07:10 18/07/2012

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến bệnh viện

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh các tuyến là mối quan tâm hàng đầu, nhiệm vụ cốt lõi của ngành y tế. Tuy nhiên, để thật sự nâng cao chất lượng khám chữa bệnh các tuyến, ngành y tế cần điều chỉnh các giải pháp nhằm phù hợp hơn với thực tế cùng như cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp lồng ghép.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh các tuyến là mối quan tâm hàng đầu, nhiệm vụ cốt lõi của ngành y tế. Tuy nhiên, để thật sự nâng cao chất lượng khám chữa bệnh các tuyến, ngành y tế cần điều chỉnh các giải pháp nhằm phù hợp hơn với thực tế cùng như cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp lồng ghép.

 

Điều chỉnh cách thực hiện Đề án 1816


Từ năm 2008 đến nay, đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” được triển khai rộng khắp cả nước, với hơn 11.000 lượt các bộ đi luân phiên hỗ trợ tuyến dưới. Nhờ vậy, nhiều kỹ thuật cao đã được chuyển giao cho miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng thiếu cán bộ có năng lực. Qua đó, người nghèo, đồng bào dân tộc được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại địa phương với chi phí thấp nhất, không phải về thành phố để khám chữa bệnh.


Bà Trương Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết: Từ khi triển khai Đề án 1816, nhận được sự giúp đỡ của Sở Y tế và các bệnh viện đầu ngành tại TP Hồ Chí Minh, ngành y tế Đồng Nai đạt được nhiều kết quả. Với vị trí huyết mạch giao thông, có trục Quốc lộ I đi qua, Đồng Nai luôn là một trong những tỉnh có tỷ lệ tai nạn giao thông đứng đầu cả nước. Những năm trước đây, khi nạn nhân được phát hiện bị chấn thương sọ não sẽ được chuyển thẳng lên bệnh viện tuyến trên. Nhưng nay, hầu hết các bệnh viện đa khoa của tỉnh đều thực hiện tốt phẫu thuật chấn thương sọ não. Đây được xem là điểm son của ngành y tế tỉnh nhờ Đề án 1816. Bên cạnh đó, những khoa như: Nhi, tim mạch, thần kinh, cột sống cũng được nâng cấp, khám chữa bệnh rất hiệu quả.


Tuy nhiên, Đề án 1816 cũng bộc lộ một số hạn chế, nếu không khắc phục sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu mà đề án hướng đến. Trong đó, quy định bắt buộc thời gian 3 tháng cho mỗi cán bộ thực hiện một lần đi luân phiên là chưa phù hợp với nhu cầu chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Vì có kỹ thuật cần thời gian chuyển giao trên ba tháng nhưng cũng có kỹ thuật chỉ cần dưới ba tháng. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng các bệnh viện tuyến trên của cán bộ đi luân phiên chuyển giao các kỹ thuật không phù hợp với nhu cầu của tuyến dưới.


Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Cần thay đổi cách thức thực hiện Đề án 1816. Thay vì luân phiên chuyển cán bộ trong thời gian 3 tháng, chúng ta nên chuyển sang dạng “gói dịch vụ cần chuyển giao”. Tức là, bệnh viện tuyến dưới sẽ đề nghị bệnh viện tuyến trên chuyển giao một gói các dịch vụ (gói dịch vụ liên quan đến các kỹ thuật can thiệp tim mạch, cấp cứu sơ sinh…) và ký hợp đồng thực hiện gói dịch vụ đó với thời gian, kinh phí cụ thể. Hai bên có thể lựa chọn các hình thức: cử cán bộ tuyến trên xuống hay tuyến dưới lên, hoặc học qua video conference (truyền hình trực tuyến), miễn hoàn thành chuyển giao gói dịch vụ trong một thời gian nhất định. Cách làm này sẽ tạo sự chủ động cho tuyến dưới, tránh được tình trạng như trước đây tuyến trên chuyển giao kỹ thuật nào tuyến dưới nhận như thế.

 

Phát triển mô hình bệnh viện vệ tinh


Đây là mô hình được thực hiện thí điểm ở một số bệnh viện khu vực phía Bắc do Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức triển khai, có sự hỗ trợ từ Bộ Y tế. Ở khu vực phía Nam, mô hình này mới ở dạng manh nha giữa Bệnh viện Nhi Đồng I và Bệnh viện Nhi Đồng Nai với nguồn kinh phí tự lực. Thế nhưng, hiệu quả mà mô hình này mang lại là vô cùng lớn. Bởi trên thực tế, đã có sự điều tiết bệnh nhân giữa các bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới thuộc các khoa: tim mạch, ung bướu, nhi, sản, chấn thương chỉnh hình, tránh tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên một cách đáng kể.


Theo TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng I (TP Hồ Chí Minh): Từ năm 2010, Bệnh viện Nhi Đồng I “âm thầm” cùng Bệnh viện Nhi Đồng Nai thực hiện mô hình bệnh viện vệ tinh bằng nội lực của hai bên. Giai đoạn đầu, Bệnh viện Nhi Đồng I tập trung giúp Bệnh viện Nhi Đồng Nai chuẩn hóa quy trình điều trị theo mô hình phác đồ điều trị giống Bệnh viện Nhi Đồng I. Đặc biệt, bệnh viện đẩy mạch việc chuyển viện an toàn và hoàn chỉnh hệ thống trao đổi chuyên môn giữa hai bệnh viện. Giai đoạn tiếp theo, bệnh viện tiến hành hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu bệnh nhi. Nhờ vậy, hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng Nai thực hiện được khá nhiều kỹ thuật, trong đó có các phẫu thuật cho bệnh nhi. Trước đây, trẻ em tại Đồng Nai khi có bệnh đều tự lên Bệnh viện Nhi Đồng I để khám chữa bệnh, dẫn đến tình trạng quá tải. Trong khi đó, khá nhiều trường hợp, Bệnh viện Nhi Đồng Nai có thể chữa trị được. Đến thời điểm này, số bệnh nhi tại Đồng Nai (chưa đến mức độ cần chuyển tuyến) chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng I (so với thời kỳ chưa thực hiện bệnh viện vệ tinh) đã giảm 49%. Số lượng trẻ tới khám tại Bệnh viện Nhi Đồng Nai thời gian vừa qua tăng 80% và nội trú tăng 28%.


Rõ ràng, mô hình bệnh viện vệ tinh là một trong những đòn bẩy quan trọng, quyết định đến chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới. Việc triển khai mô hình này ở tất cả các vùng miền là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, không phải bệnh viện nào cũng đủ nội lực để triển khai. Để giải quyết tình trạng này, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết: Muốn triển khai các đề án bệnh viện vệ tinh thì trong Đề án Giảm quá tải bệnh viện của Bộ Y tế sắp trình Chính phủ, phải có danh mục các đề án cần đầu tư. Trong danh mục đó sẽ đề ra các dự án bệnh viện vệ tinh sẽ triển khai, xác định địa điểm thực hiện. Có như thế, đề án bệnh viện vệ tinh các tỉnh mới có thể có nguồn kinh phí từ Trung ương. Mặt khác, đây chính là cơ sở giúp Sở Y tế các tỉnh, thành sắp thực hiện bệnh viện vệ tinh trình lên UBND để được nhận hỗ trợ kinh phí mua máy móc, trang thiết bị.

 

Lan Phương