04:13 28/04/2018

Nan giải thu gom và tái chế chất thải nhựa

Ở Việt Nam, các loại túi nilon được sử dụng tràn lan trong các hoạt động sinh hoạt xã hội, chủ yếu là loại túi siêu mỏng, khi thải bỏ rất khó thu gom toàn bộ.

Thu gom rác thải nhựa ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Dự/TTXVN

Tăng trưởng kinh tế và thay đổi mô hình tiêu thụ, sản xuất đang dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng chất thải nhựa trên toàn thế giới. Ở châu Á - Thái Bình Dương cũng như nhiều khu vực đang phát triển khác (trong đó có Việt Nam), lượng nhựa tiêu thụ đã tăng đáng kể so với mức trung bình của thế giới do tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng.

Trong thành phần chất thải đô thị và công nghiệp ở các thành phố, tỷ lệ chất thải nhựa chỉ đứng sau chất thải thực phẩm và chất thải giấy. Việc tái chế với công nghệ phù hợp sẽ giúp thu gom và xử lý chất thải nhựa theo cách thân thiện môi trường và có thể chuyển đổi thành tài nguyên, mang lại tiềm năng lớn cho bảo tồn tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính như sản xuất nhiên liệu diesel từ chất thải nhựa. Nhưng ở Việt Nam, việc tái chế chất thải nhựa vẫn còn nhiều nan giải.

Túi nilon sử dụng tràn lan

Cùng với sự tăng trưởng của dân số và kinh tế, lượng phát sinh chất thải nhựa tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Một phần chất thải nhựa được chôn lấp cùng với chất thải rắn sinh hoạt, một phần khác được tái chế nhưng chủ yếu với công nghệ thô sơ, lạc hậu do đó phát sinh nhiều vấn đề về môi trường và chất lượng sản phẩm tái chế không cao nên việc tiêu thụ rất khó khăn.

Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2011 - Chất thải rắn do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố đã nêu rõ: Trong thành phần chất thải đưa đến các bãi chôn lấp, thành phần chất thải có thể sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ rất cao từ 54 - 77,1%; tiếp theo là thành phần nhựa 8 - 16%; thành phần kim loại 2%; chất thải nguy hại bị thải lẫn vào chất thải sinh hoạt nhỏ hơn 1%.

Ở Việt Nam, các loại túi nilon được sử dụng tràn lan trong các hoạt động sinh hoạt xã hội, chủ yếu là loại túi siêu mỏng, khi thải bỏ rất khó thu gom toàn bộ. Túi nilon chiếm khối lượng khá lớn trong thành phần nhựa thải. Các túi nilon này nhỏ, mỏng, ít có giá trị đối với người thu gom, tái chế nên tồn tại khá nhiều trong các bãi chôn lấp và hầu như không bị phân hủy. Các túi nilon nếu bị đốt ở bãi chất thải ngoài trời sẽ gây ô nhiễm môi trường không khí do phát thải các khí ô nhiễm như HCl, VOC, Dioxin, Furan…

Nếu tính trung bình mỗi hộ gia đình ở đô thị thải khoảng 3 - 10 túi nilon các loại/ngày (ước tính trung bình mỗi người thải ra 0,2 - 1 túi nilon/người/ ngày), với dân số đô thị khoảng 26,2 triệu người thì lượng nhựa là túi nilon thải ra mỗi ngày ở các đô thị vào khoảng 10,48 - 52,4 tấn. Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về lượng túi nilon được sử dụng ở Việt Nam nhưng đã có một số khảo sát, ước tính về số lượng này. Tuy có sự khác nhau về con số nhưng nói chung là rất lớn và chưa được quản lý ở hầu hết tất cả các khâu của vòng đời túi nilon, từ sản xuất, lưu thông phân phối, sử dụng cho đến thải bỏ, thu gom, xử lý.

Bên cạnh đó, lượng chất thải điện tử và điện dân dụng thải ra từ các đô thị như tivi, tủ lạnh, quạt điện, máy tính, đồ dân dụng... ngày càng tăng. Các chất thải điện tử được thải ra sẽ được những người thu mua phân loại cụ thể. Nếu thiết bị còn sửa chữa được sẽ được các cửa hàng sửa chữa và thời gian hoạt động của các thiết bị này sẽ được kéo dài. Còn các đồ dùng đã hỏng sẽ tháo rời thành các bộ phận bán cho cơ sở sửa chữa để tận dụng thiết bị như tụ, bản mạch... Các chất thải điện tử được tháo rời và tái chế thu hồi kim loại (Cu, Pb, Al, Au, Ag...), nhựa, dây đồng..., phần không bán được sẽ thải cùng với chất thải sinh hoạt.

Công nghệ tái chế lạc hậu

Theo Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ: Nhựa là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất trong những năm vừa qua. Tuy vậy, việc phát triển ngành nhựa ở Việt Nam vẫn chưa thật sự đồng bộ và chưa tương xứng là ngành công nghiệp phụ trợ thiết yếu trong quá trình phát triển kinh tế. Có tới 90% doanh nghiệp ngành nhựa không chủ động được nguồn nguyên liệu vì nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 15 - 20% và chủ yếu là tái sinh từ chất thải nhựa, còn hạt nhựa nguyên sinh phải nhập khẩu hoàn toàn. Sự khan hiếm nguyên liệu sản xuất trong nước chính là một trong những rào cản chính cho sự phát triển ổn định của ngành công nghiệp nhựa Việt Nam trong dài hạn, gây ra sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu.

Hiện Việt Nam mới chỉ có luật, nghị định và văn bản liên quan đến quản lý và tái chế chất thải rắn mà chưa có luật, nghị định, văn bản nào dành riêng cho quản lý và tái chế chất thải nhựa.

Một số luật, nghị định và văn bản liên quan đến quản lý và tái chế chất thải rắn, tiêu biểu như Quyết định số 1292 ngày 1/8/2014về Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng thực hiện chiến lược công nghiệp hoá của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030; trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2015 - 2020, xây dựng nhà máy tái chế chất thải nhựa thành dầu nhiên liệu hoặc các sản phẩm khác…

Hay như Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Với mục tiêu đến năm 2015, thu gom và tái chế 25% khối lượng chất thải túi nilon phát sinh trong sinh hoạt. Đến năm 2020 thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi nilon phát sinh trong sinh hoạt. Theo đó, phải đẩy mạnh việc thu gom, tái chế chất thải túi nilon; phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải túi nilon; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải túi nilon trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái chế chất thải túi nilon; khuyến khích sử dụng sản phẩm tái chế từ chất thải túi nilon, đặc biệt trong đầu tư xây dựng các công trình công cộng.

Nhưng theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của Việt Nam vẫn chưa phát triển. Tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp, hầu như các loại chất thải được dồn chung với nhau và được thu gom bởi các xe chở chất thải. Trong năm 2011, tỷ lệ phân loại chất thải ở hộ gia đình là 7,32%, các doanh nghiệp là 56,19%.Ước tính cả nước có 86 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại đã được cấp phép, 473 doanh nghiệp làm dịch vụ xử lý chất thải rắn.

Trong thực tế, tỷ lệ trung bình của thu gom chất thải tại Việt Nam tăng từ 72% năm 2004 lên khoảng 80 - 82% vào năm 2008 và 83 - 85% vào năm 2010. Những chất thải rắn thu gom có 80% được chôn lấp ở các bãi chất thải nhưng có đến 50% bãi chôn lấp chất thải rắn không đủ tiêu chuẩn, gây nguy hiểm cho môi trường do hệ thống thu gom chất thải chưa được thiết lập một cách đồng bộ.

Số liệu thống kể từ Quỹ tái chế chất thải Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, mỗi năm ở thành phố có khoảng 250.000 tấn chất thải nhựa được tạo ra; trong đó 48.000 tấn được chôn trong các bãi chôn lấp (đa số là nhựa có giá trị thấp) chiếm 19,2%; còn lại hơn 200.000 tấn chất thải nhựa được tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường.Đặc biệt, công nghệ tái chế nhựa được sử dụng ở các thành phố lớn của Việt Nam đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động tái chế chất thải nhựa chưa được tổ chức với quy mô lớn, chủ yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ nên hiệu quả thấp.

Văn Hào (TTXVN)