01:10 28/01/2020

Nâng cao chất lượng đảng viên ở các làng nghề, khu công nghiệp - Bài 2: Để tổ chức Đảng thực chất trong mỗi doanh nghiệp

Tỉnh Bắc Ninh xác định công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhằm triển khai sớm và đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước tới các chủ doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho đồng chí Nguyễn Văn Hiền và Lại Đắc Bình, Chi bộ cơ quan Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh. Ảnh: baobacninh.com.vn

Tuy nhiên, mục tiêu hướng tới “mỗi khu công nghiệp, cụm công nghiệp xây dựng một tổ chức đảng” của tỉnh Bắc Ninh vẫn còn gặp nhiều khó khăn không chỉ do khó tiếp cận với lực lượng công nhân, người lao động mà còn khó vận động chủ doanh nghiệp.

Người lao động không mặn mà

Từ một đảng viên tham gia sinh hoạt tại Đảng ủy khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh, ông Lại Đắc Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực khu vực I, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh được giao nhiệm vụ đẩy mạnh các hoạt động, phong trào để từ đó nuôi dưỡng, phát hiện quần chúng ưu tú kết nạp Đảng. Đến năm 2018, Chi bộ Công ty Cổ phần Điện lực khu vực I ra đời với 3 đảng viên và đến năm 2019 phát triển lên 7 đảng viên. Đây cũng là đơn vị đầu tiên thực hiện thí điểm xây dựng tổ chức cơ sở Đảng tại doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp, Cụm Công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Theo ông Lại Đắc Bình, sau quá trình rèn luyện, thử thách, các quần chúng trưởng thành, trở thành đảng viên có trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong công việc và cuộc sống. Tham gia sinh hoạt đảng, đảng viên mạnh dạn đưa ra quan điểm đóng góp xây dựng chi bộ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất công ty. Bên cạnh đó, làm việc tại doanh nghiệp có tổ chức Đảng, người lao động yên tâm, gắn bó, tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, từ đó, hăng hái lao động sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ khó khăn trong phát triển Đảng tại các doanh nghiệp, ông Lại Đắc Bình thẳng thắn thừa nhận, nhiều doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp có nhận thức chưa đúng đắn về động cơ, mục đích cũng như vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp, tâm lý còn ngại bị kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất, sợ ảnh hưởng năng suất lao động, không quan tâm đến các hoạt động của Đảng, đồng thời gây khó khăn cho đảng viên sinh hoạt, thành lập các chi bộ cơ sở…

Bên cạnh lý do xuất phát từ chủ doanh nghiệp, công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong các Khu Công nghiệp, Cụm Công nghiệp còn chưa nhận thức được đúng đắn về động cơ, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia vào tổ chức Đảng nên không mặn mà.

Chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân Công ty Cổ phần tấm lợp Từ Sơn, Cụm Công nghiệp Lỗ Sung (phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đã có hơn 10 năm gắn bó và làm việc tại công ty. Bên cạnh công việc chuyên môn, chị tích cực tham gia vào tổ chức công đoàn, nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Là quần chúng ưu tú, được mọi người tin yêu và giới thiệu tham dự lớp cảm tình Đảng từ năm 2017 nhưng chị Thủy còn đắn đo. “Tôi luôn cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ Công ty giao. Đối với việc đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi vẫn chưa sẵn sàng, mong muốn phấn đấu thêm”, chị Thủy chia sẻ.

Với tâm lý e ngại như chị Thủy, Chi bộ Công ty Cổ phần tấm lợp Từ Sơn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phát triển đảng viên. Từ năm 2016 đến nay, Chi bộ mới phát hiện bồi dưỡng và kết nạp thêm 1 đảng viên mới, không hoàn thành mục tiêu đề ra.

Ông Bùi Văn Linh, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần tấm lợp Từ Sơn giải thích, trong những năm gần đây, công ty áp dụng máy móc kỹ thuật vào sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng nhân lực thấp. Người lao động phần lớn hết tuổi sinh hoạt đoàn nên nguồn kết nạp chính của chi bộ thông qua tổ chức Công đoàn. Hầu hết quần chúng có tư tưởng an vị, tức là trở thành quần chúng tốt nhưng không muốn phấn đấu vào Đảng. Ông Linh mong muốn, trong thời gian tới, công tác phát triển đảng viên hiện nay cần tập trung đến chất lượng nguồn kết nạp trong mỗi chi bộ cơ sở, hoàn thành tiêu chí số lượng nhưng phải ưu tiên yếu tố chất lượng để tổ chức Đảng thực chất, bền vững, hiệu quả trong mỗi doanh nghiệp.

Mục tiêu mỗi khu công nghiệp, cụm công nghiệp thành lập một cơ sở Đảng

Triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 20/8/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, Kế hoạch số 32-KH/ĐUK-BQLKCN, ngày 11/12/2013 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh - Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh về phát triển đảng viên và thành lập tổ chức Đảng ở các loại hình doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tại địa phương, từ năm 2013 đến nay, Đảng bộ Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh thành lập 11 chi bộ, phát triển được trên 100 đảng viên ở các chi bộ mới được thành lập.

Chia sẻ về lợi ích của việc thành lập các tổ chức Đảng ở các loại hình doanh nghiệp ngoài Nhà nước, ông Đỗ Đình Hữu, Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Hoạt động của tổ chức Đảng và doanh nghiệp nhằm hướng đến mục đích chung tăng trưởng ổn định, bền vững trong chính doanh nghiệp và xã hội; đồng thời khuyến khích đảng viên có vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong lao động sản xuất. Do đó, công tác phát triển đảng trong khối doanh nghiệp luôn được quan tâm, coi trọng góp phần tuyên truyền vận động chủ doanh nghiệp thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Tuy nhiên, ông Đỗ Đình Hữu khẳng định, trên thực tế, việc phát triển tổ chức đảng, kết nạp đảng viên tại các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp, khu công nghiệp tại địa phương gặp nhiều khó khăn, đặc biệt doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, năm 2019 đã kết nạp được 116 đảng viên trong các doanh nghiệp, trong đó có 9 đồng chí lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp; 57 nhân viên, người gián tiếp sản xuất và 50 công nhân, lao động trực tiếp sản xuất. Trên thực tế, so với tổng số 290.000 lao động đang làm việc tại tỉnh Bắc Ninh, số lượng đảng viên trong doanh nghiệp được kết nạp năm 2019 còn khiêm tốn.

Chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong phát triển công tác Đảng tại các doanh nghiệp, ông Đỗ Đình Hữu khẳng định chủ yếu chủ doanh nghiệp có tâm lý e ngại, băn khoăn khi thành lập tổ chức Đảng, lo ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. “Đặc biệt, sự khác biệt về nhận thức và mức độ hiểu biết của lãnh đạo đơn vị là người nước ngoài đối với tổ chức Đảng, tổ chức chính trị-xã hội, dẫn đến khó khăn trong tiếp cận và vận động thành lập các chi bộ cơ sở”, ông Đỗ Đình Hữu cho biết.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận trực tiếp với công nhân, người lao động để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng tham gia vào tổ chức vào Đảng cũng gặp nhiều khó khăn. Đối với những doanh nghiệp có đảng viên chủ yếu là nhân viên, lao động trực tiếp hoặc công nhân, không phải người trong ban lãnh đạo doanh nghiệp nên khó để thuyết phục thành lập tổ chức Đảng. Thậm chí, một số công nhân, người lao động là đảng viên chỉ tham gia sinh hoạt tại địa phương dẫn đến việc thành lập các chi bộ cơ sở càng thêm khó khăn. Với số lượng lớn (gần 17.400 doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc) khiến công tác vận động thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể ở doanh nghiệp vẫn còn hạn chế; số lượng cán bộ trực tiếp làm công tác vận động ít, chưa có nhiều kinh nghiệm và dành nhiều thời gian.

Trong thời gian tới, với mục tiêu mỗi nhiệm kỳ phấn đấu kết nạp 350 đến 400 đảng viên mới, thành lập từ 4 đến 5 tổ chức đảng, ông Đỗ Đình Hữu khẳng định Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nắm bắt tư tưởng, tình hình đảng viên, tổ chức Đảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước tại địa phương. Từ đó hướng dẫn đảng viên trong doanh nghiệp chuyển về sinh hoạt ở tổ chức đảng phù hợp, tiến tới thành lập chi bộ cơ sở. 

Ông Đỗ Đình Hữu nhấn mạnh: “Một trong những giải pháp quyết liệt, cử cán bộ chuyên trách của Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh làm việc với doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tuyên truyền, vận động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chủ doanh nghiệp, công nhân; tập hợp đảng viên, giáo dục quần chúng ưu tú, phát triển tổ chức cơ sở Đảng phù hợp, tiên phong tại khu công nghiệp Yên Phong và khu công nghiệp Tiên Sơn. Trên cơ sở đó, triển khai mạnh mẽ đến các khu công nghiệp trong toàn tỉnh, hướng tới mục tiêu thành lập mỗi khu công nghiệp một cơ sở Đảng”.

Để làm tốt công tác thành lập tổ chức Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh đề xuất, Tỉnh ủy Bắc Ninh chỉ đạo các cơ quan liên quan cần thỏa thuận bằng văn bản với chủ đầu tư, để chủ đầu tư quan tâm, tạo điều kiện cho người lao động được tham gia hoạt động của tổ chức Đảng và các đoàn thể khi cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các cấp, ngành phối hợp chặt chẽ vận động, tuyên truyền để chủ doanh nghiệp hiểu vai trò của tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Bài cuối: Coi trọng chất lượng

Thanh Thương - Diệp Trương (TTXVN)