12:22 09/12/2015

Nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước

Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX tổ chức tại Hà Nội vừa qua là trong giai đoạn 2016-2020, cả nước cần nâng cao hơn nữa chất lượng của phong trào thi đua yêu nước, để khơi dậy sức mạnh nội tại của toàn dân tộc, thực hiện thành công và toàn diện công cuộc đổi mới.

Đổi mới phương thức thi đua

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Cùng nhau đẩy mạnh thi đua yêu nước thì khó khăn gì cũng khắc phục được, nhiệm vụ gì cũng hoàn thành tốt”, trong 5 năm (2011-2015), phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của nước ta đã có nhiều đổi mới, theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo đại hội.

Trong đó, công tác tuyên truyền, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến là một trong những trọng tâm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng được Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương tập trung chỉ đạo và có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác khen thưởng trong 5 năm qua đã có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở, bám sát các quy định về tiêu chuẩn, đối tượng; tăng cường khen thưởng cho người lao động, công nhân, nông dân, tập thể, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa, khen thưởng đột xuất, khen thưởng thành tích đặc biệt xuất sắc, khen thưởng thành tích kháng chiến.

Các phong trào thi đua tiếp tục được phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, đã cổ vũ, động viên các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân ra sức thi đua, phấn đấu, khắc phục khó khăn, đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Các phong trào thi đua đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kết quả của phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua là kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Để có được những thành công đó, phải kể đến sự nỗ lực của mỗi cá nhân, tổ chức, đơn vị, đặc biệt có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương thông qua việc ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng: Bộ Chính trị thông qua Đề án đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và ban hành Chỉ thị 34-CT/TW ngày 7/4/2014 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013, các nghị định của Chính phủ được ban hành kịp thời, tạo cơ sở pháp lý để triển khai và nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.

Phát huy sức mạnh toàn dân tộc

Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm 2010 - 2015 của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương, công tác thi đua, khen thưởng trong 5 năm qua cũng còn có những hạn chế:

Phong trào thi đua chưa phát triển đồng đều, liên tục, có nơi còn hình thức; Việc đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước thông qua việc phát hiện các điển hình vẫn chưa tạo được sự chuyển biến sâu rộng từ cơ sở và đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Các cơ quan truyền thông chưa dành thời lượng tương xứng để giới thiệu, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các cấp chưa phát huy hết vai trò tham mưu, tư vấn cho cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua.

Để khắc phục những hạn chế hiện nay, theo Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương Nguyễn Thị Doan, thời gian tới, đặc biệt giai đoạn 2016-2020, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng phải phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp triển khai hiệu quả phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020 đã được nêu ra: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thi đua, khen thưởng; đổi mới việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, nhân điển hình tiên tiến; nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng các cấp.

Phong trào thi đua phải trở thành động lực to lớn, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân…
Thái Hòa