06:16 18/06/2015

Nâng cao chất lượng Giải báo chí quốc gia

Như thường lệ, Giải báo chí quốc gia lần thứ IX năm 2014 sẽ diễn ra đúng vào ngày báo giới cả nước kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.

Như thường lệ, Giải báo chí quốc gia lần thứ IX năm 2014 sẽ diễn ra đúng vào ngày báo giới cả nước kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6. Năm nay, Báo chí cách mạng Việt Nam tròn 90 tuổi (21/6/1925 - 21/6/2015), mùa Giải báo chí quốc gia lần thứ IX cũng gặt hái được nhiều thành công với những điểm tích cực đáng ghi nhận.

Chất lượng tác phẩm được đặt lên hàng đầu

Năm nay là năm đầu tiên, Giải báo chí quốc gia được tổ chức theo Đề án nâng cao chất lượng giải báo chí quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm nâng cao chất lượng, uy tín của giải. Đề án này góp phần nâng cao chất lượng, uy tín của giải quốc gia thông qua việc bổ sung loại hình báo chí (điện tử), tăng số lượng giải (từ 8 lên 11), tăng cường công tác tuyển chọn ở các cấp Hội để tiếp tục nâng cao chất lượng giải báo chí quốc gia; khuyến khích, động viên, tôn vinh những tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc phát hành trong một năm lao động sáng tạo không ngừng nghỉ của đội ngũ hơn 22.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, cộng tác viên báo chí trong cả nước. Đề án cũng hướng tới mục tiêu thu hút đông đảo hội viên - nhà báo tích cực tham gia hoạt động nghiệp vụ để nâng cao mặt bằng chất lượng báo chí nói chung.

Nhà báo Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chung khảo bỏ phiếu bầu chọn tác phẩm tham gia Giải báo chí quốc gia lần thứ 9 - năm 2014. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN


Vòng chung khảo với sự tham gia của 39 thành viên do ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam làm Chủ tịch hội đồng đã chọn được 118 tác phẩm để trao giải vào dịp 21/6. Ông Thuận Hữu đánh giá: Chất lượng các tác phẩm báo chí cả Trung ương và địa phương đều được nâng cao, tương đối đồng đều. Tuy nhiên, mảng bình luận báo in, ảnh báo chí vẫn chưa có nhiều tác phẩm thực sự xuất sắc. Ở một số loại giải, chất lượng tác phẩm tốt. Nhóm phóng sự, phóng sự điều tra báo in; phóng sự, phóng sự điều tra truyền hình có chất lượng đồng đều hơn. Nhóm tin, bài phản ánh, bút kí - báo in có nội dung phong phú hơn, nhiều bài được đầu tư công phu.

Số lượng các tác phẩm dự thi lên đến 1.468 tác phẩm, điều này cho thấy sự lan tỏa của giải, thu hút được đông đảo nhà báo tham gia. 177 cộng tác viên của các cơ quan báo chí có tác phẩm dự giải, 19 phóng viên ảnh gửi tác phẩm ảnh dự thi với tư cách cá nhân. Hội đồng sơ khảo gồm 70 thành viên, chia thành 10 tiểu ban, đã chấm, chọn 177 tác phẩm xuất sắc thuộc 4 loại hình báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử) vào chung khảo. Đây là những tác phẩm tiêu biểu, có tính phát hiện, phản ánh sinh động mọi mặt của đời sống, tập trung phản ánh những vấn đề lớn của đất nước, có tính định hướng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có chất lượng tốt về hình thức thể hiện.

Những tác phẩm được trao giải là những tác phẩm tiêu biểu, đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước trong năm 2014 với nhiều khó khăn, thử thách mới. Đặc biệt, phản ánh quyết liệt vấn đề an ninh, quốc phòng, nhất là bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với các thế lực thù địch, các hoạt động sai trái chống phá Nhà nước và chế độ. Tuy vậy, cũng phải thẳng thắn chỉ ra rằng điểm yếu chung về nghiệp vụ của các tác phẩm là thể hiện chưa sâu, chưa đạt tới tầm của vấn đề mà tác giả đặt ra. Ở một số thể loại ít tác phẩm dự thi và chất lượng chưa cao, nhất là với các tác phẩm phát thanh của các đài địa phương.

Ảnh báo chí vẫn là loại hình cần được các cơ quan báo chí trong cả nước tập trung quan tâm hơn nữa. Hội đồng Giải báo chí quốc gia nhiều năm qua đã tạo cơ chế thông thoáng nhất để chọn được nhiều tác phẩm ảnh dự giải, trong đó có cho phép tác giả trực tiếp gửi tác phẩm dự giải không qua tuyển chọn ở cơ sở. Tuy vậy, từ nhiều năm qua, số lượng cũng như chất lượng ảnh dự giải vẫn chưa cao, chưa phản ánh sát, đủ diện mạo báo chí trong năm. Năm nay, ảnh báo chí có một giải A dành cho nhóm ảnh "Giải cứu thành công 12 công nhân bị nạn ở hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng" của nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Tuy nhiên, năm nay ảnh báo chí lại không có giải B.

Báo Điện tử năm nay tham dự giải nhiều hơn các năm trước (với gần 150 tác phẩm) nhưng chưa thật đặc trưng về thể loại và chất báo “điện tử”, vẫn còn nhiều tác phẩm là tập hợp ảnh và chú thích ảnh nhưng lại ghi là phóng sự hoặc bài phản ảnh (tình trạng chung mấy năm nay của báo điện tử)...

Những điểm nổi bật

Qua 8 mùa Giải báo chí quốc gia, năm nay là năm thứ 3 liên tiếp giải có số tác phẩm gửi dự thi cao nhất, ở mức trên dưới 1.500 tác phẩm. Giải báo chí quốc gia năm nay đã được các cấp Hội hưởng ứng rất tích cực: 62/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 18/19 Liên Chi hội và 37 Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương. Với 1.468 tác phẩm dự thi, Hội đồng đã chọn được 177 tác phẩm xuất sắc nhất ở cả 4 loại hình báo chí: Truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử vào vòng chung khảo. Từ đó, Hội đồng chung khảo đã chấm công tâm, đề cao chất lượng và 118 tác phẩm đã được giải, gồm 9 giải A, 26 giải B, 54 giải C và 29 giải Khuyến khích.

Con số 9 tác phẩm trong 11 loại giải được giải A cũng là con số cao nhất tới nay. Giải báo chí quốc gia năm 2013 có 8 giải A, những năm trước đây số lượng cao nhất cũng chỉ dừng lại ở con số 3 - 4. Số lượng tác phẩm giành giải A nhiều hơn không phải là Hội đồng chấm dễ dãi hơn mà là chất lượng tác phẩm dự thi đã được nâng lên hơn những năm trước ở cả chủ đề thời sự, nội dung và kỹ thuật, chất lượng thể hiện.

Trong số 9 giải A có thể nhận thấy các tác phẩm đoạt giải A phân bổ khá đều giữa các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, không hẳn tập trung ở các cơ quan báo chí lớn, cho thấy mặt bằng của báo chí khá đồng đều. Điều này cho thấy các cơ quan báo chí địa phương đã rất nỗ lực, đầu tư công sức, máy móc kĩ thuật để sáng tạo ra tác phẩm chất lượng tốt. Nổi bật là Liên chi hội Nhà báo Quảng Ninh đã vượt qua hơn 20 tác phẩm khác lọt vào chung khảo, giành được giải A với tác phẩm "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng - Nhìn từ tinh giản bộ máy biên chế ở Quảng Ninh" ở thể loại tin, phóng sự, kí sự truyền hình. Báo Tuổi trẻ điện tử cũng giành giải A thể loại tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận với tác phẩm "Câu chuyện Sam Lang: Chui vào túi nilông để... qua suối". Đây là loạt bài phản ánh mang tính chất phát hiện mà có thể nói là gây chấn động trong dư luận xã hội, phương thức thể hiện sinh động. Ở Giải B, bên cạnh các cơ quan báo chí lớn còn có sự góp mặt của các cơ quan báo chí địa phương như Quảng Ngãi, Quảng Bình.

Một điểm tích cực nổi bật trong năm nay là có nhiều cá nhân - tác giả đơn đứng tên tác phẩm dự thi và được giải. Theo thống kê, trong số 118 tác phẩm thuộc 11 thể loại được giải, có tới 42 cá nhân tác giả được giải. Cụ thể là có 2 tác giả được giải A, 12 tác giả được giải B, 18 tác giả được giải C và 10 tác giả được giải Khuyến khích. Trong số 59 tác phẩm được chọn vào chung khảo nhưng chưa được giải cũng có 19 cá nhân. Đây là con số ấn tượng, chưa năm nào đạt được.

Số tác phẩm nhiều nhất, có chất lượng hơn cả trong giải năm nay phải kể đến chủ đề xây dựng Đảng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, các vấn đề kinh tế, nông nghiệp, nông thôn, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chống các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Cũng có nhiều tác phẩm về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03, giới thiệu những nhân tố mới, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong hoạt động kinh tế, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt; các vấn đề phát triển gắn với bảo vệ môi trường...

Hoài Sa