đợt giãn cách xã hội không chỉ là giải pháp tính tình thế mà còn mang tính xu hướng trong quá trình chuyển đổi số. Hiện nay, tất cả nền tảng giảng dạy trực tuyến phát triển rất nhanh, chưa kể công nghệ trí tuệ nhân tạo đang dần được ứng dụng nhiều hơn trong lĩnh vực giáo dục. Xu hướng trên thế giới cũng có những khóa học dạy trực tuyến hoàn toàn nhưng đó là những khóa học cho các đối tượng tham gia học tự nguyện chỉ lấy chứng chỉ theo tiếp cận học tập suốt đời với xu hướng nâng cao các kỹ năng và tri thức cần thiết mà người học thực sự cần. Dạy và học trực tuyến có lợi thế là người học hay người dạy dù ở vùng sâu, vùng xa, ở các quốc gia khác nhau, các trường khác nhau, có thể tương tác thông qua nền tảng trực tuyến, giảm chi phí đi lại của người học, người dạy, chi phí mời chuyên gia và học giả quốc tế.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, trong bối cảnh bình thường, phương pháp giảng dạy trực tuyến sẽ kết hợp với phương pháp giảng dạy trực tiếp, truyền thống giúp nâng cao hiệu quả đào tạo cho các cơ sở giáo dục. Lớp học theo kiểu học tập tích hợp sẽ có xu hướng chuyển đổi số thực chất khi thay đổi tiếp cận từ lớp học truyền thống sang lớp học đảo ngược mà ở đó người học sẽ chủ động học trước thông qua nền tảng trực tuyến với các nội dung và quy trình chuẩn bị cơ sở học liệu được cung cấp trên nền tảng trực tuyến. Khi cơ sở học liệu được đưa lên nền tảng trực tuyến, người học có thể học trước, sau đó vào lớp học trực tiếp để tăng cường thảo luận, giải quyết vấn đề. Trực tuyến sẽ bổ trợ cho giảng dạy trực tiếp, đó mới là xu hướng của chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt là ở giáo dục đại học.

Thạc sĩ Lê Thị Mỹ An, Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, mục tiêu của giáo dục đại học là đào tạo ra lực lượng lao động có kiến thức, có kỹ năng thích ứng cao với sự biến đổi nhanh của nền kinh tế tri thức thế kỷ 21. Dạy và học trực tuyến vì vậy đang ngày càng chứng tỏ những ưu thế như tạo môi trường học tập linh hoạt, theo hướng mở, đáp ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây không chỉ là giải pháp tình thế mà quan trọng là nó thúc đẩy xã hội học tập, tạo điều kiện cho người học có thể học bất cứ lúc nào, ở đâu, học những vấn đề bản thân quan tâm, phù hợp với năng lực và sở thích, phù hợp với yêu cầu công việc mà chỉ cần có phương tiện là máy tính và mạng internet.

Bài cuối: Song hành nhiều giải pháp

Thanh Trà (TTXVN)