11:11 24/11/2010

Nan giải trong xử lý nước thải, chất thải

Việc xử lý nước thải, chất thải công nghiệp và cả rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện bộc lộ nhiều hạn chế. Người dân ở nhiều địa phương gần nơi có nước thải, chất thải nói chung, nhất là ở TP Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, khu công nghiệp Bình Xuyên đã bức xúc...

Việc xử lý nước thải, chất thải công nghiệp và cả rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện bộc lộ nhiều hạn chế. Người dân ở nhiều địa phương gần nơi có nước thải, chất thải nói chung, nhất là ở TP Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, khu công nghiệp Bình Xuyên đã bức xúc vì môi trường ô nhiễm quá mức chịu đựng. Các đầm, ao, hồ gần các khu công nghiệp, khu đô thị liên tục xảy ra tình trạng tôm, cá chết mà nguyên nhân chính do nước thải không qua xử lý đổ vào...

Đầm Vạc ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc là một điển hình về sự ô nhiễm. Đầm có mặt nước lúc nước dâng cao nhất trên dưới 500 ha, có hơn 20 nhánh chạy lan tỏa ra nhiều phố, phường trong thành phố và cũng chính là những nhánh đón nhận đủ thứ chất thải khác nhau. Hiện nay Đầm Vạc bị ô nhiễm môi trường nước khá nặng do nước thải sinh hoạt của các cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ Vĩnh Yên, hàng chục nhà hàng, khách sạn ven đầm này. Người dân sống ven Đầm Vạc còn ngâm tre, gỗ, vứt rác thải, đổ nước thải, xác gia súc, gia cầm chết xuống đầm, chiếm dụng mặt nước của đầm để chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm làm cho tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

Các nơi khác như hồ Bảo Sơn, Đầm Diệu, sông Cà Lồ, sông Phan... đang bị ô nhiễm đồng, mănggan và sắt. Qua kiểm tra mới đây, hàm lượng Cu vượt 1,16 lần, Fe vượt 7,4 lần và Mn vượt 1,5 - 5,8 lần. Nước thải công nghiệp xả ra các thủy vực, sông hồ đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước ngầm ở độ sâu từ 18 đến trên 40 m. Ở các khu, cụm công nghiệp của Vĩnh Phúc, việc xử lý nước thải của nhiều cơ sở chưa đáp ứng được tiêu chuẩn môi trường. Tình trạng nước thải của nhiều cơ sở vượt quá giới hạn cho phép và xả thẳng ra môi trường tiếp nhận đang làm gia tăng ô nhiễm.

Kết quả quan trắc của Trung tâm Tài nguyên và Bảo vệ môi trường Vĩnh Phúc trong đợt khác cũng cho thấy: Môi trường nước mặt ở các khu đô thị, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn Vĩnh Phúc đang bị ô nhiễm khá nghiêm trọng với nhiều chỉ tiêu ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,15 - 5,9 lần. Qua quan trắc hơn 10 nguồn nước thải của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp như Bình Xuyên, Khai Quang, Hương Canh… cho thấy hầu hết các chất độc hại trong nguồn nước thải của các cơ sở sản xuất đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Mẫu nước thải tại cống xả chung cuối khu công nghiệp Bình Xuyên trước khi xả ra hồ điều hòa và ra sông Cà Lồ có 4/16 thông số vượt quá tiêu chuẩn cho phép 1,9 - 5,77 lần, trong đó sắt vượt 5,77 lần, Coliform vượt 2,5 lần. Nước thải khu công nghiệp Khai Quang tại cống xả chung ở thôn Mậu Thông (phường Khai Quang) có 4/16 thông số vượt tiêu chuẩn cho phép như mùi hôi, chất rắn lơ lửng vượt 1,07 lần, Nitơ tổng vượt 1,36 lần, Coliform vượt 1,9 - 2,2 lần. Nước thải làng nghề Tề Lỗ tại cống xả thải thôn Giã Bàng có 6/16 thông số ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép như mùi hôi thối, chất rắn lơ lửng vượt 1,78 lần.

Các chất thải thẩm thấu xuống lòng đất và tràn lan ra môi trường gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc.

Nguyễn Trọng Lịch