02:10 17/02/2011

Năm vấn đề đang đặt ra cho quân đội Mỹ

Mạng “Thời báo hoàn cầu” ngày 15/2 đăng bài viết của Giáo sư Hàn Húc Đông thuộc trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc phân tích về nội dung “Báo cáo Chiến lược Quân sự Quốc gia” mới của Mỹ...

Mạng “Thời báo hoàn cầu” ngày 15/2 đăng bài viết của Giáo sư Hàn Húc Đông thuộc trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc phân tích về nội dung “Báo cáo Chiến lược Quân sự Quốc gia” mới của Mỹ, trong đó cho rằng Lầu Năm Góc - trong tiến trình khôi phục vị trí lãnh đạo quân sự của mình - đã vấp phải 5 vấn đề chủ yếu sau:

Thứ nhất, xác định tư tưởng phát triển quân sự. "Báo cáo Chiến lược Quân sự Quốc gia" của Mỹ thời cựu Tổng thống George W.Bush coi việc chống khủng bố là nhiệm vụ quan trọng nhất, tuy nhiên hiệu quả đạt được không như mong muốn, cục diện của cuộc chiến chống khủng bố ngày càng phức tạp.


Bản báo cáo mới đây xác định cần khôi phục vị trí lãnh đạo quân sự của Mỹ, điều này cho thấy Nhà Trắng phần nào đã "thức tỉnh" và nhận thức đúng thực tế hơn. Sức mạnh quân sự giữa Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới đang bị thu hẹp, do đó xây dựng quân đội và nâng cao tiềm lực quân sự đã trở thành nhiệm vụ cấp bách hiện nay của chính quyền Obama.

Thứ hai, phá bỏ “vòng kim cô” kìm hãm quân đội Mỹ. Trong báo cáo trước đây, chính quyền của cựu Tổng thống Bush đề cập rất cụ thể đến những nội dung của chiến lược quân sự nhằm thúc đẩy lực lượng quân sự phát triển. Trong khi đó, ông Obama hiện chỉ đặt ra 4 mục tiêu mang tính nguyên tắc, gồm “đối phó với chủ nghĩa bạo lực cực đoan; ngăn chặn và đánh bại sự xâm lược; tăng cường an ninh quốc tế và khu vực; xây dựng quân đội tương lai”.


Đáng chú ý là nội dung của bản báo cáo mới giúp quân đội Mỹ tránh được thế bị động, điều này thể hiện cả trong những mối quan hệ với đồng minh. Những đồng minh truyền thống và lâu dài của Mỹ đang phải đối phó với nhiều vấn đề phức tạp. Do vậy, Oasinhtơn đã căn cứ vào sự thay đổi của lợi ích quốc gia cũng như bối cảnh quốc tế mới để phát triển quan hệ đồng minh kiểu mới, không chủ trương dựa vào lực lượng NATO như trước. Mỹ hiện có thể hợp tác với ASEAN, Liên minh châu Phi hoặc thậm chí với cả những tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia hay các công ty mạng…

Thứ ba, mở rộng khả năng và con đường chiến thắng đối thủ. "Báo cáo Chiến lược Quân sự Quốc gia" mới đã mở ra không gian cũng như viễn cảnh rộng lớn cho quân đội Mỹ. Để đảm bảo lợi ích quốc gia, Lầu Năm Góc có thể hợp tác với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, không chỉ với Nhật Bản, Hàn Quốc và Ôxtrâylia mà có thể với cả Thái Lan, Việt Nam và Inđônêxia, Xinhgapo… Điều này cho thấy các mối quan hệ đồng minh lâm thời của quân đội Mỹ trong tương lai sẽ ngày một nhiều.

Thứ tư, không do dự khi dùng biện pháp quân sự để giải quyết các vấn đề quốc tế. Quân đội Mỹ, trong suốt 8 năm cầm quyền của Tổng thống Bush, đã bị cuốn vào hai cuộc chiến tranh ở Ápganixtan và Irắc.


Do đó, khi phải đối phó với những thách thức như ở CHDCND Triều Tiên, Iran và hải tặc Xômali… quân đội Mỹ chỉ “khoanh tay đứng nhìn”, không có hành động cụ thể nào. Tuy nhiên, theo nội dung "Báo cáo Chiến lược Quân sự Quốc gia" mới, tới đây Mỹ sẽ sử dụng nhiều hơn các biện pháp quân sự trên phạm vi toàn cầu, không gian mạng, vũ trụ và hải dương.

Thứ năm, Trung Quốc đã trở thành “vấn đề thường trực”. Trọng tâm chiến lược toàn cầu của Mỹ đang hướng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, do đó tiềm lực cũng như sự phát triển quân sự của Trung Quốc đã trở thành vấn đề quan trọng nhất đối với Oasinhtơn tại khu vực này.


Hoạt động quân sự của Trung Quốc trên vũ đài quốc tế tới đây chắc chắn sẽ bị quân đội Mỹ ngăn chặn và khống chế. Thêm vào đó, thu hẹp ảnh hưởng cũng như định hướng quy mô phát triển quân sự của Bắc Kinh sẽ là nội dung và biện pháp chủ yếu trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.

Giáo sư Hàn Húc Đông kết luận, trước những vấn đề đặt ra trong "Báo cáo Chiến lược Quân sự Quốc gia" của Mỹ, Trung Quốc cần tăng cường hơn nữa sự giao lưu và hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo quân sự cấp cao hai nước; mở rộng các hình thức diễn tập quân sự chung giữa quân đội Mỹ và PLA, nhất là trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống; thúc đẩy quan hệ quân sự với các nước đang phát triển, tìm nhiều con đường khác nhau để thiết lập hình ảnh quân sự của Trung Quốc… Đặc biệt hơn, Trung Quốc cần đẩy nhanh tốc độ phát triển quân sự. Nếu Trung Quốc không có lực lượng quân sự lớn mạnh sẽ không thể phá vỡ được sự ngăn chặn, kiềm chế của Mỹ.

Xuân Vịnh (P/v TTXVN tại Trung Quốc)