12:21 11/12/2019

Nâng cao giá trị xuất khẩu cá tra thích ứng với thị trường thế giới

Ngày 11/12, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Hiệp hội cá tra Việt Nam và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức diễn đàn “Nâng cao gia trị xuất khẩu sản phẩm cá tra thích ứng với thị trường thế giới”.

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng, cá tra là sản phẩm có lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hoàn toàn có thể sản xuất nâng cao sản lượng và chất lượng đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường khó tính và tiềm năng.

Trong bối cảnh mới, việc tham gia, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA…, ngành cá tra đứng trước cơ hội lớn để tăng sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại những rào cản như: chất lượng và sản lượng không ổn định, thị trường tiêu thụ với những yêu cầu thay đổi và ngày càng khắt khe.

Vì vậy, vấn đề cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững ngành nuôi và chế biến cá tra Việt Nam là làm thế nào để gia tăng sản lượng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá thành hợp lý, thân thiện môi trường trong sản xuất; duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng sản phẩm cá tra tiêu thụ nội địa.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và các địa phương như An Giang, Đồng Tháp cho biết thêm, hiện nay ngành hàng này đối diện với nhiều khó khăn như: chất lượng giống cá tra ngày càng suy giảm khiến tỷ lệ hao hụt ở giai đoạn nuôi thương phẩm tăng cao, hiệu quả sản xuất thấp. Mặt khác, liên kết chuỗi trong sản xuất cá tra bị ảnh hưởng lớn do trước đây giá cá tra thương phẩm cao nên xuất hiện tình trạng người nuôi chủ động xin không tham gia liên kết sản xuất.

Về thị trường, với tỷ trọng gần 32%, Trung Quốc hiện giữ vị trí đầu về nhập khẩu cá tra Việt Nam, nhưng đây lại là thị trường không ổn định, nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ thuế chống bán phá giá của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu với mức giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, năm 2019 là năm ngành hàng cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều biến động từ khâu sản xuất, tiêu thụ đến xuất khẩu trên các thị trường. Ước tính sản lượng năm 2019, ngành hàng cá tra đạt khoảng 1,2 triệu tấn, giảm 6% so với năm 2018. Giá cá tra biến động và duy trì ở mức thấp, khoảng 20.000 đồng/kg, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2018.

Chú thích ảnh
Dây chuyền chế biến phi lê cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Đa Quốc gia (Tập đoàn Sao Mai) ở Cụm công nghiệp Vàm Cống, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Trước thực trạng trên, nhiều đại biểu cho rằng thời gian tới cần ứng dụng công nghệ sinh học trong lai tạo giống và phòng bệnh cho loài thủy sản có giá trị kinh tế; nâng cao năng lực chế biến cá tra đáp ứng thị trường xuất khẩu; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong chế biến cá tra xuất khẩu...

Ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thông tin, ngành sản xuất cá tra hiện có 5.400 ha nuôi tập trung nhiều ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng sản lượng 1,512 triệu tấn. Hầu hết các cơ sở nuôi đều áp dụng các chương trình quản lý chất lượng, an toàn dịch bệnh như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP…

Về cơ sở chế biến cá tra, cả nước có trên 100 cơ sở chế biến cá tra với tổng công suất thiết kế ước đạt 1,5 triệu tấn nguyên liệu/năm. Các cơ sở được trang vị máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, thiết bị, công nghệ sản xuất phụ phẩm dầu cá và bột cá tra tương đối hiện đại, đồng bộ.

Tuy nhiên, khâu chế biến, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý khi sản phẩm đông lạnh chiếm trên 92%, các sản phẩm giá trị gia tăng chưa được quan tâm đúng mức khiến các phụ phẩm từ đầu, xương, da, vây cá, nội tạng,… tạo ra sản phẩm cao cấp chưa nhiều. Trong khi đó, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến chất lượng sản phẩm giảm sút.

Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, để phát triển ngành hàng cá tra trong thời gian tới cần tăng cường quản lý, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tạo ra sản phẩm và nâng tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng; quản trị sản xuất và áp dụng các biện pháp giảm giá thành trong khâu chế biến.

Đồng thời, nâng cao tỷ lệ nhà máy chế biến tự đầu tư vùng nuôi và liên kết chặt chẽ với cơ sở nuôi, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tăng cường giám sát, kiểm tra điều kiện sản xuất, chất lượng, an toàn thực phẩm. Trước mắt, không đầu tư phát triển thêm cơ sở chế biến sản phẩm sơ chế phi lê đông lạnh vì đã thừa công suất (40%), thay vào đó đầu tư, nâng cấp cơ sở chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm từ phụ phẩm cá tra, sản phẩm phi thực phẩm.

Chương Đài (TTXVN)