08:07 27/08/2014

Năm học mới đã sẵn sàng

Tăng số lượng phòng học mới, có nhiều chính sách nhằm thu hút giáo viên, đặc biệt ở khối mầm non, tiểu học, là những giải pháp đồng bộ được nhiều tỉnh, thành phố thực hiện để sẵn sàng cho năm học 2014 - 2015.

Tăng số lượng phòng học mới, có nhiều chính sách nhằm thu hút giáo viên, đặc biệt ở khối mầm non, tiểu học, là những giải pháp đồng bộ được nhiều tỉnh, thành phố thực hiện để sẵn sàng cho năm học 2014 - 2015.


Tăng lớp học, tăng giáo viên


Năm học mới này, các quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh đã đưa nhiều phòng học mới vào sử dụng. Cụ thể, quận Bình Tân có thêm 6 trường học cho các cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Bên cạnh đó, quận đã đầu tư gần 11,8 tỷ đồng cho các trường để sửa chữa và mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, phục vụ năm học mới. Huyện Củ Chi cũng đã đưa thêm 7 trường học mới, với 138 phòng học, vào sử dụng. Ngành giáo dục huyện cũng đã cấp hơn 20 tỷ đồng cho các trường để sửa chữa nhỏ, chống ngập, chống dột, mua sắm bàn ghế, nâng cấp nhà vệ sinh… Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, ông Đặng Thanh Tuấn, cũng cho biết, năm nay quận đã đầu tư thêm nhiều trường mới như trường Tiểu học Lê Quý Đôn, THCS Huỳnh Văn Nghệ và THCS An Nhơn nhằm giảm bớt sỹ số, bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh trên địa bàn.

 

 

Năm học mới đang đến rất gần.Ảnh: VTC.vn


Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, việc chuẩn bị cho năm học mới được ngành GD-ĐT triển khai từ rất sớm. “Trong năm học này, thành phố đưa vào sử dụng thêm 1.527 phòng học mới. Ngành giáo dục thành phố sẽ bảo đảm 100% trẻ trong độ tuổi đến trường được đi học. Tuy nhiên, do áp lực học sinh tăng cao, nên việc giảm sỹ số học sinh/lớp, tăng số học sinh học hai buổi/ngày, hay học bán trú còn gặp khó khăn”, ông Sơn cho biết.


Bên cạnh việc đầu tư trường lớp, trang thiết bị, dụng cụ học tập cho năm học mới, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh còn lên kế hoạch tuyển dụng hàng ngàn giáo viên ở các bậc học. Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh tuyển thêm 1.087 giáo viên cho khối mầm non, 1.647 giáo viên cho khối tiểu học, 1.415 giáo viên cho khối THCS và 500 giáo viên cho khối THPT. Theo ông Sơn, hiện 2 khối mầm non và tiểu học đều đang thiếu giáo viên trầm trọng, nên để bảo đảm tuyển đủ giáo viên cho năm học mới, Sở không chỉ tuyển theo đợt, mà sẽ tuyển dụng trong cả năm học. “Sở cũng đã tham mưu cho UBND thành phố triển khai các chế độ, chính sách để thu hút số giáo viên còn thiếu. Bên cạnh đó, mở rộng diện tuyển, không chỉ những giáo viên có hộ khẩu tại thành phố, mà cả giáo viên có KT3”, ông Sơn cho biết thêm.


Tại Hà Nội, nhiều giải pháp đồng bộ cũng được đặt ra để bảo đảm chất lượng. Ông Nguyễn Như Thắng, Trưởng phòng GD - ĐT quận Hai Bà Trưng cho biết, năm học này, ngành tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo hướng chuyển từ truyền thụ kiến thức sang đổi mới về nội dung, phương pháp giáo dục, coi trọng việc phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Đặc biệt, sẽ chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất và nguồn tài chính, phấn đấu hoàn thành kế hoạch xây dựng 14 trường đạt chuẩn quốc gia; khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao như: Mầm non Việt Bun và Mầm non Bách Khoa.


Còn theo đại diện lãnh đạo phòng GD - ĐT Thanh Trì, sẵn sàng cho năm học mới, hệ thống trường lớp trong huyện được kiện toàn (toàn huyện có 67 trường, tăng 1 trường so với năm học trước, 41.877 học sinh và 3.084 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên). Tính đến tháng 5/2014, huyện có 18/28 trường đạt chuẩn quốc gia (hai trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2), giáo dục tiểu học và THCS huy động 100% học sinh trong độ tuổi đi học, bảo đảm không có học sinh bỏ học giữa chừng.


Nhiều giải pháp đồng bộ


Năm học mới này, Bộ GD- ĐT tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ của cơ sở giáo dục; tăng cường thanh tra quản lý nhà nước về GD-ĐT, xử lý nghiêm các sai phạm và thông báo công khai trước công luận.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, ngành sẽ đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, thực hiện xóa mù chữ, nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập; tăng cường công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp trong các trường phổ thông, đa dạng hóa phương thức học tập đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết và tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân. Toàn ngành triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, đặc biệt là đối với giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn. Đồng thời, thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh diện chính sách xã hội, học sinh ở miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.


Trong công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, ngành tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Đặc biệt chú trọng nghiên cứu để chuyển việc đánh giá giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục từ chú trọng bằng cấp sang chú trọng năng lực, kết quả công tác, uy tín đối với đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh học sinh.


Đan Phương - TTN