08:08 30/08/2012

Năm học mới: Lo toan và kỳ vọng

Mong đến ngày khai giảng, đó là niềm vui chung của các em, vì có quần áo mới, cặp sách mới… Niềm vui năm học mới là sự háo hức của các em học sinh, nhưng đằng sau đó là sự lo toan và không ít nỗi niềm của các bậc phụ huynh.

Mong đến ngày khai giảng, đó là niềm vui chung của các em, vì có quần áo mới, cặp sách mới. Và càng hạnh phúc hơn khi sau ba tháng hè, được gặp lại bạn bè, thầy cô giáo thân yêu… Niềm vui năm học mới là sự háo hức của các em học sinh, nhưng đằng sau đó là sự lo toan và không ít nỗi niềm của các bậc phụ huynh.

Niềm vui con trẻ...


Cũng như bao học trò khác, Nguyễn Nhật Minh, học sinh lớp 2 ở thị trấn Tiền Hải (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) vui mừng khi được bố đưa đi mua cặp sách và đồ dùng học tập, chuẩn bị cho năm học mới. Em mong đến ngày khai giảng, vì từ năm nay em được tự mình đi xe đạp đến trường, không cần bố mẹ đưa đón nữa… Tuổi thơ hồn nhiên là vậy, nhưng các em đâu biết niềm vui của mình lại là gánh nặng của cha mẹ, bởi năm nào cũng vậy, cứ vào năm học mới không ít phụ huynh lại than ngắn, thở dài. Ngoài nỗi lo chọn trường, chọn lớp, chọn thầy là gánh nặng tiền đóng góp phụ phí... Với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nỗi lo ấy như nhân lên gấp bội. Chị Vũ Thị Hạnh, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, cho biết: “Tôi sinh được 2 con, một cháu học cấp 2, một cháu năm nay lên cấp 3. Từ khi các cháu đi học, năm nào hai vợ chồng cũng dành dụm tiết kiệm, cắt giảm những chi tiêu không cần thiết và thậm chí cả vay mượn để nuôi con ăn học. Riêng tiền sách vở, đồ dùng học tập mỗi đứa hết hơn 1 triệu đồng. Tiền xây dựng, tiền học phí, đồng phục, và các loại quỹ gần 2 triệu đồng. Chồng tôi làm thợ xây dựng, tôi thì buôn bán nhỏ nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Nhà có chăn nuôi được con gà, con vịt hay trồng được ngô, lúa đều mang ra chợ bán để lấy tiền đóng học cho con...”.

 

Những khoản thu đầu năm học là nỗi niềm của không ít phụ huynh. Ảnh: Lê Phú

Không riêng gì chị Hạnh, ngay cả những gia đình có thu nhập khá cũng ngao ngán về những khoản “đầu tư” cho con chuẩn bị vào năm học mới. Anh Nguyễn Anh Phương, ở đường Phan Bá Vành, thành phố Thái Bình, chia sẻ: “Đón năm học mới của con, mình cũng thấy vui vì nhận ra các con ngày càng khôn lớn, ngoan hơn. Nhưng việc chuẩn bị mua sắm sách vở, đồ dùng… cho con đầu năm học là cả một vấn đề. Nào là chuyện chọn trường, các khoản đóng góp đến mua sắm quần áo, giày dép… Năm trước chỉ một cháu đi học đã “ngốn” của vợ chồng tôi trên 3 triệu đồng. Năm nay cả hai đứa cùng đến trường, vợ chồng tôi chắc phải chi 5 - 6 triệu đồng mua sắm đồ cho các con”. Rõ ràng, gánh nặng đầu năm học là cả một vấn đề không riêng gì những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở vùng nông thôn mà còn là nỗi lo của cả những gia đình có mức thu nhập trung bình ở đô thị.


Nguyên nhân một phần do tác động của suy giảm kinh tế, lạm phát, giá cả các mặt hàng đều tăng cao. Dạo quanh các cửa hàng bán sách vở, đồ dùng học tập trên địa bàn thành phố Thái Bình, chúng tôi nhận thấy giá nhiều mặt hàng phục vụ năm học mới đều tăng từ 5-10% so với năm trước. Trước tình trạng này, nhiều phụ huynh đã chọn cách mua lại những bộ sách giáo khoa, sách tham khảo cũ của những năm trước cho con em mình theo học. Tuy nhiên, đồ dùng học tập và quần áo, tư trang cá nhân là những thứ thiết yếu bắt buộc mà phụ huynh không thể không mua mới. Với sự tăng giá đồng loạt của các mặt hàng, dù việc Nhà nước có chính sách miễn giảm học phí cho học sinh vùng miền núi và từng đối tượng cụ thể thì việc chuẩn bị cho con vào năm học mới là cả một vấn đề “chật vật” của các bậc phụ huynh. Đặc biệt với những phụ huynh vùng nông thôn, vùng còn nhiều khó khăn thì chuyện chuẩn bị cho con vào năm học mới là một vấn đề không nhỏ.


Những chuyển biến


Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm học 2011 - 2012, ngành giáo dục cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục. Các cuộc vận động và phong trào thi đua trong ngành ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều hình thức sáng tạo đạt hiệu quả cao. Đặc biệt phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã lan tỏa mạnh mẽ, học sinh gắn bó với trường lớp hơn, tình trạng học sinh bỏ học đã giảm đáng kể. Ở nhiều nơi, ngành giáo dục đã chú trọng việc tổ chức giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học, hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi khoa học từ cấp huyện, tỉnh đến toàn quốc. Chất lượng giáo dục được nâng lên còn thể hiện qua kết quả các kỳ thi. Đặc biệt ở các đội tuyển học sinh giỏi thi các giải trong khu vực và quốc tế đều đạt giải cao.
Bộ GD&ĐT cũng vừa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2012-2013 đối với cấp tiểu học. Tại văn bản này, Bộ GD&ĐT đã quy định sách tối thiểu đối với mỗi học sinh tiểu học. Theo đó, đối với học sinh lớp 1, 2, 3, cần có sáu quyển sách, gồm: Tiếng Việt (hai quyển, tập 1 và tập 2), vở tập viết (hai quyển: tập 1, tập 2), toán, tự nhiên và xã hội. Học sinh lớp 4 và lớp 5 cần có chín quyển: Tiếng Việt (hai quyển, tập 1 và tập 2), toán, đạo đức, khoa học, lịch sử và địa lý, âm nhạc, mỹ thuật, kỹ thuật. Bên cạnh đó, giáo viên phải hướng dẫn sử dụng sách vở hàng ngày để học sinh không phải mang theo nhiều sách, vở khi tới trường; sử dụng có hiệu quả sách và tài liệu của thư viện nhà trường. Khuyến khích các trường áp dụng mô hình “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”… phù hợp điều kiện thực tế.


Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra những điểm nhấn quan trọng trong năm học 2012 - 2013. Theo đó, trong năm học này tiếp tục thực hiện nội dung giáo dục "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong các môn học và hoạt động giáo dục ở tiểu học. Thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo, coi trọng việc rèn luyện phẩm chất, lối sống, lương tâm nghề nghiệp. Tạo cơ hội, động viên, khuyến khích giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục học tập và sáng tạo, ngăn ngừa và đấu tranh kiên quyết với các biểu hiện vi phạm pháp luật và đạo đức nhà giáo. Tiếp tục triển khai các biện pháp giảm tỉ lệ học sinh yếu, học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục, không để học sinh ngồi sai lớp, phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi nhưng không tổ chức thi học sinh giỏi ở tất cả các cấp quản lí.


Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các Sở GD&ĐT chuẩn bị cho khai giảng năm học 2012-2013. Theo đó, việc tổ chức lễ khai giảng cần tránh hình thức phô trương, không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Thời gian không nên kéo dài quá 60 phút. Theo quan điểm của bộ, lễ khai giảng năm học, gồm phần “lễ” và phần “hội” nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, sẵn sàng bước vào năm học mới cho các thầy cô giáo, các em học sinh, đồng thời thu hút sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội. Cần chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để lễ khai giảng diễn ra trang trọng, tạo dấu ấn tốt đẹp, thực sự là ngày hội đối với các thầy, cô giáo và các em học sinh.


Năm 2012 - 2013 cũng là năm thứ hai triển khai chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Ngành giáo dục đặt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đối với giáo dục trung học, tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập đúng độ tuổi, triển khai phổ cập giáo dục THPT ở những nơi có điều kiện. Tăng cường các giải pháp để giảm tỷ lệ học sinh yếu kém, học sinh bỏ học, đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục nâng cao nhận thức cho mọi người về giáo dục thường xuyên, hướng mọi người tới mục tiêu học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Triển khai xây dựng đề án xóa mù chữ giai đoạn 2012 – 2020. Đổi mới phương pháp dạy học, bồi dưỡng năng lực tự học, dạy học gắn lý thuyết với thực hành.


Mặc dù vậy, nhưng năm học vừa qua vẫn còn nhiều tồn tại như việc quy hoạch mạng lưới trường lớp giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên ở một số địa phương còn hạn chế. Tình trạng thiếu cơ sở vật chất, trường học, giáo viên vẫn phổ biến khắp nơi, dù năm học mới đã cận kề. Đời sống giáo viên ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn khó khăn khiến họ chưa an tâm công tác. Một trong những nỗi lo cũ nhưng vẫn “nóng” qua hàng năm là tình trạng tiêu cực trong thi cử chưa được ngăn chặn triệt để. Mới đây, vụ tiêu cực tại Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang), dù không phổ biến nhưng diễn ra có tổ chức, ngay lúc Bộ GD&ĐT đang nỗ lực loại bỏ tiêu cực trong thi cử. Chưa hẳn đây là hiện tượng duy nhất, nhưng để ngăn chặn tình trạng này, ngành giáo dục các địa phương và bộ chủ quản cần phải quyết liệt hơn nữa và đề ra những giải pháp để ngăn chặn những tiêu cực tương tự.

 

Lê Sơn