02:18 16/02/2017

Năm lý do khiến khủng hoảng nợ Hy Lạp có nguy cơ trở lại

Sau khi sự kiện Vương quốc Anh quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) trở thành tâm điểm chú ý vào năm ngoái, "bóng ma" Hy Lạp đã trở lại.

Hy Lạp, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang có những bất đồng xung quanh gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro (91 tỷ USD) dành cho Hy Lạp.

Thời gian không còn nhiều trước khi Hy Lạp lại đối mặt với nguy cơ vỡ nợ - điều đe dọa gây ra những bất ổn ở Eurozone. Có 5 lý do gây lo ngại về một cuộc khủng hoảng nợ mới.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (phải) phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: EPA/TTXVN

Thứ nhất, IMF, thiết chế tài chính đóng vai trò trung tâm trong hai gói cứu trợ đầu tiên dành cho Hy Lạp, chưa chính thức tham gia gói cứu trợ thứ ba cùng với Eurozone và có khả năng quỹ này sẽ chọn việc đứng ngoài. IMF bất đồng với Eurozone trong hai vấn đề chính là mục tiêu kinh tế và nợ. Về các mục tiêu kinh tế, IMF nói rằng những yêu cầu mà châu Âu đề ra với Hy Lạp là không thực tế. Eurozone khẳng định Hy Lạp có thể đạt thặng dư ngân sách trước khi thanh toán nợ ở mức 3,5% GDP trong vài năm tới, trong khi IMF cho rằng mức 1,5% GDP là khả thi, và khối nợ của Hy Lạp không bền vững và cần giảm nợ đáng kể.

Thứ hai, lập trường cứng rắn của IMF đang đặt Đức vào thế yếu. Đức là nước kiên quyết nhất ở Eurozone trong việc phản đối yêu cầu của IMF là giảm mạnh nợ cho Hy Lạp. Trong khi đó, Đức cùng với các nước khác như Hà Lan đưa ra điều kiện cho việc tham gia cứu trợ Hy Lạp là sự tham gia đầy đủ của IMF. Đức e ngại rằng chỉ mình EU sẽ khó có thể duy trì được sức ép buộc Hy Lạp thực hiện các cải cách mà không có sự kiên quyết của IMF trong các yêu cầu được đề ra. Nếu IMF vẫn đứng ngoài chương trình cứu trợ Hy Lạp, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble bị đặt vào "thế bí" chỉ vài tháng trước khi diễn ra các cuộc bầu cử vào tháng Chín.

Thứ ba, Hy Lạp đang đối mặt với nghĩa vụ thanh toán 7 tỷ euro vào giữa tháng 7 nhưng khó có thể thực hiện nếu không nhận được thêm tiền cứu trợ. Trong gần hai năm qua, Hy Lạp đã thực hiện các cải cách và cam kết về ngân sách. Tuy nhiên, khoản tiền cứu trợ mới sẽ chưa được giải ngân cho đến khi Hy Lạp vượt qua được lần đánh giá hiện nay, trong khi Đức và Hà Lan sẽ chỉ đồng ý nếu IMF tham gia đầy đủ. Để tháo gỡ bế tắc, IMF đã yêu cầu Hy Lạp thực hiện thêm các biện pháp khắc khổ, mặc dù hoài nghi về các mục tiêu ngân sách mà châu Âu đặt ra. Chính phủ Hy Lạp kiên quyết phản đối yêu cầu này.

Thứ tư, ngày 20/2 tới, ngày diễn ra cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Eurozone, được coi là thời hạn không chính thức cho việc đạt thỏa thuận giữa các bên, nhưng điều này được cho là khó khăn, khi các bên vẫn bất đồng sâu sắc. Sau thời hạn đó, châu Âu sẽ bước vào giai đoạn bầu cử bận rộn, bắt đầu với Hà Lan vào ngày 15/3, tiếp đến là Pháp vào mùa Xuân và Đức vào tháng 9. Việc hỗ trợ nhiều hơn cho Hy Lạp sẽ không phải là ý tưởng mà nhiều người dân châu Âu ủng hộ.

Thứ năm, Mỹ là nước có lá phiếu mạnh nhất trong ban điều hành của IMF nhưng hiện ghế của Mỹ "vẫn trống". Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ ủng hộ sự tham gia của IMF vào việc cứu trợ Hy Lạp, nhưng liệu điều đó có còn được duy trì dưới thời ông Donald Trump hay không còn chưa rõ.

Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính Pierre Moscovici trong chuyến thăm ngày 15/2 tới Hy Lạp đã hối thúc nước này và các nhà tài trợ nỗ lực cho việc đạt được sự đồng thuận trong những ngày sắp tới. Ông Moscovici hoan nghênh tiến triển mà Hy Lạp đạt được trong việc củng cố tài chính và nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung hơn vào các cải cách để tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Hy Lạp.

Lê Minh (TTXVN)