09:13 01/09/2020

Nan giải bài toán phá vỡ chuỗi lây nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ

Liên tiếp một tuần nay, số ca mắc COVID-19 mỗi ngày tại Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, đều ở mức gần 80.000 ca, thậm chí ngày 30/8 ghi nhận trên 80.000 ca nhiễm mới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất thế giới mà ngay cả Mỹ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19, tại thời điểm dịch bệnh lây lan mạnh nhất, cũng chưa từng ghi nhận. Số bệnh nhân tử vong cũng trên 1.000 ca/ngày. Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới cả về tổng số ca nhiễm (gần 3,7 triệu) lẫn số ca tử vong (trên 65.200).

Kể từ thời điểm ghi nhận ca nhiễm đầu tiên ngày 30/1/2020, trong 8 tháng qua, số ca mắc mới COVID-19 tại Ấn Độ tăng với tốc độ chóng mặt, đặc biệt từ tháng 7 tới nay. Nếu như nửa đầu tháng 7, số ca mắc mới theo ngày duy trì ở mức trên dưới 20.000 ca, thì đến nửa sau của tháng, con số này tăng mạnh. Thời điểm cuối tháng 7 đầu tháng 8, số ca nhiễm mới mỗi ngày liên tục ở mức khoảng 50.000, tới cuối tháng 8 thì lên mức trên 75.000 ca.  

Các chuyên gia nhận định, số ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ tăng mạnh trong thời gian qua bắt nguồn từ 3 nguyên nhân là tăng cường xét nghiệm, mở cửa trở lại nền kinh tế và người dân có tâm lý "tự mãn" trước thông tin về tỷ lệ tử vong thấp và tỷ lệ khỏi bệnh cao. Ấn Độ đã tăng cường đáng kể năng lực xét nghiệm trong thời gian qua (có lúc lên đến hơn 1 triệu lượt xét nghiệm/ngày như hôm 29/8). Tổng số lượt xét nghiệm lũy kế đến nay lên đạt hơn 41,46 triệu lượt, qua đó giúp phát hiện thêm nhiều bệnh nhân COVID-19. 

Bên cạnh đó, kể từ đầu tháng 6, Ấn Độ đã buộc phải từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế và cho phép nối lại nhiều hoạt động xã hội, sau 2 tháng áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 25/3. Bất chấp số ca nhiễm mới tăng mạnh, tới nay, Ấn Độ đang trong giai đoạn mở cửa thứ ba, theo đó hoạt động di chuyển của người hoặc hàng hóa giữa các bang trên toàn quốc không còn bị hạn chế. Với việc nối lại hoạt động kinh tế và người dân đi lại nhiều hơn, không ít người tỏ ra chủ quan trong việc thực hiện các hành vi phù hợp để phòng chống dịch bệnh. Điều này cũng góp phần khiến số ca nhiễm tăng cao.

Theo nhà virus học hàng đầu Ấn Độ Shahid Jameel, người dân không tuân theo các khuyến cáo về việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và giãn cách xã hội... do tâm lý "tự mãn", xuất phát từ việc chính quyền chỉ đề cập đến tỷ lệ bệnh nhân phục hồi ngày càng tăng và tỷ lệ tử vong thấp.

Trong một thời gian dài, Ấn Độ đã phủ nhận tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, ngay cả khi số ca nhiễm đã lên tới hàng triệu. Ngày 30/8, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi gia đình Harsh Vardhan khẳng định Ấn Độ là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp nhất trên thế giới, ở mức 1,81% và tỷ lệ phục hồi lên đến 76,47%. Bộ trưởng Vardhan cũng cho rằng Ấn Độ đã đạt được những bước tiến lớn trong việc ngăn chặn dịch bệnh và nếu so sánh toàn cầu thì Ấn Độ có tỷ lệ ca nhiễm (2.424 ca/1 triệu dân) và tỷ lệ tử vong (44 ca/1 triệu dân) thuộc hàng thấp nhất. Các mức trung bình toàn cầu tương ứng là 3.161 và 107,2. Bộ trưởng Vardhan tự tin rằng dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát trước lễ hội Diwali (đầu tháng 11 tới). 

Thực tế là khi dịch bệnh bắt đầu lây lan mạnh hồi đầu tháng 3, Ấn Độ đã áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt mà đỉnh điểm là lệnh phong tỏa toàn quốc từ cuối tháng 3, khi tổng số ca nhiễm mới ở mức 550 người/ngày. Đến nay, khi con số nhiễm mới hằng ngày ở mức cao xung quanh mốc 80.000, chính phủ cũng như người dân dường như đã quen với tình trạng "bình thường mới" với hầu hết các hoạt động đã được nối lại, ý thức tuân thủ giãn cách và áp dụng các biện pháp phòng ngừa y tế nơi công cộng đã không còn được tuân thủ nghiêm túc. 

Những con số lây nhiễm kỷ lục trên được đưa ra giữa lúc kinh tế Ấn Độ suy thoái trầm trọng Theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Ấn Độ (NSO), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ trong quý I tài khóa 2020 - 2021 (từ ngày 1/4 - 30/6/2020) giảm tới 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ khi New Delhi bắt đầu báo cáo số liệu hằng quý từ năm 1996. Trong khi đó, theo Bộ Công Thương Ấn Độ, chỉ số kết hợp của 8 ngành công nghiệp cốt lõi trong tháng 7 vừa qua giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này lũy kế từ tháng 4 - 7 là âm 20,5%. 

Chỉ trong 4 tháng trên, thâm hụt tài khóa của Ấn Độ đã vượt kế hoạch của cả năm, ở mức 8.210 tỷ rupee (gần 112 tỷ USD), so với mức 5.470 tỷ rupee của một năm trước. Hoạt động đầu tư, chi tiêu vốn suy yếu và nhu cầu tiêu dùng thấp đã tác động mạnh đến các lĩnh vực sản xuất (âm 39,3%), công nghiệp (âm 38,1%), dịch vụ (âm 20,6%), thương mại, khách sạn (âm 47%)… cho dù lĩnh vực nông nghiệp chứng kiến mức tăng trưởng dương 3,4% trong quý vừa qua. Đây là kết quả của việc hầu như tất cả các hoạt động kinh tế gần như bị đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần trong thời gian dài, mặc dù Chính phủ Ấn Độ đã công bố gói kích thích kinh tế với quy mô lên đến hơn 20.000 tỷ rupee (270 tỷ USD). 

Hơn thế, các chuyên gia cảnh báo con số trên chưa phản ánh đúng thực tế kinh tế Ấn Độ hiện nay bởi mới chỉ thống kê khu vực kinh tế chính thức, trong khi khu vực kinh tế không chính thức chiếm tỷ trọng lớn cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Một số nhà phân tích cho rằng thực tế kinh tế Ấn Độ trong quý I tài khóa 2020-2021 tăng trưởng âm hơn 30%. 

Đại dịch cũng đe dọa nghiêm trọng thị trường việc làm của Ấn Độ. Theo dữ liệu của Trung tâm Giám sát kinh tế Ấn Độ (CMIE), nền kinh tế lớn thứ ba châu Á đã mất 17,7 triệu việc làm trong tháng 4, nhưng con số này đã tăng lên 18,9 triệu vào tháng 7. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã đẩy 4,1 triệu thanh niên ở Ấn Độ vào tình trạng thất nghiệp. Thực trạng này tạo thành sức ép nặng nề đối với Chính phủ Ấn Độ.

Khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, Chính phủ Ấn Độ đã công bố các biện pháp nới lỏng giai đoạn 4, các hoạt động thể thao, giải trí, tôn giáo, chính trị, cùng các hoạt động tụ tập đông người khác, sẽ được phép diễn ra với tối đa 100 người. Tàu điện cũng được mở lại bên cạnh dịch vụ giao thông đường bộ và hàng không đã được hoạt động trở lại trước đó. Quyết định trên nhằm mục đích khôi phục hoạt động kinh tế và đảm bảo sinh kế của người dân hơn là trên cơ sở dịch bệnh được kiểm soát. Dưới áp lực phục hồi nền kinh tế đang sụp đổ và những người lao động đang tuyệt vọng, Thủ tướng Narendra Modi đã thay đổi chiến lược và yêu cầu người dân Ấn Độ học cách sống chung với virus và quay trở lại công việc kinh doanh.

Tuy nhiên, với tốc độ lây lan hiện nay, các chuyên gia cho rằng Ấn Độ sẽ sớm vượt qua Brazil về số ca bệnh và có thể vượt Mỹ trong một tương lai không xa. Tiến sĩ K K Aggarwal, Chủ tịch Liên đoàn Các hiệp hội y khoa châu Á và châu Đại Dương (CMAAO) nhận định, trong giai đoạn này, không có cách nào có thể ngăn chặn các ca nhiễm mới tại Ấn Độ. Do đó, điều quan trọng nhất là kiểm soát tỷ lệ tử vong và tập trung nỗ lực vào việc giảm thiểu tỷ lệ này.

Các chuyên gia cũng dự báo phục hồi kinh tế của Ấn Độ trong quý II sẽ không như kỳ vọng do nhiều bang áp đặt các biện pháp phong tỏa cục bộ trong tháng 7 và tháng 8. Nguy cơ các vụ vỡ nợ hiện hữu sau khi lệnh hoãn nợ của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI - ngân hàng trung ương) kết thúc vào ngày 31/8 cũng đang làm gia tăng mối lo ngại của ngành ngân hàng và điều này có thể làm giảm hoạt động cho vay.

Bên cạnh đó là những mối lo về nợ của hộ gia đình trong thời điểm thu nhập trì trệ, cắt giảm lương và mất việc làm trên diện rộng. Do đó, các chuyên gia đã loại trừ khả năng bùng nổ tiêu dùng do nợ hộ gia đình gia tăng và ngân hàng ngần ngại cấp các khoản vay mới. Trong thời gian tới, tính bền vững của chu kỳ phục hồi kinh tế tại Ấn Độ sẽ phụ thuộc vào thời điểm nước này có thể làm phẳng thành công đường cong COVID-19, song bài toán phá vỡ chuỗi lây nhiễm COVID-19 thực sự nan giải đối với quốc gia đông dân thứ hai thế giới, nhất là khi người dân không tuân theo các quy định về phòng chống dịch, còn chính phủ đối mặt với những sức ép kinh tế nặng nề. 

Trong bối cảnh Ấn Độ chưa thể phá vỡ chuỗi lây nhiễm COVID-19, cảnh báo của Thủ tướng Modi khi đại dịch bắt đầu bùng phát, rằng tiến bộ kinh tế - xã hội gần đây của Ấn Độ sẽ bị lùi lại nhiều thập niên, cũng như cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB), rằng quốc gia Nam Á này có nguy cơ đánh mất những thành tựu khó kiếm trong cuộc chiến chống nghèo đói, với hàng loạt hộ gia đình có khả năng rơi vào cảnh bần cùng do mất thu nhập và việc làm, đang trở nên hiện hữu.

Minh Luyến (Phóng viên TTXVN tại Ấn Độ)