08:23 22/08/2019

Nam Phi cấm trưng bày quốc kỳ của chế độ Apartheid tại địa điểm công cộng

25 năm sau khi chế độ Apartheid bị sụp đổ, ngày 21/8, Thẩm phán Phineas Mojapelo, chủ tọa phiên xét xử của Tòa án Bình đẳng Nam Phi, đã ra phán quyết cấm treo quốc kỳ của chế độ phân biệt chủng tộc tại các địa điểm công cộng. 

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Thẩm phán Mojapelo khẳng định theo Đạo luật Bình đẳng, việc trưng bày không có lý do chính đáng quốc kỳ Nam Phi dưới chế độ phân biệt chủng tộc là hành động cố ý gây tổn thương, gây hại và kích động gây hại, xúi giục và kích động lòng hận thù với người da đen.

Đây là vụ kiện do Quỹ Nelson Mandela (NMF) và Ủy ban Nhân quyền Nam Phi (SAHRC) là nguyên đơn, đề nghị Tòa án Bình đẳng xem xét vụ “Cờ Apartheid” về việc trưng bày quốc kỳ của Nam Phi dưới chế độ phân biệt chủng tộc. Trước đó, tháng 10/2017, nhiều cuộc biểu tình “Thứ Hai đen tối” nhằm phản đối các cuộc tấn công và giết hại nông dân (thường là người da trắng) đã sử dụng quốc kỳ của Nam Phi dưới chế độ Apartheid. Quỹ Nelson Mandela cho biết tổ chức này không kêu gọi cấm hoàn toàn việc sử dụng cờ của chế độ Apartheid, nhưng loại cờ này chỉ được trưng bày tại các địa điểm công cộng nếu vì mục đích thông tin và giáo dục.

Thẩm phán Mojapelo khẳng định việc trưng bày quốc kỳ của Nam Phi dưới chế độ phân biệt chủng tộc chỉ có thể được thực hiện trong các trường hợp liên quan đến tác nghiệp báo chí, học thuật và nghệ thuật phục vụ lợi ích của công chúng. Tuy nhiên, phán quyết của tòa không đề cập đến trường hợp cá nhân treo cờ của chế độ Apartheid vì mục đích riêng.

Cờ Apartheid là quốc kỳ của Nam Phi dưới chế độ phân biệt chủng tộc trong khoảng 50 năm, bao gồm các dải màu xanh lam, trắng và cam nằm ngang với 3 lá cờ nhỏ - của Anh, của Orange Free State (tỉnh cũ dưới chế độ Apartheid), và Cộng hòa Nam Phi ở giữa. Năm 1994, cờ Apartheid đã được thay thế bằng quốc kỳ của nước Cộng hòa Nam Phi với nhiều màu sắc và được biết đến với tên gọi “Cờ Cầu Vồng” thể hiện sự hòa hợp sắc tộc, dân chủ, đặt dấu chấm hết cho chế độ phân biệt chủng tộc tại đất nước miền Nam châu Phi này.

Đình Lượng (TTXVN)