11:15 04/11/2015

Nâng cao chất lượng y tế phục vụ người dân Thủ đô

Với sự đầu tư nhân lực, vật lực, trong những năm qua, ngành y tế Thủ đô đã có rất nhiều khởi sắc, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.


Ngành y tế của Hà Nội đã tiếp nhận, chuyển giao nhiều kỹ thuật cao về triển khai tại các bệnh viện, trong đó nhiều kỹ thuật đã được áp dụng thường quy, mở ra cơ hội cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.


Ngành y tế Hà Nội đang có những bước tiến rõ nét. Ảnh: Hữu Oai/TTXVN


Nhiều kỹ thuật cao


Bệnh viện Xanh Pôn đã trở thành cơ sở ghép tạng thứ 13 trong cả nước và đầu tiên của Hà Nội, sau khi thực hiện thành công ca ghép thận ngày 28/12/2013. Từ ca ghép thận đầu tiên thành công, đến nay, kỹ thuật ghép thận đã trở thành thường quy với 9 cặp được ghép thành công. Hiện tại, bệnh viện thực hiện đề án phát triển kỹ thuật ghép bộ phận cơ thể người của ngành y tế Hà Nội, với mục tiêu triển khai ghép gan, ghép tế bào gốc vào năm 2016.


Là bệnh viện hạng I của thành phố Hà Nội với 6 chuyên khoa đầu ngành, bao gồm ngoại khoa, nhi khoa, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức và điều dưỡng, ngoài đề án phát triển kỹ thuật ghép bộ phận cơ thể người, nhiều kỹ thuật khác cũng được Bệnh viện Xanh Pôn chú trọng như hợp tác với Bệnh viện Limoge (Pháp) như: Phát triển mổ nội soi lồng ngực, tiêu hóa, tiết niệu. Bên cạnh đó chuyên khoa Ngoại thần kinh đã hoàn thiện kỹ thuật mổ u não có sử dụng hệ thống vi tính dẫn đường (Neuronavigation), triển khai kỹ thuật mổ vi phẫu dây thần kinh số 5 và số 7, thực hiện các phẫu thuật phức tạp vùng đầu mặt cổ… 


Trong phẫu thuật tạo hình, đã triển khai những kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam như sử dụng vạt da xuyên ngực lưng trong tạo hình khuyết phần mềm trên cơ thể, làm mỏng vạt da bằng kính hiển vi, tạo hình dương vật một thì… Gần đây nhất, bệnh viện đã tiếp tục thực hiện thành công 2 kỹ thuật cao gồm phẫu thuật thay khớp vai và kỹ thuật bơm xi-măng tạo hình đốt sống cho 2 bệnh nhân.


Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thành công của kỹ thuật ghép thận không chỉ tạo bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của bệnh viện, mà còn trực tiếp góp phần nâng cao thương hiệu và chất lượng điều trị của bệnh viện. Việc quyết định chọn kỹ thuật ghép thận ở người là quyết định có tính đột phá, hướng tới hoàn thiện đề án “Phát triển kỹ thuật ghép bộ phận cơ thể người của ngành y tế Hà Nội đến năm 2015” mà trước mắt là giai đoạn 1 đã triển khai ghép thận thường quy, đặt mục tiêu đến năm 2015 ghép tế bào gốc và ghép gan thành công.


Ngoài những thành tựu của bệnh viện Xanh Pôn, một số bệnh viện của Hà Nội cũng đã chủ động đi đầu ứng dụng phát triển các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân như: Kỹ thuật phức tạp về tim mạch can thiệp tại Bệnh viện Tim Hà Nội; kỹ thuật xét nghiệm đột biến gen trong ung thư phổi, nút mạch hóa dầu trong điều trị ung thư gan nguyên phát Bệnh viện Ung bướu Hà Nội...


Nâng cao chất lượng phục vụ


Theo Sở Y tế Hà Nội, giai đoạn 2011 - 2015, thành phố đã đầu tư trên 3.068 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho 49 dự án của 37 bệnh viện trên địa bàn, nhờ đó, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên rõ rệt, các cơ sở khám chữa bệnh tuyến thành phố với 23 chuyên khoa đầu ngành đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao, dịch vụ chất lượng cao ngang tầm với các bệnh viện Trung ương và các bệnh viện trong khu vực Đông Nam Á. 


Bên cạnh đó, hệ thống y tế cơ sở và mạng lưới y tế dự phòng cũng được củng cố, tăng cường cả về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Đến nay, 100% số xã phường đã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ bác sỹ trên 1 vạn dân tăng 11,5 lần; số giường bệnh trên 1 vạn dân tăng 21,3 lần. Trong giai đoạn tới, thành phố sẽ đầu tư xây dựng các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tầm cỡ quốc gia, đồng thời củng cố và hoàn thiện y tế cơ sở để giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi… 


Cụ thể sẽ triển khai 6 dự án nâng cấp, mở rộng bệnh viện, 15 dự án xây mới bệnh viện, 6 đề án phát triển đào tạo y tế, 5 đề án phát triển lĩnh vực sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế và 11 đề án phát triển khối y tế dự phòng, y tế cơ sở… đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Tạ Nguyên- Tuyết Mai (Thực hiện)