02:10 28/02/2011

Nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo ĐBSCL

Trong vài năm trở lại, sản xuất lúa gạo của Việt Nam liên tục trúng mùa, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dù rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá xuất hiện khá nhiều.

Trong vài năm trở lại, sản xuất lúa gạo của Việt Nam liên tục trúng mùa, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dù rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá xuất hiện khá nhiều.


Theo ngành nông nghiệp, năm 2010, Việt Nam đạt sản lượng gần 40 triệu tấn lúa, như vậy, chúng ta đã về đích trước 5 năm (theo kế hoạch của Chính phủ, năm 2015 mới đạt 40 triệu tấn). Riêng vựa lúa ĐBSCL đã đạt mức 21,55 triệu tấn (mục tiêu đề ra của Bộ NN&PTNT là đến năm 2020 đạt 20 triệu tấn lúa), tiếp tục đảm bảo vai trò an ninh lương thực quốc gia và cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho xuất khẩu, nhưng nông dân trồng lúa hiện vẫn là người nghèo nhất và gặp nhiều khó khăn nhất. Vì sao?

Bài 1: Những yếu tố thiếu tính bền vững

Có thể nhận thấy, nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông) ở ĐBSCL đã có những bước tiến rõ nét và có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế đất nước (góp 27% GDP của đất nước) nhưng soát xét lại, vẫn còn khá nhiều thách thức.

Nông dân xã Long Đức (huyện Long Phú) thu hoạch lúa. Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, sự phát triển vùng ĐBSCL kém bền vững mặc dù sản lượng nông nghiệp và xuất khẩu (XK) tăng nhanh, nhưng thu nhập hộ nông dân không tăng theo tương xứng, thậm chí còn bị giảm ở những vùng sản xuất khó khăn vì nhiễm phèn và ngập mặn.


Khoảng cách giàu nghèo thành thị và nông thôn, kể cả trong khu vực nông thôn, ngày càng tăng. Theo TS Nguyễn Văn Sánh, Trường Đại học Cần Thơ, chênh lệch giàu nghèo ở ĐBSCL đã lên đến 6,4 lần và đang ngày càng rộng thêm. Khi nông dân còn nghèo thì chưa thể có một nền nông nghiệp bền vững. Trong đó, con người được quan tâm đầu tiên mà trực tiếp là người nông dân phải được hưởng lợi công bằng và được bảo vệ trong môi trường sống ổn định.

Gạo là mặt hàng có lợi thế của vùng ĐBSCL trong phát triển các mặt hàng XK. Bởi ĐBSCL là vùng trọng điểm của cả nước về sản xuất gạo, là vùng an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, theo các địa phương trong vùng, chất lượng lúa đang là vấn đề khá nan giải. Bởi tập quán sản xuất của đại bộ phận nông dân vẫn còn chú trọng về số lượng hơn chất lượng, nhiều loại giống được gieo trồng trong cùng một vùng nên chất lượng gạo không thuần chủng và không đồng đều.


Ngoài ra, vấn đề bảo quản sau thu hoạch hiện nay còn nhiều bất cập, không những gây hao hụt lớn mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của hạt gạo. Vì vậy, phẩm cấp hạt gạo sau khi chế biến không cao, khó tiếp cận được các thị trường khó tính, giá gạo XK của Việt Nam luôn thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan. Không chỉ vậy, giá cả bấp bênh của thị trường lúa gạo trong nước cũng gióng lên những hồi chuông cảnh báo cho việc ổn định sản lượng, chất lượng XK.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, về thực chất, sự chuyển dịch trong cơ cấu hàng hóa XK của vùng ĐBSCL thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng mà chưa đi vào chiều sâu. XK chủ yếu dựa vào khai thác lợi thế so sánh sẵn có mà chưa khai thác được những lợi thế cạnh tranh thông qua việc khai thác chuỗi giá trị trong sản xuất sản phẩm. Giá trị XK dịch vụ (du lịch, vận tải, ngân hàng...) còn thấp so với tiềm năng vốn có của vùng. Chúng ta có tour du lịch sông nước, du lịch miệt vườn… nhưng vẫn chưa thấy có tour du lịch mùa cấy, mùa gặt ở ĐBSCL khi nó gắn liền với nông dân tạo ra chuỗi giá trị mới, giới thiệu trực quan cho khách nước ngoài về thế mạnh lúa gạo ngay trên cánh đồng rộng bao la ĐBSCL như An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp Mười...

Các nhà khoa học cũng đã liệt kê và chỉ ra những khó khăn về sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL hiện nay. Đó là thiếu các giống lúa năng suất và chất lượng cao, thích nghi với đặc thù từng tiểu vùng sinh thái của ĐBSCL, chống chịu được sâu bệnh và điều kiện khó khăn do biến đổi khí hậu toàn cầu. Thiếu nguồn cung cấp giống tốt, đến nay chỉ có trên 30% giống cấp xác nhận được sử dụng trong sản xuất lúa.

Những yếu tố trên đã và đang đẩy những lợi thế của ĐBSCL đứng trước sự mất cân đối và ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới.

Lê Hiền - Quốc Thái

Bài 2: Phải hình thành chuỗi sản xuất lúa gạo