11:20 21/11/2019

Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 21/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Theo đó, Chính phủ trình hai phương án: Phương án 1 sửa đổi theo hướng giao cơ quan trình dự án chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Phương án 2 cơ bản như hiện nay là giao cơ quan thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.

Chú thích ảnh
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thư viện với 442/446 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 91,51%. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Qua thảo luận, các đại biểu đề nghị tiếp tục thực hiện như quy định hiện nay theo phương án 2 của Chính phủ, đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đề cao trách nhiệm của từng chủ thể... tránh xáo trộn trong việc tổ chức thực hiện và bảo đảm thuận lợi cho việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự án trình Quốc hội thông qua. Việc quy định cơ quan trình dự án luật xây dựng tờ trình và báo cáo trước Quốc hội là hoàn toàn đúng vai. Tuy nhiên, nếu quy định cơ quan trình dự án luật vào vai chủ trì xây dựng và tiếp thu giải trình chỉnh lý luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định; sau đó, trong kỳ họp, cơ quan trình luật vào vai chủ thể báo cáo trước Quốc hội việc tiếp thu, giải trình sẽ không ổn và các vai hầu như “khó tròn”.

Các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, hiệu lực, hiệu quả. Về việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các đại biểu cho rằng, thời gian qua đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn tình trạng xin rút, xin lùi dẫn đến phải điều chỉnh chương trình, ảnh hưởng đến chất lượng làm luật. Do đó, đại biểu cho rằng, Ủy ban Pháp luật đề nghị đưa nội dung này vào sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật là cần thiết nhằm khắc phục các hạn chế trên.

Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Thư viện. Với 91,51% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Thư viện.

Luật gồm 6 chương, 52 điều, quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thư viện hoặc có liên quan đến hoạt động thư viện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của thư viện là xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, kết nối và phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với người sử dụng thư viện; tổ chức sử dụng chung tài nguyên thông tin, sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện; truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại; phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí, góp phần hình thành, phát triển kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực của người sử dụng thư viện; ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, hiện đại hóa thư viện. Hệ thống thư viện cũng có chức năng, nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc, góp phần tạo môi trường học tập suốt đời cho nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam toàn diện.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), nhiều đại biểu bày tỏ sự tán thành với những vấn đề chung của dự thảo Luật, về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo Luật ở nhiều điểm còn chung chung, mang tính khẩu hiệu, định hướng và liệt kê các chính sách theo từng lĩnh vực, do đó dẫn đến chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn. “vừa thừa vừa thiếu so với các luật chuyên ngành”. Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát nội dung dự thảo Luật để đảm bảo tính khả thi của các chính sách, đồng thời quy định đầy đủ trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc xây dựng, tổ chức thực thi chính sách cho thanh niên.

Tham gia giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, qua thảo luận tại tổ vào chiều 15/11, các đại biểu đã đóng góp 75 ý kiến phong phú, đa dạng vào dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề như: phạm vi điều chỉnh, tuổi thanh niên, quyền và nghĩa vụ của thanh niên, chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; cơ quan quản lý Nhà nước về thanh niên... Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay mặt cơ quan soạn thảo và cơ quan trình bày tỏ sự cảm ơn và khẳng định sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, thẩm tra, tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) có tính khả thi cao để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, năm 2020.

TTXVN/Báo Tin tức