03:22 10/03/2016

Nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn

Việt Nam đang bước vào hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, cán bộ công đoàn cũng phải am hiểu pháp luật cũng như các chính sách kinh tế.

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2013 đến nay, thành phố xảy ra 265 vụ tranh chấp lao động, với hơn 90.500 công nhân lao động tham gia. Nguyên nhân các vụ tranh chấp này chủ yếu liên quan đến tiền lương, thưởng, tăng ca (chiếm đến 55% số vụ). Trong đó, hầu hết các vụ đình công, ngừng việc tập thể đều trái pháp luật bởi không thông qua thương lượng với công đoàn cơ sở. Mặt khác, các cấp công đoàn cơ sở cũng chưa tổ chức được các buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và người lao động để hạn chế nảy sinh xung đột về quyền lợi và lợi ích.

Người lao động cũng cần được phổ biến các chính sách pháp luật khi hội nhập kinh tế thế giới.

Bà Lê Thanh Phương, Chủ tịch Công đoàn Công ty Dệt may Thắng Toàn cho biết: Cán bộ công đoàn là người đại diện để đứng ra đòi hỏi những quyền lợi chính đáng cho người lao động. Do đó, họ phải am hiểu các chính sách pháp luật để giải thích cho người lao động về quyền và nghĩa vụ của mình trong doanh nghiệp (DN), đồng thời cũng phải nắm được tâm tư và tiếp nhận những ý kiến của người lao động để phản ánh lên DN kịp thời. Cán bộ công đoàn cũng là những người truyền đạt lại những chính sách, quy định của DN tới người lao động để người lao động nắm rõ mà tuân theo. Nếu nơi nào cán bộ công đoàn làm tốt vai trò trên, thì không xảy ra tranh chấp lao động. Ngược lại, nơi nào cán bộ công đoàn không làm tốt nhiệm vụ thì có nhiều bất ổn về lao động.

Ông Giang Văn Nam, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố cũng cho hay, tỉ lệ đối thoại giữa người lao động với các DN trên địa bàn mới chỉ đạt khoảng 45%. Nguyên nhân là do nhiều tổ chức công đoàn chưa thực hiện tổ chức đối thoại giữa DN với người lao động để hạn chế nảy sinh xung đột về quyền và lợi ích, gây ra các vụ đình công. Mặt khác, tỉ lệ cán bộ công đoàn đứng ra tổ chức đối thoại định kỳ và thương lượng giao kết thỏa ước lao động tập thể với DN vẫn còn ở mức thấp.

“Vì vậy, để cập nhật, phổ biến các chính sách pháp luật mới tới người lao động, LĐLĐ TP đã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, trao đổi các kiến thức pháp luật cho cán bộ công đoàn cơ sở. Từ đó, giúp cán bộ công đoàn trang bị và nâng cao hiểu biết các chính sách pháp luật nhiều hơn... Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là người cán bộ cơ sở phải tự ý thức việc trau dồi, nâng cao hiểu biết pháp luật của mình là việc cần thiết, vừa là để bảo vệ mình và bảo vệ người lao động tại DN”, ông Nam cho biết thêm.

Theo ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch LĐLĐ VN, khi Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng, các hiệp định thương mại kinh tế được thực thi, thì cán bộ công đoàn cũng phải đổi mới phương thức hoạt động, giảm những hoạt động hình thức, xa rời công nhân, tập trung vào nhiệm vụ đại diện cho người lao động.

Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy thành phố mới đây đã chỉ đạo: Các cấp công đoàn cần phải bám sát và báo cáo ngay tình hình hoạt động của các DN, đặc biệt là các DN không đóng BHXH, DN không thực hiện trả lương thưởng đầy đủ cho người lao động… tới các cơ quan chức năng, để các cơ quan chức năng kịp thời can thiệp, tránh tình trạng DN nợ BHXH, DN bỏ trốn, ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động. Mặt khác, cần hợp sức với DN, cùng với chủ DN xây dựng các thỏa ước lao động tập thể hài hòa lợi ích hai bên. Từ đó, giúp DN phát triển tốt hơn, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và công nhân cũng có việc làm, thu nhập ổn định, qua đó gắn bó lâu dài với DN.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết