03:08 15/03/2016

Nạn "xẻ thịt” công viên tại Hà Nội

Không gian công cộng dành cho nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân Thủ đô đang phải "nhường chỗ cho quán cà phê, ki ốt bán hàng và điểm trông giữ xe trái phép.

Năm 2016, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai “Năm trật tự văn minh đô thị” với nhiều nội dung; trong đó nhấn mạnh việc thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép, lấn chiếm đất công...

Quán cà phê được xây dựng trái phép trên đất của công viên và nhà văn hóa phường Dịch Vọng với tên gọi New Wind. Ảnh: doanhnghiepvn.vn

Từ đó, trật tự đô thị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, vấn nạn lấn chiếm không gian công cộng làm nơi kinh doanh vẫn chưa được xử lý thiệt để.

Công viên, trung tâm văn hóa bị biến thành nơi kinh doanh

Những năm qua, nhiều công viên ở Hà Nội vấp phải tình trạng chung là bị lấn chiếm đất để kinh doanh. Việc lấn chiếm khiến không gian vui chơi, giải trí bị thu hẹp đáng kể. Ở một số công viên như Thủ Lệ, Nghĩa Đô, Thống Nhất... đất công bị "xẻ thịt" để xây dựng quán cà phê, các dịch vụ vui chơi, hàng quán... Phần nhiều những hạng mục lấn chiếm đất công này không có đầy đủ giấy phép xây dựng và sử dụng sai mục đích.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại công viên Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội), một quán cà phê được xây dựng trái phép trên đất của công viên và nhà văn hóa phường Dịch Vọng với tên gọi New Wind.

Quán cà phê này nằm ở vị trí khá đắc địa, ngay gần cổng vào và có góc nhìn ra hồ giữa công viên. Nhằm tạo không gian riêng để kinh doanh, quán cà phê này còn ốp các tấm nhựa trong chạy dọc tường rào của công viên Nghĩa Đô.

Anh Võ Hồng Nhân sống tại phường Dịch Vọng (Cầu giấy, Hà Nội) bức xúc: “Công viên là nơi vui chơi, hoạt động phục vụ cộng đồng, cớ sao một tổ chức hay cá nhân nào đó lại cho mình quyền được lấn chiếm kinh doanh kiếm lợi riêng. Cần làm rõ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật."

Tương tự, tại công viên Thủ Lệ từ lâu là điểm đến được yêu thích của các em thiếu nhi trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các loài thú quý hiếm “trưng bày” ở vườn thú Thủ Lệ không được bổ sung, thậm chí ngày một ít đi. Dọc theo các con đường trong công viên, hàng quán, tiệm đồ ăn, rạp chiếu phim 6D... được bày bán la liệt nhằm phục vụ nhu cầu ăn uống của khách tham quan.

Có hiện tượng khách tham quan ném đồ ăn vào cho các con thú dù mỗi chuồng đều đề biển không cho thú ăn. Thực trạng này làm ảnh hưởng tới cảnh quan xung quanh, không gian vui chơi bị thu hẹp cũng như gây khó khăn cho công tác quản lý công viên.

Trước đây, những ngày cuối tuần, chị Huỳnh Thị Oanh (Ba Đình, Hà Nội) thường cho con đến công viên Thủ Lệ tham quan. Chị Oanh cho biết, động vật thì bao nhiêu năm chỉ có chừng ấy con, một số loài còn ít đi mà trò chơi thu tiền lại nhiều, nào xe đụng, đu quay, nhà bóng…

Cho con vào thăm sở thú mà chị Oanh ngỡ ngàng bởi có quá nhiều các trò chơi, các tiệm ăn... tấp nập chào mời khách. Chính vì vậy, thời gian gần đây, số lần gia đình chị cho trẻ tới công viên cũng ít hơn.

Không chỉ ngang nhiên xâm chiếm các công viên, nhiều trung tâm văn hóa, nhà văn hóa cũng là “nạn nhân” bị lấn chiếm công khai. Là nơi góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, cũng là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương, nhưng Trung tâm văn hóa quận Bắc Từ Liêm đang được trưng dụng vào nhiều mục đích để kinh doanh kiếm lời.

Theo phản ánh của người dân, hàng chục xe tải lớn nhỏ ngang nhiên xếp hàng đỗ trong sân trung tâm văn hóa quận Bắc Từ Liêm, diện tích sân ngoài trời bị sử dụng làm bãi trông giữ xe sai phép. Đồng thời, một phần đất của Trung tâm văn hóa quận bị biến thành quán cà phê khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc.

Quán cà phê ở mặt tiền đường Võ Quý Huân, có 2 tầng kiên cố, bày biện kín bàn ghế, không gian thoáng nên đã thu hút được rất đông khách. Vỉa hè của Trung tâm văn hóa được quy hoạch làm tuyến phố “Văn minh đô thị” với tấm biển: “Cấm lấn chiếm vỉa hè thành nơi kinh doanh buôn bán, cấm dừng đỗ xe sai quy định”.

Nhưng những hàng xe máy của khách uống cà phê đậu đỗ lấn chiếm vỉa hè làm trái với biển quy định. Xe ô tô của khách đỗ dưới lòng đường gây cản trở, nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Cần xử lý nghiêm

Trước một loạt các sai phạm đã diễn ra, UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều quy định xử lý đối với các hạng mục trái phép trong khuôn viên các công viên. Tuy nhiên, công việc giải toả những hạng mục sai phạm vẫn còn nhiều bất cập. Chính quyền địa phương vẫn chưa có động thái xử lý quyết liệt khiến tình trạng lấn chiếm tiếp tục diễn ra, thậm chí nhiều nơi chưa xử phạt xong đã tái phạm.

Trung tâm văn hóa quận Bắc Từ Liêm bị lấn chiếm khiến nhiều người dân bức xúc. Thông tin về việc lấn chiếm đã được nhiều cơ quan báo đài phán ánh nhưng theo ghi nhận của phóng viên, đến nay, tình trạng lấn chiếm vẫn chưa được xử lý. Quán cà phê, bãi đỗ xe trong khuôn viên Trung tâm văn hóa quận vẫn ngang nhiên hoạt động.

Vẫn biết, là quận mới thành lập từ năm 2013 nên tổ chức bộ máy quận Bắc Từ Liêm gặp khá nhiều khó khăn trong việc thắt chặt quản lý về an ninh, trật tự đô thị. Nhưng dư luận vẫn rất cần câu trả lời thằng thắn từ UBND quận Bắc Từ Liêm về vấn đề này.

Theo quy hoạch phát triển hệ thống công viên cây xanh Hà Nội đến năm 2030, khu vực nội đô Hà Nội sẽ có 60 công viên, vườn hoa đô thị; trong đó có 18 công viên, vườn hoa xây mới. Hiện tổng diện tích công viên, vườn hoa của Thủ đô là khoảng 280ha, chiếm khoảng 2% diện tích. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, tình trạng thiếu và kém chất lượng của các công viên còn đang tồn tại, phải làm thế nào để kế hoạch không còn chỉ là giấy tờ mà đi vào được thực tế.

Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ năm 2015, Sở Xây dựng đã phối hợp với các sở ngành, UBND các quận, huyện kiểm tra 281 vườn hoa, công viên, sân chơi công cộng trên địa bàn thành phố, qua đó xử lý hàng trăm vi phạm đối với các trường hợp lấn chiếm, vi phạm trật tự đô thị. Công tác tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện thường xuyên.

Để cải thiện tình trạng thiếu và kém chất lượng các không gian công cộng tại Thủ đô, theo các chuyên gia xây dựng, đã đến lúc thành phố giành lại các quỹ đất bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích trong nội thành cho các không gian công viên, nhà văn hóa.

Quy hoạch và quản lý đô thị của Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập cần được giải quyết ngay. Một không gian rộng rãi, thoáng đãng cho người dân thư giãn hàng ngày, đặc biệt là trẻ em là vô cùng cần thiết. Quyền được vui chơi, giải trí của trẻ em không nên chỉ dừng lại là khẩu hiệu hay một vài phong trào. Đây không chỉ là việc của mỗi gia đình, mà cần sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan chức năng, của toàn xã hội.

Để diện mạo Thủ đô ngày càng văn minh, sạch đẹp và trật tự hơn, cần sự vào cuộc quyết liệt phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, cũng như tuyên truyền để nâng cao ý thức của cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện nghiêm "Năm trật tự văn minh đô thị 2016".

Hà An (TTXVN)