09:20 29/09/2017

Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế

Tiếp tục Phiên họp lần thứ 7, chiều 29/9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội giám sát tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Y tế và cho ý kiến về dự kiến triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 thuộc lĩnh vực y tế - dân số.

Cung cấp dịch vụ tiêm vắc xin cho người dân tại Trung tâm Y tế Dự phòng Gia Lai. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Tại phiên họp, Ủy ban cũng thẩm tra về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 và dự kiến kế hoạch, dự toán năm 2018, dự kiến kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm 2018 – 2020 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế; cho ý kiến về kết quả thực hiện lời hứa về các nội dung chất vấn liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động y tế

Báo cáo tình hình ban hành hoặc trình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật theo thẩm quyền của Bộ Y tế nêu rõ, Bộ Y tế đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra trong xây dựng các dự án luật, pháp lệnh và văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh góp phần hình thành thể chế pháp lý về y tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật hoạt động quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực y tế, đồng thời góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi, phù hợp với sự phát triển của các hoạt động y tế.

Tuy nhiên, công tác xây dựng, ban hành văn bản còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu về triển khai thi hành luật, pháp lệnh. Nguyên nhân là do số lượng danh mục nội dung, điều khoản luật giao quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành rất lớn, nhiều vấn đề mang tính chuyên môn phức tạp. Bên cạnh đó, từ thời điểm luật, pháp lệnh được ban hành đến khi có hiệu lực khoảng từ 6 - 12 tháng nhưng do có nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ pháp luật ở Việt Nam nên không đủ thời gian ban hành văn bản hướng dẫn.

Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Bộ Y tế được Chính phủ phân công đầu mối xây dựng hai dự án luật là Luật Dân số và Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Đối với dự án Luật Dân số, hiện Bộ Y tế đang hoàn thiện Dự thảo chi tiết Luật Dân số theo đánh giá tác động của chính sách và tinh thần dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới. Dự kiến, dự án Luật Dân số sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV năm 2018.

Riêng dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia dự kiến sẽ trình Chính phủ tháng 7/2018 và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV năm 2019. Giai đoạn 2019 – 2021, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật: Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật An toàn thực phẩm; Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)…; xây dựng mới các luật: Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Y, dược cổ truyền…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong lưu ý dự án Luật Dân số chậm nhất tháng 3/2018 phải trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, vì thế để đảm bảo tiến độ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện dự án Luật này.

Ngoài ra, dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu bia không đơn giản, có nhiều quy định tác động đến thói quen, lối sống của nhiều đối tượng trong xã hội, liên quan đến vấn đề văn hóa truyền thống, tài chính, đặc biệt là quy định về Quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng; do đó, Chính phủ cần nghiên cứu, tính toán kỹ, sớm có văn bản trình xin ý kiến.

Củng cố mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng

Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh chủ động tiếp nhận kỹ thuật mổ nội soi ổ bụng từ bệnh viện tuyến trên. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Tại phiên họp chiều 29/9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẩm tra về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 và dự kiến kế hoạch, dự toán năm 2018, dự kiến kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2018 - 2020 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, qua đánh giá tình hình thực hiện 9 tháng và ước thực hiện 3 tháng cuối năm 2017, ngành y tế có khả năng hoàn thành vượt hai chỉ tiêu Quốc hội giao là chỉ tiêu Số giường bệnh trên 10.000 dân (giao 25,5; ước đạt 25,7) và chỉ tiêu Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (giao 82,2%; ước đạt 83,4%).

Ngành y tế tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, trong đó giảm quá tải bệnh viện tuyến trên; tiếp tục duy trì mức sinh thấp hợp lý, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng gia tăng; ngộ độc thực phẩm do rượu diễn biến phức tạp, gây ra mức tăng đột biến về số ca tử vong. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ tuyến dưới chưa đáp ứng được nhu cầu, người dân chưa tin tưởng đã vượt tuyến, gây quá tải ở tuyến trên; việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình tính đúng, tính đủ còn chậm…

Về thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 do Bộ Y tế trực tiếp quản lý, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết, dự toán chi từ nguồn ngân sách nhà nước được giao là 10.163,98 tỷ đồng; thực hiện đến tháng 9/2017 là 4.189,9 tỷ đồng (đạt 41,2%).

Trường hợp Thủ tướng Chính phủ cho phép thu hồi 2.000 tỷ đồng vốn ứng trước của Dự án Bệnh viện Bạch Mai 2 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 2 thì giải ngân là 6.189,9 tỷ đồng; đạt 60,9% dự toán giao. Đối với dự toán chi do Bộ Y tế trực tiếp quản lý năm 2018, dự toán chi từ Ngân sách Nhà nước là 22.053,8 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển là 11.035,36 tỷ đồng; chi thường xuyên là 11.018,4 tỷ đồng.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhấn mạnh, thời gian tới ngành y tế cần củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng; tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế tại Trung ương và địa phương… Nhiều ý kiến đề nghị, Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục tăng chi thường xuyên cho y tế, phần tăng thêm bố trí cho y tế dự phòng, hỗ trợ người cận nghèo, tăng chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia.

UBND, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về y tế tại địa phương, tập trung kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế trong hoạt động khám chữa bệnh; chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chỉ tiêu tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế; bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực cho Quỹ Hỗ trợ khám chữa bệnh người nghèo của tỉnh…

Phan Phương (TTXVN)