08:15 01/08/2019

Nam Định tập trung bảo vệ cây trồng, vật nuôi trước nguy cơ bão số 3 đổ bộ

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của bão số 3, tỉnh Nam Định đang triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ diện tích cây trồng, con nuôi; đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống đê sông, đê biển trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Tàu thuyền tránh trú bão tại khu neo đậu xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Ông Nguyễn Doãn Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, toàn tỉnh có trên 75.920 ha lúa mùa; trong đó, 25% diện tích lúa đang trong quá trình chăm sóc, còn thấp cây. Nếu mưa lớn, kéo dài liên tục, việc tiêu thoát nước không kịp thời thì những diện tích này có thể bị ngập.

Với mục tiêu bảo vệ diện tích lúa mùa, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương, công ty thủy nông tiến hành tiêu triệt nước đệm trong đồng và hệ thống kênh mương, nhất là ở những cánh đồng thấp trũng. Đồng thời đảm bảo nguồn điện phục vụ yêu cầu bơm tiêu chống úng cho lúa; tăng cường hệ thống máy bơm dầu để tiêu nước khi xảy ra mưa lớn.

Tỉnh Nam Định có 16.150 ha nuôi trồng thủy sản; trong đó, nuôi nước ngọt 9.715 ha, còn lại là nuôi nước mặn, lợ. Để tránh nguy cơ ngập úng, gây thiệt hại cho các chủ ao, đầm, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn tỉnh Nam Định đã thông báo tình hình mưa bão, hướng dẫn các hộ nuôi thủy sản thực hiện các biện pháp xả lũ, tiêu úng, xử lý môi trường nước, phòng, chống dịch bệnh trước, trong và sau mưa bão.

Các chủ ao, đầm tiến hành gia cố thêm bờ bao cao hơn mực nước trong ao ít nhất 0,5m; dọn sạch đăng cống; chuẩn bị lưới, cọc tre, máy bơm tiêu úng khi cần thiết; thường xuyên tiến hành kiểm tra chất lượng nước trong ao, xử lý bằng thuốc khử trùng sau những trận mưa kéo dài để ổn định môi trường ao nuôi.

Trước khả năng bão số 3 đổ bộ vào đất liền, ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Nam Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan yêu cầu, các địa phương, đơn vị tập trung triển khai các biện pháp ứng phó bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định lưu ý, các địa phương kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo vệ sản xuất, chống úng ngập cho lúa mùa; đảm bảo an toàn cho diện tích nuôi trồng thủy sản ven sông, ven biển và tại các lồng bè.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm, khẩn trương vào nơi tránh trú an toàn.

Các địa phương trong tỉnh rà soát hệ thống đê sông, đê biển, nhất là những vị trí xung yếu đã bị sạt, sụt trong những trận mưa bão trước đang trong quá trình khắc phục, nâng cấp, sửa chữa để có biện pháp gia cố, bảo vệ đê, kè đảm bảo an toàn.

Các huyện, thành phố rà soát, lập danh sách các hộ dân ở trong nhà tạm, nhà yếu; chuẩn bị chỗ ở, nhu yếu phẩm, sẵn sàng phương án sơ tán dân khi bão mạnh đổ bộ trực tiếp vào địa bàn.

Tỉnh Nam Định hiện có trên 2.100 tàu thuyền với trên 6.000 lao động; trong đó có 559 tàu với khoảng 2.490 lao động đánh bắt xa bờ, còn lại là các tàu đánh bắt gần bờ. Ở khu vực ven biển, Nam Định có trên 1.000 lều, chòi nuôi ngao với trên 1.300 ngư dân.

Hiện toàn bộ chủ tàu, thuyền hoạt động trên biển, các lao động làm việc ở vùng ven biển đã được thông báo về tình hình, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Nam Định đã chuẩn bị 42.495 m3 đá hộc, hơn 4.000 rọ thép, gần 690.000 bao nylon, vải lọc, bạt chống tràn để gia cố đê, kè khi cần thiết...

Tin, ảnh: Vũ Văn Đạt (TTXVN)