08:20 28/08/2018

Nam Sudan: Thủ lĩnh đối lập từ chối ký thỏa thuận hòa bình cuối cùng

Ngày 28/8, một nhà trung gian đàm phán hòa bình tại Nam Sudan cho biết thủ lĩnh đối lập tại nước này Riek Machar đã từ chối ký thỏa thuận hòa bình cuối cùng với chính phủ nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm qua.

Chú thích ảnh
Thủ lĩnh phe đối lập Nam Sudan Riek Machar tới dự cuộc đàm phán với Tổng thống Salva Kiir ở Addis Ababa, Ethiopia ngày 20/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu với các phóng viên, Ngoại trưởng Sudan Al-Dierdiry Ahmed - người tham gia nỗ lực trung gian hòa giải tại Nam Sudan - cho biết các nhóm đối lập chính tại Nam Sudan, trong đó có SPLM-IO do ông Machar đứng đầu, đã từ chối ký văn kiện hòa bình cuối cùng và yêu cầu phải đảm bảo các lãnh địa của họ trong thỏa thuận này. Theo ông Ahmed, đây là lần đầu tiên phe đối lập tại Nam Sudan tuyên bố không ký vào thỏa thuận. Ông cũng nhấn mạnh Nam Sudan sẽ không có hòa bình nếu các nhóm này không ký vào thỏa thuận.

Từ cuối tháng 6 vừa qua, Sudan đã đứng ra làm trung gian tổ chức các cuộc đàm phán giữa các phe đối địch tại Nam Sudan. Các cuộc đàm phán này được tiến hành trong khuôn khổ nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm đạt được nền hòa bình lâu dài cho Nam Sudan.

Tại cuộc đàm phán ở Khartoum ngày 5/8 vừa qua, hai bên đã ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực được coi là mở đường cho một thỏa thuận hòa bình cuối cùng. Theo thỏa thuận, thủ lĩnh phe đối lập sẽ tham gia chính phủ đoàn kết dân tộc với tư cách là Phó Tổng thống thứ nhất trong số 5 Phó Tổng thống của nước này.

Theo Ngoại trưởng Sudan, việc phe đối lập ở Nam Sudan không ký văn kiện thỏa thuận cuối cùng này có nghĩa là chấm dứt vòng hòa đàm hiện tại giữa các bên đối địch Nam Sudan được tổ chức tại thủ đô Khartoum của Sudan.

Ngoại trưởng Ahmed nêu rõ "đây là vòng đàm phán cuối cùng". Các nhà trung gian sẽ trình văn kiện cuối cùng lên Cơ quan Phát triển Liên Chính phủ (IGAD) - tổ chức dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy hòa bình ở Nam Sudan.   

Nội chiến nổ ra tại Nam Sudan từ tháng 12/2013, chỉ 2 năm sau khi nước này tách khỏi Sudan để trở thành một cuộc gia độc lập. Xung đột bùng phát sau khi Tổng thống Salav Kiir cáo buộc cựu Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính. Theo thống kê, xung đột đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

TTXVN/Báo Tin tức