04:09 16/04/2015

Nâng cao chất lượng hệ thống quân - dân y

Để nâng cao hiệu quả của mô hình kết hợp quân - dân y, việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị và nguồn lực con người là điều cấp thiết.

Để nâng cao hiệu quả của mô hình kết hợp quân - dân y, việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị và nguồn lực con người là điều cấp thiết.

Bà Nguyễn thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế: Củng cố mạng lưới y tế cơ sở


Để phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp của cả quân y và dân y trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, xây dựng tiềm lực y tế - quân sự vững chắc, các cấp ủy đảng, các ban ngành, các tổ chức quần chúng, đoàn thể xã hội cần nhận thức sâu sắc công tác kết hợp quân - dân y là thực hiện công tác dân vận của Đảng, và đó là nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế. Trong đó, củng cố y tế cơ sở, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các cơ sở khám chữa bệnh quân - dân y là giải pháp then chốt.

Tôi kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của hệ thống các Ban quân – dân y các cấp, đủ năng lực tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị về công tác kết hợp quân - dân y. Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành các văn bản pháp quy hoàn thiện về tổ chức cũng như về chế độ, chính sách đối với hoạt động kết hợp quân – dân y, và nhất là chế độ chính sách đối với cán bộ, nhân viên y tế, quân y làm nhiệm vụ vùng sâu vùng xa, vùng cao biên giới để thu hút được cán bộ, nhân viên quân, dân y tình nguyện đến công tác tại các khu vực này.

Trung tướng Dương Đức Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 2: Tăng cường đầu tư ngân sách


Quân khu 2 là địa bàn chiến lược, với đặc điểm là miền núi, biên giới, còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội; thiên tai dịch bệnh thường xuyên đe dọa và có thể gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân. Lực lượng y tế địa phương, nhất là các xã, huyện vùng sâu vùng xa, vùng cao biên giới rất thiếu, trình độ hạn chế; trang thiết bị y tế nghèo nàn chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân ngày càng cao. Do vậy, việc thực hiện tốt kết hợp quân - dân y trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thảm họa là hết sức cần thiết và có vai trò quan trọng góp phần củng cố thế trận lòng dân, gắn bó nhân dân với chính quyền, với Đảng để từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Từ những kết quả đạt được và đặc điểm địa bàn, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đề xuất Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế cần quan tâm, tăng cường đầu tư ngân sách cho hoạt động kết hợp quân - dân y nói chung và hoạt động hết hợp quân - dân y phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thảm họa cho nhân dân và bộ đội nói riêng.



Thượng úy Lý Văn Hướng, nhân viên quân y Đồn Biên phòng Pa Ủ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu: Gắn bó máu thịt giữa quân và dân


Pa Ủ là xã biên giới đặc biệt khó khăn thuộc huyện Mường Tè (Lai Châu), dân số một trăm phần trăm người bản địa là dân tộc La Hủ. Đời sống của nhân dân thiếu thốn, vất vả, dân trí thấp và lạc hậu, kinh tế tự cung tự cấp. Vì vậy, thực hiện tốt công tác kết hợp quân – dân y trong khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc là việc làm có ý nghĩa, khẳng định sự gắn bó máu thịt giữa quân đội và nhân dân như “cá với nước”, quân từ dân sinh ra và vì dân phục vụ.

Tuy nhiên, để công tác quân - dân y kết hợp mạng lại hiệu quả thì cấp ủy đảng, chính quyền cần vào cuộc, đầu tư cơ sở vật chất, con người giỏi về chuyên môn. Mặt khác, hằng năm cần có các đoàn bác sỹ của bệnh viện lớn Trung ương lên khu vực biên giới để khám cho đồng bào dân tộc, phát hiện sớm các bệnh để điều trị kịp thời; đồng thời trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với tuyến y tế cơ sở, nâng cao hiểu quả khám chữa bệnh cho nhân dân vùng sâu vùng xa.



Bác sỹ Trần Đức Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ: Thực hiện luân phiên cán bộ y tế


Để phát huy hiệu quả công tác khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới và hải đảo, theo tôi, các cấp bộ, ngành cần thực hiện theo Quyết định số 14/QĐ-TTg ngày 20/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ, quy định thực hiện chế độ luân chuyển có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến Trung ương xuống tuyến tỉnh, từ tỉnh xuống tuyến huyện, và từ huyện xuống tuyến xã; từ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi đến vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Đồng thời, ngành Y tế cần cử cán bộ bệnh viện tuyết trên về hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.






Y sỹ Vy Thị Việt, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An: Tăng cường đào tạo nhân viên y tế cơ sở


Hiện nay, đội ngũ y bác sỹ tuyến xã vùng sâu vùng xa, khu vực biên giới còn hạn chế về chuyên môn và năng lực công tác, vì vậy cấp ngành cần quan tâm, tạo điều kiện để đội ngũ nhân viên y tế cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức như học tập trung, học tại chức… Ngành Y tế lựa chọn lĩnh vực ưu tiên để đào tạo như: Đào tạo bác sỹ, Cử nhân điều dưỡng, y tế công cộng, đào tạo sau đại học các lĩnh vực chuyên sâu. Người được cử đi học phải có cam kết với ngành, tỉnh sau khi học về phải gắn bó lâu dài tại địa phương công tác. Theo tôi, tỉnh miền núi cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng con em trên địa bàn đi học y tá và cô đỡ thôn bản, lực lượng này sẽ phát huy hiệu quả gần gũi, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của nhân dân.

Tôi cho rằng Nhà nước nên thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ đối với bác sỹ về công tác tại trạm y tế, đối với nhân viên y tế cơ sở thời gian phục vụ ở vùng cao ít nhất 3 năm đối với nữ, 5 năm đối với nam sẽ được chuyển vùng công tác, được đi học tập nâng cao. Chế độ được đảm bảo, cán bộ và nhân viên y tế cơ sở sẽ yên tâm công tác, phối kế hợp chặt chẽ cùng với lực ượng quân y, thì công tác kết hợp quân - dân y trong khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc sẽ mang lại hiệu quả cao.

V.Hoàng (thực hiện)