09:22 07/09/2011

Năm học mới ở Than Uyên

Ở những điểm tái định cư huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu), năm học mới lại bắt đầu với niềm hân hoan, rộn rã của các em học sinh tựu trường. Đến vùng quê mới, điều kiện học của các em được đảm bảo tốt hơn, nhà ở gần trường, giao thông đi lại thuận lợi, cơ sở vật chất khang trang, kiên cố...

Ở những điểm tái định cư huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu), năm học mới lại bắt đầu với niềm hân hoan, rộn rã của các em học sinh tựu trường. Đến vùng quê mới, điều kiện học của các em được đảm bảo tốt hơn, nhà ở gần trường, giao thông đi lại thuận lợi, cơ sở vật chất khang trang, kiên cố. Các em không còn bữa đói, bữa no băng rừng, lội suối để tới trường học chữ. Những ước mơ xanh của các cô cậu học trò giờ đây như được chắp thêm đôi cánh để vươn và bay xa hơn...

Niềm vui về ngôi trường mới...

Xã Pha Mu thuộc vùng ngập của thủy điện Huổi Quảng và thủy điện Bản Chát thuộc tỉnh Lai Châu nên phải di dân lên địa điểm mới. Do điều kiện không thể di dân toàn xã đến một địa điểm nên bản thì về xã này, bản thì về xã kia, để rồi bạn chia tay bạn, thầy cô lưu luyến trò không muốn rời chân. Nhưng đến các bản tái định cư được tận mắt, tai nghe tôi mới thấy ấm lòng...

Tại trung tâm trường Tiểu học xã Tà Mung, phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo bận rộn sửa sang và dựng thêm phòng học tạm để năm học mới các em không phải vất vả học hai ca sáng, chiều. Trưởng bản Nặm Pắc, Lý A Thọ, 43 tuổi đang loay hoay thúc giục mọi người cố gắng làm nhanh, anh ngồi lại uống bát nước chè rồi tâm sự cùng chúng tôi: Dân bản mình vui lắm! Đến nơi ở mới vừa có tiền, vừa có nhà đẹp, con cái thì được đi học gần trường không phải lo lắng nữa... Ở bản cũ, mỗi lần trời mưa gió thì mình lại sợ các con đi học về phải lội suối, leo núi lỡ xảy ra chuyện gì thì khổ lắm. Bây giờ thì mình yên tâm rồi.

Các thầy cô giáo về bản tái định cư bản Chát, xã Phúc Than để vận động học sinh ra lớp.


Thầy giáo Hiệu trưởng trường Tiểu học Tà Mung, Dương Đức Trung quần ống cao ống thấp, tay lấm lem bùn đất khẳng định: “Được chủ trương trường sẽ tiếp nhận học sinh từ xã Pha Mu tái định cư lên, cả ba cấp học đều họp ban giám hiệu để chuẩn bị cơ sở vật chất, giáo viên đứng lớp tránh không để việc học của các em bị gián đoạn. Các giáo viên có trách nhiệm về gặp từng gia đình, trưởng bản, vận động phụ huynh để các em ra lớp đầy đủ theo con số bàn giao của trường cũ. Đến thời điểm này, dù cơ sở vật chất nhà trường còn hạn chế, nhưng với sự cố gắng, quyết tâm của tập thể cán bộ, giáo viên, người dân, học sinh thì việc dạy và học ở đây đã ổn định, đi vào nền nếp...”.

Khi nghe chúng tôi hỏi thì Sùng A Phử, 15 tuổi, người dân tộc Mông, học lớp 8, nở nụ cười tươi rồi nói: “Đến nơi ở mới, em và các bạn vui lắm, không phải đi học xa, không phải nhịn đói tới trường; thầy cô giáo còn gần gũi động viên các em chăm học để sau này làm cán bộ về bản giúp bà con mình làm kinh tế thoát nghèo nữa đấy”.

Rời Tà Mung, chúng tôi đến xã Phúc Than là điểm tái định cư của ba thôn bản chuyển từ Pha Mu lên, gồm: Bản Nậm Ngùa, bản Chát, bản Mớ. Theo đoàn giáo viên trường tiểu học, THCS về các hộ gia đình bản Chát để vận động học sinh ra lớp. Cụ bà Mè Thị Xo, 73 tuổi móm mém cười nói: “Thầy cô giáo yên tâm, cháu cụ phải đi học chứ. Nay sướng rồi mà không học thì còn biết làm gì nữa”.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường Trung học Dân tộc bán trú xã Phúc Khoa cho chúng tôi biết: “Nhận được kế hoạch trường sẽ tiếp nhận học sinh tái định cư, nên Ban giám hiệu đã cử cán bộ, giáo viên vào tận xã Pha Mu để giúp dân chuyển vật dụng sinh hoạt, dỡ nhà cửa ra nơi ở mới dựng lại. Về phần học sinh, thì được giáo viên phụ trách lớp tiếp nhận con số từ trường cũ đầy đủ, không để trường hợp nào bỏ học giữa chừng. Nếu có trường hợp các em chưa ra thì trường cử giáo viên vào tận nơi phối hợp với Ban giám hiệu trường Pha Mu đưa bằng được học sinh đó ra lớp. Vì vậy cả ba cấp học, một trăm phần trăm số học sinh trường cũ bàn giao đã được bố trí ổn định, hòa nhập nhanh với ngôi trường mới... Tại Phòng giáo dục huyện Than Uyên, Phó trưởng Phòng Trịnh Ngọc Hải cho biết: “Đến thời điểm này công tác bàn giao và tiếp nhận học sinh, giáo viên từ xã tái định cư đã được hoàn tất. Hơn 900 học sinh và 70 giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý của ba cấp học thuộc xã Pha Mu đã được nhận trường và đứng lớp đầy đủ, không để một trường hợp nào phải thắc mắc, mà ai nấy đều vui vẻ nhận nhiệm vụ mới ở môi trường mới”.

Những sáng kiến hay và việc làm đúng...

Việc di dân tái định cư là một vấn đề khó khăn, nhưng để người dân và các em học sinh đến vùng quê mới không xáo trộn, gây xích mích, mất đoàn kết giữa dân tộc này với dân tộc kia, giữa người mới và người cũ lại càng khó hơn. Vì vậy chính quyền địa phương, đã phối hợp chặt chẽ với thầy, cô giáo bám bản tuyên truyền vận động bà con tin, ủng hộ chính sách của Đảng và Nhà nước để đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa mới trên vùng đất mới. Nhờ có chính sách đúng đắn, dân vận khéo nên thời gian qua việc tái định cư ở huyện Than Uyên (Lai Châu) không để xảy ra những sự việc đáng tiếc và thực sự đạt được kết quả tốt.

Thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh xã Tà Mung dựng phòng học tạm chuẩn bị cho năm học mới.

Ở bản Nặm Pắc, xã Tà Mung cũng trong bữa cơm của gia đình bác Sùng A Cớ có thêm một thành viên mà theo lời giới thiệu đó là anh em kết nghĩa của bác Cớ. Bác Vàng Văn Ón, 69 tuổi, dân tộc Thái là người dân gốc ở bản Tà Mung, khi bản Mông ở Tà Mung chuyển lên bác cùng mọi người tham gia giúp bà con chuyển đồ đạc, gỗ làm nhà nên cũng quen thân. Hai bác thấy hợp tính nhau thì cùng nhau kết nghĩa anh em, dù không phải là máu mủ ruột thịt, không cùng dân tộc nhưng cả hai bên gia đình đều quý mến và thường xuyên qua lại thăm nhau như anh em một nhà.

Thầy giáo Phan Bá Đại, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú số 2 xã Phúc Than cho chúng tôi biết: Do ở trên địa bàn xã đã có ba dân tộc Mông, Dao, Thái, vì vậy khi các em học sinh của ba bản người Thái ở Pha Mu chuyển ra nên cũng sớm làm quen và hòa nhập cùng các em khác trong trường. Các giờ lên lớp, thầy cô giáo khuyên các em phải biết đoàn kết, học sinh cũ nêu gương, có trách nhiệm giúp đỡ các bạn mới chuyển đến. Hiện nhà trường đang tổ chức học cùng trường mầm non, nhưng được sự quan tâm của các cấp chính quyền, trụ sở nhà trường được xây dựng từ nguồn vốn 30A của Chính phủ và sắp bàn giao để bước vào năm học mới cả cô, trò yên tâm được dạy và học trong một ngôi trường sạch đẹp, thoáng mát, kiên cố hơn.

Thầy Hiệu trưởng trườmg Trung học Dân tộc bán trú xã Phúc Than, Nguyễn Văn Hiệp thì có vẻ quyết tâm đưa ra sáng kiến. Theo thầy Hiệp thì năm học mới này, trường sẽ vận động tất cả các em tái định cư về trường ở bán trú để thầy cô giáo có điều kiện chăm sóc và giúp các em sớm hòa nhập với môi trường mới. Đồng thời, nhà trường sẽ có phương pháp để nâng cao nhận thức, không để chênh lệch học lực giữa các em học sinh cũ và các em mới chuyển đến. Nhà trường cũng tiến hành tổ chức sinh hoạt và lao động tập thể, nhất là xây dựng mô hình "vườn rau thân thiện", mỗi học sinh khi ra ở bán trú góp một con gà hay vịt nhỏ để nuôi, còn giáo viên mua giống rau để các em trồng. Làm như vậy, các em vừa có đủ thực phẩm, rau xanh trong bữa ăn, vừa hình thành‎ tính tự giác và để các em học sinh cũ, mới gần gũi nhau hơn.

Từ bản tái định cư về trường, chúng tôi rẽ vào quán nước cuối dốc, khi nghe anh chủ quán kể chuyện, tôi rất vui. Vợ chồng anh Vàng Văn Lăm, 29 tuổi, dân tộc Thái, từ xã Mường Mít là một hộ tái định cư tự nguyện, hiện đang có bốn người con đang đi học. Gia đình được đền bù và hỗ trợ 600 triệu đồng, anh dùng 200 triệu đồng mua ruộng sản xuất, mua đất xây nhà và mở quán bán hàng tạp hóa. Số tiền còn lại là 400 triệu đồng, anh tiết kiệm gửi ngân hàng lấy lãi suất để đầu tư cho các con ăn học. Vàng Văn Lăm nói, những đồng tiền ấy là mồ hôi nước mắt của mình nên phải biết tiết kiệm nó, nếu thấy mình có nhiều tiền mà chỉ nghĩ đến ăn chơi, tiêu pha lãng phí, khi hết tiền thì lấy đâu ra mà sống.

Vui hơn nữa, khi tôi đặt chân đến bản tái định cư nào thì bà con ai nấy cũng thuận lòng vì chính quyền vẫn đồng ý giữ tên bản cũ. Điều này vừa giúp người dân không xa lạ với tên gọi khác, vừa giữ được tên bản và kế thừa phát huy những giá trị văn hóa mà ngàn đời ông bà, tổ tiên của họ đã gắn bó, xây dựng.

Việt Hoàng