11:19 05/11/2019

Nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện trường học

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện cho thấy, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ mạng lưới thư viện Việt Nam, đặc biệt là mạng lưới thư viện công lập, mối quan hệ giữa các loại thư viện để có chính sách phát triển thư viện phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện.

Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 5/11, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Thư viện; báo cáo thẩm tra về việc phân bổ 4.069 tỉ đồng trong tổng số 10.000 tỉ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và một số nội dung liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2020. 

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện cho thấy, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ mạng lưới thư viện Việt Nam, đặc biệt là mạng lưới thư viện công lập, mối quan hệ giữa các loại thư viện để có chính sách phát triển thư viện phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện.

Một số ý kiến đại biểu cho rằng các quy định liên quan đến thư viện cơ sở giáo dục còn chung chung, nằm rải rác, chưa đủ mạnh để thúc đẩy loại hình này phát triển. Một số ý kiến đề nghị làm rõ sự khác biệt giữa đối tượng phục vụ, chức năng, nhiệm vụ của thư viện trường mầm non, tiểu học, trường phổ thông và đại học. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục trong việc bổ sung vốn tài liệu mới theo nhu cầu sử dụng cũng như hiệu quả hoạt động của thư viện thuộc cơ sở giáo dục của mình.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, để xác nhận vị trí của thư viện cơ sở giáo dục, làm rõ sự khác biệt giữa thư viện các cấp học, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo cấu trúc: khái niệm thư viện từng cấp, đối tượng phục vụ và chức năng, nhiệm vụ tương ứng. Trong đó, quy định cụ thể nhiệm vụ về xây dựng tài nguyên thông tin theo đặc thù của từng loại thư viện; về nghĩa vụ liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu và trách nhiệm trong việc phát triển văn hóa đọc, kỹ năng đọc phù hợp với đối tượng từng cấp học. 

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Thư viện, các đại biểu cho rằng trong trường phổ thông thư viện được xác định là một hạng mục thiết yếu, là trung tâm sinh hoạt văn hóa khoa học của nhà trường, được Nhà nước đầu tư xây dựng hạng mục và hoạt động khá đồng bộ với phòng học bộ môn chức năng của trường. Tuy nhiên, việc nhìn nhận từ góc độ thực tiễn lại cho thấy sự lãng phí.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho rằng ở nhiều nơi thư viện chỉ được coi là một kho chứa sách trong khi nhiều trường còn đang thiếu phòng học, nguồn tài nguyên của thư viện không được khai thác gây lãng phí. Số lượng các đầu sách không nhiều và chất lượng không cao, không hướng tới nhu cầu của độc giả, ít lựa chọn cho học sinh dẫn tới nhiều học sinh phổ thông không còn thiết tha với thư viện trường học. Vị trí của thư viện lại đặt không hợp lý trong khuôn viên của trường, không thuận lợi cho học sinh lui tới. Thời gian hoạt động của thư viện theo giờ hành chính - mở cửa khi học sinh đã vào học và đóng cửa trước khi học sinh tan học, thời gian nghỉ giải lao ở trường của học sinh lại hạn hẹp.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phân tích tầm quan trọng và chính sách đầu tư phát triển thư viện trong trường học, đại biểu Lâm Đình Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh) kỳ vọng, Luật thư viện được ban hành là chính sách để phát triển các cơ sở thư viện hữu hình, đồng thời tác động mạnh mẽ đến thói quen đọc sách của học sinh, văn hóa đọc của người Việt Nam từ đó nâng cao dân trí phát triển nhân cách cho thanh thiếu nhi Việt Nam. Đại biểu Lâm Đình Thắng đề nghị cần bổ sung quy định đưa tiết đọc sách vào khung chương trình chính thức ở cấp học phổ thông. Thời gian đọc hiện nay của học sinh ở trường chủ yếu là giờ ra chơi với bầu không khí hoàn toàn không phù hợp để các em có thể tập trung thưởng thức và thẩm thấu nội dung sách. Các đại biểu đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển thư viện công lập tại các vùng kinh tế - xã hội khó khăn, vùng dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo; quy định cụ thể về chính sách xã hội hóa và ưu tiên phát triển tài nguyên thông tin số, hoạt động liên thông thư viện...

Báo cáo thẩm tra về việc phân bổ 4.069 tỉ đồng trong tổng số 10.000 tỉ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và một số nội dung liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2020 cho thấy, việc bổ sung 241,021 tỉ đồng để thu hồi vốn ứng trước của các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là cần thiết và đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công. Đây là số vốn Chính phủ đề nghị bố trí tăng thêm Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững từ nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Về kiến nghị giao Chính phủ phân bổ và giao kế hoạch 1.000 tỉ đồng cấp vốn cho vay, cấp bù lãi suất, phí quản lý Chương trình nhà ở xã hội, Chương trình nhà ở cho công nhân tại các Khu công nghiệp cho các Ngân hàng tham gia thực hiện chương trình, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng trên thực tế, một số khoản chi đã có chế độ, chính sách, xác định được nhiệm vụ chi, nhưng tại thời điểm quyết định dự toán và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 chưa có đủ căn cứ để xác định số phân bổ cụ thể đối với từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương (trong đó có khoản 1.000 tỉ đồng nêu trên). Vì vậy, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với việc quy định trong Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ phân bổ chi tiết một số khoản chi để bảo đảm tính chủ động, kịp thời trong triển khai thực hiện.

Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về điều khoản chuyển tiếp và đề nghị giảm các thủ tục trình tự giao vốn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ thực trạng chậm giải ngân theo Luật Đầu tư công hiện hành và cho rằng phần lớn xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan như việc chuẩn bị các điều kiện triển khai dự án chưa kỹ càng, tính chủ động, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án còn thấp, năng lực nhà thầu hạn chế... Theo Bộ trưởng, hiện vẫn còn 20 nghìn tỉ đồng chưa giải ngân vì quy trình thủ tục rất phức tạp. Theo Luật Đầu tư công mới quy định, sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ giao cho từng ngành, địa phương thực hiện. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương giao chi tiết, sau đó báo cáo lại, nghĩa là sẽ chuyển từ tiền kiểm, sang hậu kiểm...

Đỗ Bình  (TTXVN)