01:16 17/01/2012

Nan giải nạn "cò" vé, "nhồi nhét" khách dịp Tết

Thời điểm cuối năm, hầu hết các bến xe khách liên tỉnh tại Hà Nội đều rơi vào tình trạng quá tải lượng hành khách về quê ăn Tết. Đây cũng là thời điểm các nhà xe tự ý nâng giá vé lên cao, lợi dụng nhu cầu đi lại tăng cao để "nhồi nhét" và "chặt chém" kiếm lời.

Thời điểm cuối năm, hầu hết các bến xe khách liên tỉnh tại Hà Nội đều rơi vào tình trạng quá tải lượng hành khách về quê ăn Tết. Tại bất cứ bến xe nào của Thủ đô cũng bắt gặp cảnh người người chen lấn, xô đẩy. Đây cũng là thời điểm các nhà xe tự ý nâng giá vé lên cao, lợi dụng nhu cầu đi lại tăng cao để "nhồi nhét" và "chặt chém" kiếm lời. Mặc dù đơn vị quản lý ngành vận tải và các cơ quan liên quan đều đã rất tích cực vào cuộc, song không cơ quan chức năng nào có thể khẳng định sẽ quản lý được chuyện "cò" vé, tăng giá vé và tình trạng "nhồi nhét" khách trên những chuyến xe ngày Tết.

Giá vé tăng tới 80%

Theo Ban quản lý Bến xe Hà Nội, đơn vị đã lên kế hoạch tăng cường xe từ hơn nửa tháng trước, nhưng tết Âm lịch năm nay được nghỉ dài ngày nên nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao. Theo đánh giá của Công ty quản lý bến xe Hà Nội, trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, thời gian cao điểm sẽ rơi vào các ngày 20, 21/1/2012 (tức 27, 28 tháng Chạp). Dự báo đợt này, lượng khách sẽ tăng 3 - 4 lần so với ngày thường, các bến có khả năng bị ùn tắc cục bộ.

Qua khảo sát tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), trong khu vực chờ xe buýt, mỗi chuyến xe về bến đều chật kín khách. Trong sảnh nhà bán vé, nhiều hành khách thay vì xếp hàng mua vé đã đi thẳng ra xe với hy vọng ra sớm để có ghế ngồi. Hầu hết các tuyến xe đi các tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... đều quá tải khách, giá vé xe tăng đột biến, xe chạy tuyến càng xa giá tăng càng nhiều.

Trên các tuyến xe đi các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế..., giá vé mặc dù đã tăng 80 - 100% so với những ngày thường, song rất khó mua. Cảnh tượng "nhồi nhét" khách, ngồi chung 2 - 3 người/ghế, ngồi trên sàn xe là được coi là... bình thường.

Chị Nguyễn Lê Ly, hành khách bắt xe khách về Thanh Hóa, cho biết: khi hỏi đặt vé, các nhà xe đều báo hết vé. Khách hàng muốn đi xe chỉ còn cách ra đứng tại cổng bến, chấp nhận cảnh "nhồi nhét", tăng giá vé. Thường ngày, giá vé xe khách Hà Nội đi Thanh Hóa chỉ khoảng 80.000 đồng/vé, song trong những ngày cuối năm này, nhiều nhà xe đẩy giá vé lên tới 160.000 đồng/vé, cá biệt có xe đòi tới 200.000 đồng/vé mà khách vẫn phải chấp nhận ngồi ghế nhựa được kê thêm trên sàn xe...

Tại các bến xe khách khác, tình trạng khách chen chúc chờ xe diễn ra ngày một căng thẳng, trong khi các nhà xe cũng không mặn mà việc bán vé và bắt khách tại bến, mà thường bắt khách dọc đường để dễ "nhồi nhét" và "chặt chém" nhằm thu lợi nhuận cao.

Sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm

Để đảm bảo nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của người dân về quê đón tết Nhâm Thìn, Công ty Quản lý bến xe Hà Nội đã lên phương án tăng cường thêm khoảng 3.000 lượt xe/ngày, chia đều cho các bến. Ngoài ra, phương tiện vận tải dự phòng cũng được bố trí để kịp thời giải tỏa nếu lượng khách về bến quá đông, tránh ùn ứ cục bộ.

Theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, dự báo đợt cao điểm trong dịp Tết năm nay, lượng khách tại các bến xe của Hà Nội sẽ tăng 3 - 4 lần so với ngày thường (khoảng 20.000 - 30.000 lượt khách/ngày). Đơn vị đã chỉ đạo các tuyến xe vẫn giữ giá vé như ngày thường. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hành khách có thói quen bắt xe ở ngoài đường, ngoài bến mà không mua vé tại bến xe nên gây khó khăn trong công tác quản lý. Ban quản lý bến xe đã cử người rà soát tại bến, nếu phát hiện xe khách chở người vượt quá quy định sẽ xử lý nghiêm đối với các chủ xe.

Giám đốc bến xe Mỹ Đình, ông Nguyễn Mạnh Tiến cũng cho biết, giá vé hai ngày qua hầu như không thay đổi. Lượng hành khách tăng thêm khoảng vài nghìn khách/ngày và chỉ đông với một số tuyến xe đi Nghệ An, Sơn La… Tuy nhiên, với những trường hợp "nhồi nhét" khách vượt quá quy định, nếu bị phát hiện bến xe sẽ xử lý nghiêm. Để đảm bảo phục vụ hành khách, bến xe đã phối hợp với công an quận, huyện và lực lượng cảnh sát giao thông khu vực để kiểm tra và xử lý các trường hợp xe khách chở người quá quy định.



Tại bến xe Mỹ Đình - Hà Nội, lượng hành khách tăng thêm khoảng vài nghìn khách/ngày. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN.



Theo ông Nguyễn Đức Chí, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bến xe Hà Nội, t rong những ngày Tết, Trung tâm sẽ phối kết hợp với chính quyền địa phương, công an sở tại, thanh tra để giải quyết các vụ việc gây mất an ninh trật tự tại các bến xe, các hành vi vi phạm giao thông và vận tải hành khách trong và ngoài khu vực bến xe.

Đức Dũng