02:19 16/02/2013

Năm mới, luận về hai chữ Quý Tỵ

Năm Nhâm Thìn tôi đã dự đoán về mấy vấn đề có thể xảy ra trong năm, nay xem lại thấy những điều dự đoán khá chính xác. Như phần dự đoán về thời tiết, thì thấy hầu hết qua sáu thời kỳ diễn biến về khí hậu cả năm đều không thuận theo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông như thường lệ...

Năm Nhâm Thìn tôi đã viết trên Báo Tin tức một bài dự đoán về mấy vấn đề có thể xảy ra trong năm, nay xem lại thấy những điều dự đoán khá chính xác. Như phần dự đoán về thời tiết năm Nhâm Thìn theo các chu kỳ Lục khí Ngũ vận của người xưa để lại, thì thấy hầu hết qua sáu thời kỳ diễn biến về khí hậu cả năm đều không thuận theo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông như thường lệ.


Đơn cử về hai tháng cuối cùng trong năm Nhâm Thìn, theo chu kỳ Lục khí cho biết thời kỳ này có chủ khí là Thái dương Hàn Thủy, nhưng khách khí là Thiếu dương Tướng Hỏa. Như vậy khí Hàn Thủy chủ về giá rét, còn khí Tướng Hỏa chủ về nắng nóng. Nay thấy thời gian khi đã vào tháng 12, tiết khí là giữa mùa đông, đã qua ngày Đông chí, nhiệt độ ở thủ đô Hà nội lạnh trung bình từ 15 - 19 độ, nhưng vẫn có những ngày nắng nóng tới 30 độ, thời tiết gần như mùa hè, tức là xen giữa Hàn Thủy vẫn có những ngày Tướng Hỏa. Nên thiết nghĩ những quy luật về Lục khí Ngũ vận của người xưa đã đúc kết lại vẫn còn rất chính xác. Vì thế nhân năm Nhâm Thìn sắp hết, năm Quý Tỵ sắp đến, với cách nhìn của Khoa học cổ Phương Đông, tôi xin luận đôi điều về năm mới để mọi người cùng suy ngẫm.


Theo quy luật của người xưa đã nêu trong Lục khí Ngũ vận thì năm Quý Tỵ có chủ khí là Quyết âm Phong Mộc Tư thiên, Thiếu dương Tướng Hỏa Tại tuyền, tức khí Tư thiên là Phong Mộc, khí Tại tuyền là Tướng Hỏa. Tuy nhiên trước hết xin luận về chữ Quý và chữ Tỵ trong hệ thống Can Chi của năm Quý Tỵ.


Chữ Quý thuộc hàng Can, là chữ đứng ở vị trí cuối cùng của mười Can, đầu tiên là Can Giáp, tiếp theo là các Can Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Người xưa sắp xếp thứ tự về 10 Can hay 12 Chi theo một nguyên lý Can và Chi được ví như một chu kỳ phát triển của vạn vật trên trái đất, đó là chu kỳ Sinh, Thành, Phế, Hủy. Có nghĩa là mọi vật trên trái đất này đều trải qua bốn giai đoạn phát triển theo thời gian là: bắt đầu sinh ra gọi là Sinh, dần dần lớn lên trưởng thành đến cực thịnh, gọi là Thành, rồi suy yếu đến tàn lụi, hay tàn phế, gọi là Phế, và cuối cùng là kết thúc chu kỳ phát triển, để chuyển sang chu kỳ mới, gọi là Hủy. Như vậy thì hàng Can có mười, được hiểu từ Can Giáp là thời kỳ vạn vật bắt đầu sinh. Can Mậu là thời kỳ trưởng thành, đến Can Quý là thời kỳ vạn vật chuyển hóa, để thực hiện một chu trình mới tiếp theo. Vì thế nên Can Quý là thời kỳ chuẩn bị cho sự chuyển giao từ chu kỳ này sang chu kỳ mới. Tuy chữ Quý là Can cuối cùng, nhưng lại được gọi là “Quý biến vi Văn vi Tài”, nên vẫn còn vượng khí để biểu dương và phát huy sức mạnh trước khi chuyển giao sang chu kỳ tiếp theo.


Mặt khác, chữ Quý thuộc hành Thủy, là loại Thủy nước mưa và nước sương mù. Mưa có thể lúc to, lúc nhỏ, nhưng chỉ diễn ra và kéo dài theo từng mùa, lúc dài tới cả chục ngày, lúc ngắn thì chỉ vài ngày hay một vài giờ. Còn nước sương mù cũng xuất hiện theo mùa và thường chỉ vào các giờ từ tối đến sáng, còn ban ngày, khi nắng lên thì sương mù sẽ dần dần tan hết. Như vậy ta có thể hiểu rằng: phải chăng sự “Văn Tài” của Can Quý cũng chỉ như những trận mưa, hay như màn sương buổi sớm, mưa rồi sẽ tạnh, sương rồi sẽ tan đi, mà không để lại dấu tích gì đáng kể.


Còn Chi Tỵ là chữ đứng hàng thứ sáu trong mười hai Chi, theo thứ tự: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Cũng vẫn chiểu theo chu trình Sinh, Thành, Phế, Hủy của vạn vật, thì Chi Tý là thời kỳ vạn vật bắt đầu sinh, Chi Tỵ là thời kỳ vạn vật trưởng thành, đang rất thịnh vượng, Chi Hợi là thời kỳ cuối cùng của sự phát triển.


Nhưng có một vấn đề đáng bàn luận là Can Quý mang hành Thủy, còn Chi Tỵ lại mang hành Hỏa, theo quy luật Sinh Khắc của khí Ngũ hành thì khí Thủy khắc khí Hỏa, mà Chi Tỵ thuộc Hỏa đang là thời kỳ thịnh vượng, còn Can Quý thuộc Thủy ở cuối chu kỳ nên suy yếu, thì khí Thủy tất nhiên không thể vượng như khí Hỏa, làm cho Thủy không những không thể khắc được Hỏa, mà còn bị Hỏa khắc ngược trở lại, theo quy luật Phản ngược của Ngũ hành. Quy luật này được ví như Chi Tỵ là một đám cháy to mà chỉ có một xô nước là Can Quý để dập lửa, thì nước không dập được lửa mà ngược lại, lửa sẽ làm cho nước bốc hơi hết.


Can Quý trong thiên Can tức thuộc về Trời, vì Can là cán, là gốc, là bản thể. Tượng của Trời, của cán, của gốc, hay của bản thể đều là tượng ứng vào các bậc bề trên, còn Chi tức là cành, là nhánh, là sự chia ra ở trên mặt đất, vì thế mới gọi là Địa Chi, nên cũng có thể hiểu Chi là tượng cho các lớp người bên dưới, tức là nhân dân. Vì nhân dân là số đông, nhiều như cây cỏ, nên người xưa còn gọi là thảo dân. Như trên đã nêu, Thủy yếu không thể khắc được Hỏa mạnh, mà có khi còn bị Hỏa khắc ngược trở lại, đó cũng là lẽ thường tình xưa nay đã từng có.


Nhưng năm Quý Tỵ có Ngũ hành chung là Trường lưu Thủy, đó là tượng của dòng nước chảy liên tục không bao giờ ngừng nghỉ, loại Thủy này vận hành theo dòng, kéo dài từ vài km, tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn km, và được tích trữ lại ở những nơi biển, hồ, ao, đầm, tạo điều kiện cho cây cỏ, tảo rong phát triển, vừa làm nên những miền đất quý, vừa tạo nên những phong cảnh đẹp. Loại Thủy này rất cần có những vùng đất rộng lớn và rắn chắc để tạo nên các dòng chảy cố định, khi có dòng chảy cố định mới tạo nên những thế đất quý, gọi là vùng đất địa linh, vì có Phong Thủy tốt. Loại Thủy này cũng cần có Kim hỗ trợ, làm cho Thủy càng thêm tinh khiết. Đây là những dòng chảy chuyên cung cấp nước ngọt phục vụ cho đời sống của con người và vạn vật ở khắp mọi nơi trên thế giới. Nên cũng có thể nói rằng: đây là loại Thủy cần thiết vào bậc nhất cho sự sống trên trái đất.


Năm Quý Tỵ là năm có tượng là con Rắn nằm trong đám cỏ, được cỏ che chắn cho khỏi bị nắng sương gió rét. Như những người đã sinh, hoặc sẽ sinh vào năm Quý Tỵ thì trong cuộc đời luôn được gần với các quý nhân, được quý nhân trợ giúp những lúc khó khăn nguy hiểm. Người tuổi Tỵ không để lộ ra ngoài mọi vui buồn hờn giận, bên ngoài là sự thản nhiên, nhưng bên trong ẩn chứa một trái tim nhanh nhạy, cảnh giác từng giờ từng phút. Người sinh vào năm Quý Tỵ thường chăm chỉ làm việc, có trách nhiệm, ý chí và bản lĩnh giúp cho sự nghiệp thành công. Người tuổi Tỵ luôn dựa vào bản thân mình để phán đoán và hành sự, thường tự giải quyết công việc mà không dựa vào người khác, đã làm gì thì theo đuổi đến cùng, không hề tỏ ra nao núng. Người tuổi Tỵ rất khéo léo xoay xở để kiếm tiền, biết cách thay đổi cục diện, nếu bị thiệt hại thì sẽ không bao giờ để lặp lại lần thứ hai, rất nhạy bén trong kinh doanh và làm kinh tế.


Như trên đã nêu, năm Quý Tỵ là năm có khí Tư thiên là Quyết âm Phong Mộc, khí Phong Mộc sẽ bao trùm xuyên suốt cả năm, riêng nửa năm sau có thêm khí Tại tuyền là Thiếu dương Tướng Hỏa Tại tuyền. Tức là nửa năm về sau sẽ có Hỏa khí xuất hiện, làm cho các mùa trong năm có nhiều thay đổi. Điểm qua sáu thời kỳ khí hậu trong năm Quý Tỵ, chỉ xét riêng về chủ khí (là loại khí làm chủ trong từng thời kỳ, giống như người chủ; loại khí này thường diễn biến thuận theo thứ tự bốn mùa xuân, hạ, thu, đông) và khách khí (là loại khí đến bất chợt, gây ảnh hưởng tới chủ khí rồi lại đi ngay, giống như người khách), ta thấy như sau:


Thời kỳ thứ nhất có chủ khí là Quyết âm Phong Mộc, thì khách khí là Dương minh Táo Kim, tạo nên sự nghịch khí, vì Phong Mộc là gió nhiều và có độ ẩm cao, nhưng Táo Kim lại chỉ về khô hanh và lạnh buốt. Nên thời kỳ này tuy là mùa xuân, nắng ấm là chính, nhưng vẫn có những ngày khô hanh lạnh giá xen lẫn.


Thời kỳ thứ hai chủ khí là Thiếu âm Quân Hỏa, tiết trời bắt đầu nắng nóng, chuyển dần sang mùa hạ, thì khách khí lại là Thái dương Hàn Thủy, sẽ tạo nên những ngày có nhiệt độ giảm dưới mức bình thường của mùa hè, những ngày đó trời mát mẻ. Sự mát mẻ này chỉ diễn ra trong một vài ngày, rồi trời sẽ nóng bức trở lại.


Thời kỳ thứ ba chủ khí là Thiếu dương Tướng Hỏa, tức là thời kỳ nắng nóng đạt đến đỉnh điểm, ứng vào hai tháng cuối cùng của mùa hạ, nhưng khách khí trong thời kỳ này là Quyết âm Phong Mộc, cái nóng bức về nhiệt độ của Tướng Hỏa và cái gió của Phong Mộc sẽ tương sinh cho nhau, tạo nên Mộc sinh Hỏa, dẫn đến những ngày giông gió và nắng nóng đan xen với nhau, để cấu thành những cơn bão bất thường và phải đề phòng cả nạn cháy rừng có thể xẩy ra.


Thời kỳ thứ tư chủ khí là Thái âm Thấp Thổ, khí hậu bắt đầu có chiều hướng giảm nhiệt độ, nắng nóng sẽ dịu đi, thay vào đó tiết trời ẩm thấp xuất hiện, thì khách khí trong thời kỳ này là Thiếu âm Quân Hỏa, làm cho khí hậu quay trở lại có những đợt nắng nóng bất thường, chợt đến, chợt đi, sự không bình thường này sẽ gây nên gió mưa, bão và lốc xoáy.


Thời kỳ thứ năm chủ khí là Dương minh Táo Kim, thời tiết bắt đầu xuất hiện sự hanh khô, gió heo may và nắng nhạt, nhưng khách khí trong thời kỳ này là Thái âm Thấp Thổ, tức là xen lẫn những ngày hanh khô vẫn có những đợt ẩm ướt tràn về, tạo nên những cơn mưa dầm rả rích kéo dài, có khi còn gây ra những đợt lũ cục bộ.


Thời kỳ thứ sáu chủ khí là Thái dương Hàn Thủy, tức là thời kỳ tiết trời chuyển sang mùa đông giá rét, nhưng khách khí là Thiếu dương Tướng Hỏa. Khí Hàn Thủy và khí Tướng Hỏa xung khắc nhau tạo nên sự thay đổi đột ngột về nhiệt và ẩm. Nên trong thời kỳ này tuy là mùa đông lạnh giá, nhưng vẫn có những ngày nắng nóng bất thường như mùa hè, nhiệt độ đang thấp sẽ vụt lên cao, rồi lại xuống thấp.


Như vậy qua sáu thời kỳ vận hành giữa chủ khí và khách khí trong một năm sẽ có hai thời kỳ khí nghịch, tạo nên những sự bất thường về nắng gió và bão lũ. Tuy nhiên trong từng vùng, từng khu vực vẫn có những thay đổi mang tính chất đặc trưng riêng của vùng miền, mà không theo quy luật chung của từng thời kỳ trong Lục khí, nên cần phải đề phòng những sự bất thường về hỏa hoạn và mưa lớn có thể xẩy ra.


***


Năm Quý Tỵ có Ngũ hoàng Thổ tinh đóng ở cung Trung tâm, tạo nên tám phương có các khí Ngũ hành của năm (Niên vận) không thuận với khí Ngũ hành của Tiểu vận (một Tiểu vận kéo dài 20 năm, hiện tại đang là Tiểu vận 8, từ năm 2004 đến năm 2023, do Bát bạch Thổ tinh đóng ở cung Trung tâm làm chủ vận).


Như phương Tây Bắc, Tiểu vận có khí là Cửu tử Hỏa, còn khí Niên vận là Lục bạch Kim, tạo nên sự tương khắc, khí Hỏa khắc khí Kim, mà ở đây là khí Kim của Niên vận bị khắc.


Phương Đông, Tiểu vận là khí Lục bạch Kim, còn khí Niên vận là Tam bích Mộc, tạo nên cơ chế khí Kim khắc khí Mộc. Sự xung khắc diễn ra ở hai phương Đông và phương Tây Bắc sẽ ứng vào khu vực Đông Bán cầu, bao gồm phương Tây châu Á và phương Đông châu Á, kể cả vùng biển Thái Bình Dương, và biển Ấn Độ Dương.


Mặt khác năm Tỵ sẽ nằm trong tam hợp Địa chi Tỵ Dậu Sửu, trong tam hợp này thì Chi Dậu thuộc khí Kim sẽ được khí của Chi Tỵ và khí của Chi Sửu hỗ trợ (theo nguyên lý tham hợp quên khắc), nên khí Kim rất mạnh. Khí Kim mạnh sẽ tụ ở phương Tây, chính là phương của Dậu, khí này sẽ xông thẳng về phương Đông là phương có khí Mộc đóng, hai khí Kim và Mộc xung khắc nhau thành sát.


Vùng Đông Nam Á cũng có khí của Tiểu vận là Thất xích Kim sẽ khắc khí của Niên vận là Tứ lục Mộc, do đó cần có các phương án phòng chống để tránh và hạn chế những tổn thất do khí Kim khắc khí Mộc ở Niên vận gây ra.


Phương Bắc và phương Nam tuy được khí Tiểu vận và khí Niên vận tương sinh cho nhau, phương Bắc là Thủy sinh Mộc, phương Nam là Mộc sinh Hỏa, nhưng phương Bắc khí Mộc vượng tạo nên Mộc sinh Hỏa, phương Nam khí Hỏa vượng, do đó cần phải đề phòng hỏa hoạn xẩy ra ở cả hai phương này.


Phương Tây nam có hai khí Thổ cùng đến tụ hội, nhưng đều là các khí Thổ thuộc loại hung khí, một là Nhị hắc Thổ, một là Ngũ hoàng Thổ, nên cũng phải chú ý sự xung sát về đất đai có thể xẩy ra ở phương này.


Cuối cùng ở Trung tâm cũng có hai loại khí Thổ, một là Bát bạch Thổ thuộc Tiểu vận và Ngũ hoàng Thổ thuộc Niên vận. Hai loại khí này một là sát khí, một là thiện khí, nên cũng phải đề phòng sát khí lấn át thiện khí, sẽ làm cho đất đai ở vùng Trung tâm có những biến động thất thường, khó lường trước được.


Lại chuẩn bị đón một năm mới đến, năm cũ qua đi, cuốn theo bao điều rủi ro đi hết, mong cho năm mới đến có nhiều may mắn và nhiều niềm vui về sự khởi sắc của một nền kinh tế ổn định và ngày càng phát triển phồn thịnh hơn.


Khương Văn Thìn

Nhà nghiên cứu Dịch học và Phong Thủy học