02:09 18/02/2017

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề vùng Tây Nguyên

Thời gian qua, các cơ sở đào tạo nghề ở các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên đã chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, góp phần củng cố nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Nhiều chính sách ưu tiên

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng; trong đó có nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần ổn định và nâng cao đời sống đồng bào vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, công tác đào tạo nhân lực được chú trọng, nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề như: Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ người học nghề... được triển khai. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cũng đã xây dựng và phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh đến năm 2020 và định hướng những năm tiếp theo.

Giờ thực hành nghề lái xe ô tô tại Trường Trung cấp nghề số 15 - Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) tại tỉnh Gia Lai.


Sau khi Chính phủ ban hành các chính sách phát triển nhân lực cho vùng Tây Nguyên thể hiện qua Quyết định 1951/QĐ - TTg ngày 18/7/2011 về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2015; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/QĐ - TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; Quyết định số 267/QĐ - TTg về chính sách dạy nghề dân tộc thiểu số nội trú, cùng nhiều quyết định và các chính sách hỗ trợ khác..., mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn Tây Nguyên ngày càng được mở rộng.

Đến tháng 12/2015, trên địa bàn Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên có 108 cơ sở đào tạo nghề gồm 6 trường cao đẳng nghề, 12 trường trung cấp nghề (trong đó có 4 trường tư thục). Riêng các tỉnh Tây Nguyên có 6 trường cao đẳng nghề (Lâm Đồng có 2 trường, Đắk Lắk 2 trường, Gia Lai 2 trường, Kon Tum và Đắk Nông chưa có trường cao đẳng nghề). Ngoài ra, trong vùng còn có 65 cơ sở khác có tham gia dạy nghề gồm 1 trường đại học, 4 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp, 30 trường trung tâm và 20 cơ sở khác.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam:

Đào tạo nghề phải tự chủ toàn diện

Đào tạo nghề phải có sự thay đổi căn bản và thực chất, tránh tình trạng chỉ thay đổi ở một vài địa phương, một vài khía cạnh. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhất quyết phải đi theo lộ trình tự chủ một cách toàn diện, cả về tài chính, nhân sự và chương trình đào tạo. Chỉ khi thực thi cơ chế tự chủ thì các trường mới có động lực và bắt buộc nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên để thu hút người học. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp phải được thực hiện một cách chặt chẽ và thực chất; khuyến khích xây dựng xưởng sản xuất ngay trong nhà trường và lớp học ngay tại doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người học thực hành trên máy móc, dây chuyền sản xuất thực tế.

Cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong công tác tuyển sinh, các chính sách ưu tiên cho vùng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đã tác động đến số lượng, nguồn nhân lực toàn vùng. Trong giai đoạn 2011 - 2015, số học sinh học nghề tại 5 tỉnh Tây Nguyên là 427.921 người (bình quân mỗi năm dạy nghề cho 85.584 người, tăng gấp 3,7 lần so với giai đoạn 2006 - 2010). Báo cáo của các địa phương trong vùng cho thấy, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của toàn vùng tăng từ 26,25% năm 2010 lên 33,5% vào năm 2015. Tính riêng chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, trong giai đoạn 2010 - 2015 đã dạy nghề cho 213.516 người, trong đó gần 50% là người DTTS; 42,4% học nghề phi nông nghiệp và 57,6% học nghề nông nghiệp.


Ngân sách trung ương hỗ trợ cho dạy nghề vùng Tây Nguyên từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm và dạy nghề thông qua Dự án đổi mới và phát triển dạy nghề và Dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 905.487 triệu đồng, chiếm 13% so với tổng kinh phí các dự án phân bổ cho các địa phương trong cả nước. Các trường thuộc các tỉnh có huyện giáp Tây Nguyên cũng được quan tâm, tập trung đầu tư nguồn lực từ các chương trình dự án đào tạo nghề để phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có tuyển sinh đào tạo từ các địa bàn huyện giáp Tây Nguyên và các tỉnh Tây Nguyên.


Từ năm 2016, kinh phí thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 được bố trí trong nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn của các tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2016 là 70.955 triệu đồng, riêng 5 tỉnh Tây Nguyên bố trí 14.799 triệu đồng (còn 2 tỉnh trong vùng là Gia Lai và Bình Phước đến thời điểm hiện tại chưa được bố trí kinh phí cho hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn).


Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung:

Học nghề xong làm được việc ngay

Người học nghề khó xin được việc không phải vì xã hội không có nhu cầu mà vì chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc. Trước khi thay đổi tư duy chọn trường của người học thì bản thân các cơ sở dạy nghề phải chủ động nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo học viên sau khi học nghề có thể làm được việc ngay. Các cơ sở dạy nghề cần xác định tự chủ tài chính là con đường tất yếu, không chỉ có giáo dục nghề nghiệp mà trước đó đã áp dụng với đào tạo đại học. Các cơ sở giáo dục không tự nâng cao chất lượng, thu hút được người học thì tất yếu phải sáp nhập hoặc tự ngưng hoạt động.

Từ nay đến năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục đào tạo nghề cho trên 1,27 triệu người tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn của vùng như: Công nghiệp thủy điện, khai thác khoáng sản, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, nhân lực kỹ thuật phục vụ cho sự nghiệp phát triển ngành trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, điều... Đồng thời, các tỉnh trong vùng chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ cho các ngành dịch vụ như tài chính ngân hàng, tín dụng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó tiến hành quy hoạch lại hệ thống phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó mỗi tỉnh ở vùng Tây Nguyên có ít nhất 1 trường cao đẳng (mỗi trường có ít nhất 2 - 3 nghề cấp độ khu vực ASEAN và 3 - 5 nghề cấp độ quốc gia).


Ở cấp huyện có ít nhất 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp hoặc cơ sở của trường cao đẳng để đảm nhiệm việc đào tạo nghề nghiệp tại chỗ cho lao động nông thôn... Các tỉnh Tây Nguyên cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề, đồng thời phát triển, thu hút đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp... góp phần phục vụ tốt yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho vùng Tây Nguyên.


Những kiến nghị từ địa phương


Theo dự báo, tốc độ tăng lao động qua đào tạo ở các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 7% năm, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 9% năm.

Trung tâm dạy nghề huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum được đầu tư hơn 14,8 tỷ đồng, nhưng đang trong tình trạng bỏ không.


Nhu cầu cấp thiết về nhân lực phải tăng nhanh về cả số lượng và chất lượng cho vùng Tây Nguyên nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn vùng Tây Nguyên.

Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động ở các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2020” do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây đã tập trung hướng đến các giải pháp như: Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đầu tư cơ sở vật chất thiết bị đào tạo nghề nghiệp; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; phát triển chương trình đào tạo nghề. Tăng cường nguồn lực cho đào tạo nghề nghiệp và quỹ quốc gia về giải quyết việc làm. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách. Thực hiện mở rộng và tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đổi mới quản trị cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên H'Ngăm Niê Kđăm:

Tăng cường nguồn lực

Hiện toàn vùng Tây Nguyên và các tỉnh giáp ranh tăng dân số lên khoảng 10 triệu người (bằng gần 10% dân số của cả nước), dân số trong độ tuổi lao động khoảng 6 triệu người. Cho nên các tỉnh trong vùng Tây Nguyên sớm triển khai thực hiện có kết quả các nhóm giải pháp quan trọng để có kế hoạch xây dựng chương trình hành động từng năm phù hợp với từng địa phương. Đồng thời kiến nghị Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường nguồn lực cho đào tạo nghề nghiệp và quỹ quốc gia về giải quyết việc làm, cũng như sớm ban hành các chế độ, chính sách phù hợp cho từng đối tượng theo học nghề, nhất là thanh niên trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên cũng đã kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tăng mức đầu tư cho các tỉnh vùng Tây Nguyên để thực hiện các dự án ưu tiên đã được phê duyệt. Cho giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có từ 50% học sinh trở lên là người DTTS được hưởng chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm có chính sách đặc thù đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong vùng, giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các địa bàn có đông học sinh DTTS; chính sách học bổng xã hội đối với học sinh có điều kiện khó khăn, học sinh là người DTTS...


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo về dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn làm nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung ưu tiên cho các tỉnh Tây Nguyên phát triển lĩnh vực cây trồng là thế mạnh của vùng. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện hỗ trợ dạy nghề đối với người lao động trong dự toán ngân sách nhà nước đảm bảo thực hiện mục tiêu hỗ trợ dạy nghề giai đoạn 2016 - 2020 trong đó ưu tiên các tỉnh miền núi, các tỉnh Tây Nguyên...


Hy vọng với những giải pháp đó, chủ trương, chính sách nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động vùng Tây Nguyên sẽ sớm được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phê duyệt triển khai, góp phần giải quyết bài toán người lao động thiếu việc làm, tay nghề thấp (đặc biệt là trong đội ngũ người lao động DTTS) vùng Tây Nguyên.

Viết Tôn - Hồng Anh