03:18 31/03/2017

Nam Định công bố hết dịch cúm gia cầm A/H5N1

Ngày 31/3, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định Ninh Văn Hiểu cho biết, hiện tất cả các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên địa bàn tỉnh đã qua 21 ngày, không phát sinh gia cầm ốm, chết do bệnh cúm gia cầm, nên tỉnh đã công bố hết dịch cúm gia cầm A/H5N1.

Kiểm tra công tác phòng dịch cúm A/H5N1 tại một hộ dân ở xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Theo nhận định tình hình dịch của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định, do thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, các hộ chăn nuôi còn có tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia cầm còn nhiều khó khăn nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, tái phát ổ dịch.

Để thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát, phát hiện, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ và phát triển chăn nuôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan yêu cầu, các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp phòng ngừa từ bên ngoài, thông qua công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm.

Ngành thú y tổ chức tốt việc lấy mẫu, giám sát, chủ động phát hiện sớm mầm bệnh; đồng thời làm tốt việc giám sát cộng đồng để khi phát hiện gia cầm ốm, chết bất thường người dân chủ động báo ngay cho trưởng thôn, cán bộ thú y để xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Phùng Hoan đề nghị các địa phương trong tỉnh thực hiện hiệu quả Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, tập trung vào khu vực bãi rác, chợ buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm. Về lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định phối hợp với các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức lại ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, an toàn, đảm bảo môi trường và quản lý chất lượng theo chuỗi có giá trị gia tăng cao, bền vững...

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi ở xã Minh Tâm, huyện Vụ Bản và 6 hộ chăn nuôi ở các xã Trực Nội (1 hộ), Trực Thuận (5 hộ), huyện Trực Ninh. Tổng số gia cầm phải tiêu hủy lên tới gần 9.200 con, chủ yếu là vịt.
 
Vũ Văn Đạt (TTXVN)