02:18 16/02/2021

Nam Phi chia sẻ vaccine AstraZeneca cho các nước 'lục địa Đen'

Một quan chức cấp cao Bộ Y tế Nam Phi ngày 16/2 cho biết nước này có kế hoạch chia sẻ 1 triệu liều vaccine do hãng AstraZeneca (Thụy Điển) và Đại học Oxford (Anh) hợp tác chế tạo với các nước châu Phi khác thông qua Liên minh châu Phi (AU) để ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế kiểm tra thông tin bệnh nhân tại một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: THX/TTXVN

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Anban Pillay, quan chức cấp cao Bộ Y tế Nam Phi, xác nhận kế hoạch trên.  

Hồi đầu tháng này, Nam Phi đã ngừng tiêm vaccine AstraZeneca được nhận từ Viện Serum của Ấn Độ cho các nhân viên y tế trong nước, sau khi dữ liệu cho thấy vaccine chỉ có hiệu quả tối thiểu đối với các trường hợp và nhẹ và trung bình mắc biến thể của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận ở nước này.

Theo ông Anban Pillay, Nam Phi dự định bắt đầu tiêm phòng cho các nhân viên y tế bằng vaccine của hãng Johnson & Johnson's ngay từ tuần này, còn lô vaccine AstraZeneca sẽ được phân bổ cho các nước khác tại châu Phi thông qua AU. Ông này cũng bác bỏ thông tin trên tờ The Economic Times rằng Nam Phi đề nghị Viện Serum nhận lại 1 triệu liều vaccine AstraZeneca kể trên. 

Trong một diễn biến khác, Bộ Y tế Nam Phi cho biết các nhà sản xuất vaccine Sputnik V của Nga đã trình hồ sơ lên cơ quan quản lý thuốc SAHPRA để đăng ký sử dụng. Các nhà khoa học đang tiến hành phân tích chi tiết vaccine này sau khi có những lo ngại về tác dụng phụ của thành phần Ad5 trong vaccine đối với những người nhiễm HIV/AIDS, vốn khá phổ biến ở Nam Phi.

* Cùng ngày, Chính phủ Malaysia thông báo sẽ sử dụng 6 loại vaccine, trong đó đa số là vaccine cần tiêm 2 mũi. Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, các vaccine nói trên gồm vaccine của Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức), AstraZeneca/Oxford, Sputnik V (Nga), Sinovac và CanSinoBIO (Trung Quốc). Trong đó chỉ vaccine của CanSinoBIO là loại tiêm 1 mũi, còn lại đều là loại tiêm 2 mũi với thời gian giữa 2 mũi khác nhau.

Theo sổ tay hướng dẫn về Chương trình tiêm chủng COVID-19 quốc gia được chính quyền Malaysia công bố ngày 16/2, để được tiêm phòng, người dân có thể đăng ký lấy lịch hẹn qua ứng dụng điện thoại MySejahtera, qua đường dây nóng, trên mạng www.vaksincovid.gov.my, hoặc chủ động tới đăng ký tại các cơ sở y tế công cộng cũng như tư nhân.

Đối với người cao tuổi, nhất là ở vùng nông thôn, chính phủ sẽ phối hợp với chính quyền địa phương đến tận nhà người dân giúp họ đăng ký. Ngày 12/2, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo Khairy Jamaluddin cho biết việc đăng ký tiêm sẽ bắt đầu từ tháng 3 tới.

* Kazakhstan sẽ trở thành nước đầu tiên trên thế giới tự sản xuất vaccine Sputnik V của Nga sau khi công ty dược Karaganda Pharmaceutical Complex (KPC) được chính phủ cấp phép sản xuất.

KPC, một công ty có trụ sở tại vùng Karaganda (miền Trung), ngày 16/2 cho biết dự kiến sẽ sản xuất 90.000 liều vaccine Sputnik V vào cuối tháng này.

Người phát ngôn Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), cơ quan tài trợ phát triển loại vaccine tiêm hai liều này, cùng ngày cho biết Kazakhstan là nước đầu tiên tự sản xuất vaccine Sputnik V. Brazil, Ấn Độ và Hàn Quốc dự kiến sẽ sản xuất tương tự.

Kazakhstan đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà từ đầu tháng 2 bằng vaccine Sputnik V. Dự kiến, Nga sẽ cung cấp 22.000 liều vaccine này cho Kazakhstan. Chính phủ quốc gia Trung Á đặt mục tiêu tiêm phòng cho 6 triệu người vào cuối năm nay trong khi việc tiêm chủng đại trà bằng vaccine tự sản xuất trong nước sẽ bắt đầu từ tháng 3 tới.

Hà Ngọc - Bích Liên (TTXVN)