08:16 05/08/2020

Nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực hành chính nhà nước

Ngày 5/8, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học "Phát triển nhân lực hành chính nhà nước" với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành nhằm đưa ra những giải pháp, tham mưu cho Chính phủ và Bộ Nội vụ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì Hội thảo.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, trong gần 20 năm thực hiện cải cách hành chính nhà nước, có nhiều nội dung được chú trọng như cải cách bộ máy hành chính nhà nước, cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính..., trong đó, việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng.

Nhấn mạnh, đề án xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin đang được đẩy mạnh, vì vậy, yếu tố con người lại càng quan trọng, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, thời gian qua, việc tinh giản biên chế đã được thực hiện, nhưng chưa triệt để, chưa đánh giá được đúng thực chất; chưa đưa được những cán bộ chưa đủ năng lực ra khỏi bộ máy biên chế.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hiến, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, những bất cập trong công tác nhân sự hành chính hiện nay do nhiều nguyên nhân. Nhà nước cần đưa ra quan điểm cụ thể về vấn đề con người, sau đó rà soát chất lượng nguồn cung cấp nhân sự về hành chính như công tác đào tạo, tuyển sinh... để xác định số lượng những người đã qua đào tạo chuyên ngành là bao nhiêu, từ đó có đánh giá năng lực, chuyên môn, nhằm cung cấp thông tin và xây dựng nguồn nhân lực hành chính nhà nước.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hiến, để nâng cao chất lượng cán bộ, cần giải quyết được sự chồng chéo trong công tác nhân sự của các bộ hiện nay, nghĩa là cán bộ làm hành chính thì phải được đào tạo đúng chuyên ngành, làm việc đúng vị trí mới phát huy tác dụng.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc khẳng định, trong bất kỳ giai đoạn, hoàn cảnh nào, nguồn nhân lực luôn phải được coi trọng và đặt ở vị trí trọng tâm trong chương trình cải cách hành chính nhà nước. Thực tế hiện nay, trong đội ngũ cán bộ hành chính đang có tình trạng "đông nhưng không mạnh", vẫn duy trì chế độ hành chính tập trung quan liêu bao cấp, xin cho là cơ bản. Theo ông Thang Văn Phúc, để nâng cao trình độ cán bộ, công tác đào tạo phải bài bản, đến nơi đến chốn. Đặc biệt khi tuyển dụng các vị trí lãnh đạo phải khách quan, công bằng, có sự cạnh tranh bình đẳng...

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho biết, Đảng ta luôn xác định công tác tổ chức, cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, coi công tác cán bộ là khâu "then chốt " của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị. Theo Phó Giáo sư Vũ Văn Phúc, đội ngũ cán bộ hành chính nhà nước có đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững hay không, phụ thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó có nhân tố quan trọng là phát huy vai trò của hệ thống chính trị và xã hội trong phát triển đội ngũ cán bộ hành chính nhà nước...

Các đại biểu cho rằng, xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài. Theo các chuyên gia, nhà khoa học, xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức đảng, mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu của Đảng, trong đó cơ quan tổ chức, cán bộ là nòng cốt.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Vì vậy, để nâng cao chất lượng và phát triển nhân lực hành chính nhà nước, các đại biểu cho rằng, cần nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. Trong đó, quan trọng nhất là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả những tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ.

Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Trong đó, chú ý hoàn thiện cơ chế, đẩy mạnh thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng và đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận; chủ động nắm, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đối với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác tổ chức, cán bộ...

Đỗ Bình (TTXVN)