06:08 14/06/2013

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Việc đầu tư cho các vùng kinh tế trọng điểm, ưu tiên phát triển các ngành sử dụng nhân lực chất lượng cao, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề…là những hướng đi được kỳ vọng sẽ cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

Chất lượng nguồn nhân lực thấp là vấn đề “nóng” lâu nay đối với nhiều ngành kinh tế. Việc đầu tư cho các vùng kinh tế trọng điểm, ưu tiên phát triển các ngành sử dụng nhân lực chất lượng cao, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề…là những hướng đi được kỳ vọng sẽ cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.

 

Khan hiếm nhân lực chất lượng cao


Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch Việt Nam: Lao động trong ngành du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu đối với môi trường có tính cạnh tranh cao, đặc biệt là ở khu vực dịch vụ cao cấp (tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên). Vì thế, những vị trí hàng đầu trong chuỗi giá trị của ngành, đặc biệt là vị trí đòi hỏi kỹ năng quản trị toàn cầu hầu hết đang phải sử dụng nhân lực nước ngoài.


 

Công nhân làm việc tại Công ty Da giầy Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

 

“Hoạt động du lịch ở nước ta rất sôi động với lực lượng lao động đông đảo. Tuy nhiên, mảng du lịch chất lượng cao và mang tính cạnh tranh thì còn yếu kém”, TS Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Du lịch Việt Nam cho biết.


Việc khan hiếm nhân lực chất lượng cao không chỉ là câu chuyện của riêng ngành du lịch. Một nghiên cứu về thị trường lao động TP Hồ Chí Minh mới đây do Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (KH,LĐ&XH) thực hiện cho thấy, thành phố hiện có khoảng 42% số lao động chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật.


Nhận định về điều này, TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện KH,LĐ&XH cho biết, Việt Nam là nước đang phát triển. Với biểu hiện của thị trường lao động số lượng người đến độ tuổi lao động là đông nhưng chất lượng nguồn nhân lực lại thấp. Hiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tại Việt Nam mới chỉ đạt 20%; tính cả số lao động qua đào tạo nghề nhưng không có bằng cấp, chứng chỉ thì con số này cũng chỉ ở mức 32%.


Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi, đầu tư cho công tác dạy nghề hiện nay vẫn còn thấp, chất lượng đầu ra cũng chưa cao. “Nếu đầu tư cho lĩnh vực dạy nghề không được cải thiện thì chất lượng và nguồn nhân lực sẽ khó có thể đáp ứng nhu cầu của xã hội trong những năm tới”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi lo ngại.


Bước vào giai đoạn hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ bên ngoài. Vì thế, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho người lao động là vô cùng cần thiết, nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

 

Lao động giá rẻ không là lợi thế lâu dài


Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2012, các tỉnh thành phía Nam đã tạo việc làm cho trên 850.000 lao động (chiếm 56% tổng số lao động được tạo việc làm của cả nước). Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của các địa phương đã được bổ sung 56 tỷ đồng và hỗ trợ tạo việc làm cho trên 63.000 lao động thông qua các dự án phát triển chăn nuôi, kinh tế trang trại, sản xuất kinh doanh nhỏ.

Ưu tiên phát triển các ngành sử dụng lao động với chất lượng cao là một hướng đi đã được nhiều địa phương lựa chọn. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2011- 2020, thành phố ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao. Thành phố cân đối đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho các ngành dịch vụ, công nghiệp như: cơ khí chế tạo chính xác, tự động hóa, điện tử và công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; hóa chất - hóa dược và mỹ phẩm. Với định hướng này, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao trên địa bàn thành phố sẽ được đầu tư thích đáng.


Việt Nam có nhiều ưu thế khi thu hút đầu tư nước ngoài. Một trong những lợi thế đó, theo TS Nguyễn Thị Lan Hương là lao động giá rẻ. Trước mắt, đây vẫn là một lợi thế của Việt Nam. Tuy nhiên, về lâu dài, không có quốc gia nào có thể thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế bằng nguồn nhân lực rẻ mà thiếu trình độ. “Sức cạnh tranh phải dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao với mức tiền lương tương xứng”, bà Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh.


Trước xu thế này, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thực tế là một vấn đề không thể xem nhẹ. Theo VCCI, hiện nay có tới 97% số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, thiếu kinh phí nên không chú trọng nhiều đến việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Do đó, các cơ sở dạy nghề cần gắn kết chặt chẽ với các tổ chức sử dụng lao động trong việc đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động. Điều này góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

 

Mạnh Minh