07:06 06/07/2021

‘Nằm bẹp’ – cách giới trẻ Trung Quốc phản kháng với áp lực

Chán nản vì công việc căng thẳng, Guo Jianlong bỏ công việc làm báo ở Bắc Kinh và chuyển đến vùng núi phía tây nam Trung Quốc để “nằm bẹp”.

Chú thích ảnh
 Guo Jianlong sống thảnh thơi hơn sau khi chuyển đến Dali, Vân Nam. Ảnh: AP 

Guo đã gia nhập nhóm những chuyên gia ở đô thị Trung Quốc từ bỏ sự nghiệp mệt mỏi để có một cuộc sống ít ham muốn hơn. Điều này dường như đi ngược lại thông điệp của đất nước về thành công và chủ nghĩa tiêu dùng. 

Guo, 44 tuổi, trở thành một nhà báo tự do ở Dali, một thị trấn ở tỉnh Vân Nam nổi tiếng với kiến trúc truyền thống và cảnh đẹp nên thơ. Anh cưới một phụ nữ địa phương. “Công việc ổn, nhưng tôi không thích lắm. Có gì sai khi sống như mình thích, chứ không chỉ chăm chăm về tiền”, anh nói về quyết định rời Bắc Kinh của mình.

Theo tạp chí Caixin, nổi tiếng về kinh doanh ở Trung Quốc, “nằm bẹp” là một “phong trào phản kháng" đối với “vòng xoáy kinh hoàng” từ áp lực trường học đến những công việc dường như không có giờ nghỉ. 

“Trong xã hội ngày nay, mọi cử động của chúng ta đều bị giám sát, mọi hành động đều bị chỉ trích. Liệu còn có hình thức nổi loạn nào hơn là chỉ đơn giản ‘nằm bẹp?”, nhà văn Liao Zenghu bày tỏ.

Chú thích ảnh
Dòng xe cộ trong giờ cao điểm ở Bắc Kinh, ngày 2/7/2021. Ảnh: AP 

Chưa rõ đến nay có bao nhiêu người đã bỏ việc hoặc rời khỏi các thành phố lớn để “nằm bẹp”. Nếu chỉ đánh giá bằng những chuyến tàu điện ngầm đông đúc trong giờ cao điểm ở Bắc Kinh và Thượng Hải, thì hầu hết người trẻ tuổi Trung Quốc dường như đều đang căng sức với công việc tốt nhất mà họ có được.

Dân số Trung Quốc đang già đi và nhóm người trong độ tuổi lao động đã giảm khoảng 5% so với mức đỉnh năm 2011. Chính vì thế, rất dễ hiểu khi chính quyền phản đối xu hướng “nằm bẹp”. “Tự vượt lên bản thân là một kiểu hạnh phúc. Lựa chọn ‘nằm bẹp’ để đối phó với áp lực không chỉ là không công bằng mà còn đáng xấu hổ”, tờ Nhật báo Nam Phương viết.

Những xu hướng tương tự cũng đã xuất hiện ở Nhật Bản và các nước khác, nơi người trẻ đang theo đuổi lối sống phản đối chủ nghĩa vật chất để đáp lại những cuộc cạnh tranh “bầm dập” và viễn cảnh mất việc làm do suy thoái kinh tế.

Số liệu chính thức cho thấy sản lượng kinh tế của Trung Quốc /người đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, nhưng nhiều người cho rằng, phần gia tăng chủ yếu vào tay những nhà tài phiệt. Những người lao động thông thường than phiền rằng thu nhập của họ tăng nhưng không theo kịp giá nhà, chi phí nuôi dạy con cái, chăm sóc sức khỏe...

Chú thích ảnh
Người dân đi lại trên một giao lộ ở Bắc Kinh ngày 2/7/2021. Ảnh: AP 

Các nhân viên thành thị than phiền giờ làm việc kéo dài theo công thức “996", tức là từ 9h sáng đến 9h tối và 6 ngày/tuần.

“Chúng ta nhìn chung nghĩ rằng chế độ nô lệ đã chết. Nhưng thực tế, nó đã biến đổi trong một kỷ nguyên kinh tế mới”, một người tên Xia Bingbao viết trên mạng xã hội Douban. 

Một số sinh viên tốt nghiệp hạng ưu ở độ tuổi 20, những người có triển vọng việc làm tốt nhất, nói rằng họ đã kiệt sức vì “địa ngục thi cử” ở trường trung học và đại học. Họ không thấy ích lợi gì khi phải hy sinh nhiều hơn. “Theo đuổi danh vọng và tài sản không hấp dẫn tôi. Tôi quá mệt mỏi”, Zhai Xiangyu, một nghiên cứu sinh 25 tuổi, nói.

Chú thích ảnh
Guo Jianlong lựa chọn lối sống "nằm bẹp" ở tỉnh Vân Nam. Ảnh: AP

Một số chuyên gia thì đang cắt ngắn sự nghiệp của mình. Xu Zhunjiong, một giám đốc nhân sự ở Thượng Hải, cho biết cô sẽ nghỉ việc ở tuổi 45, một thập kỷ trước tuổi nghỉ hưu tối thiểu với phụ nữ. “Tôi muốn nghỉ hưu sớm. Tôi không muốn chiến đấu nữa”, Xu nói. 

Hồi tháng 5, Trung Quốc đã nới lỏng giới hạn sinh con, cho phép tất cả các cặp vợ chồng có ba con thay vì hai. Chỉ vài phút sau khi thông báo được công bố, các trang mạng đã tràn ngập những lời phàn nàn rằng động thái này không giúp gì cho các bậc cha mẹ trong việc đối phó với chi phí chăm sóc con cái, thời gian làm việc dài, nhà ở chật chội, phân biệt đối xử trong công việc với các bà mẹ và nhu cầu chăm sóc cha mẹ già.

Chú thích ảnh
Nhiều người trẻ Trung Quốc chán nản với các cuộc cạnh tranh áp lực, đang tìm về một cuộc sống thảnh thơi, bớt mong cầu vật chất hơn. Ảnh: AP

Xia Zhunjiong viết rằng cô đã chuyển đến một thung lũng ở tỉnh Chiết Giang, phía nam Thượng Hải, để có “cuộc sống ít mong cầu” sau khi bỏ việc ở Hong Kong. Xia cho biết mặc dù là một phóng viên nói tiếng Anh được trả lương cao, tiền thuê nhà đã tiêu tốn 60% thu nhập và cứ cuối tháng là cô lại sạch tiền.

Nhà văn Guo Jianlong ở Dali, Vân Nam, cho biết anh làm việc tự do nhiều giờ hơn so với làm báo, nhưng anh thấy hạnh phúc và cuộc sống thoải mái hơn. Hai vợ chồng thường ăn sáng trên ban công căn hộ tầng 6 thoáng mát nhìn ra nhiều cây cối.

Một kiến trúc sư 27 tuổi ở Bắc Kinh tên Nina cho hay cô bắt đầu tiết kiệm từ lúc tuổi teen để có được tự do tài chính. “Từ tháng 9 năm ngoái, khi thấy tiền tiết kiệm của mình đã được 2 triệu tệ (300.000 USD), tôi quyết định nghỉ ngơi”, Nana nói. Cô từ chối việc làm lương 20.000 tệ (3.000 USD)/tháng vì giờ làm kéo dài. “Tôi muốn thoat khỏi những quy tắc gò bó này. Tôi muốn đi du lịch và tự mình sống hạnh phúc”, Nana nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo AP)