06:18 30/06/2021

Nắm bắt xu hướng kinh doanh, 'chờ thời' khi hết dịch

Trong 6 tháng đầu năm, thành phố Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển. Đặc biệt, quan tâm tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động cũng như nắm bắt xu hướng kinh doanh để phát triển đúng hướng khi hết dịch COVID-19.

Thu hút nguồn lực cho phát triển

Chú thích ảnh
Nút giao đường vành đai 3, kết nối quận Long Biên và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh minh họa: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn quý II ước tính đạt 94,3 nghìn tỷ đồng, tăng 34,6% so với quý I và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 164,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2020 tăng 5,9%). Trong đó, vốn đầu tư phát triển từ khu vực Nhà nước đạt 55,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài Nhà nước đạt 88,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 19,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4%.

Trong vốn đầu tư phát triển từ khu vực Nhà nước, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 6 tháng đầu năm ước tính đạt 19,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 38,3% kế hoạch năm 2021. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp thành phố thực hiện 9,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 41,9% kế hoạch năm; vốn ngân sách Nhà nước cấp quận, huyện thực hiện 8,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% và đạt 34,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã, phường thực hiện gần 1 tỷ đồng, tăng 14,9% và đạt 43%.

Chia theo khoản mục đầu tư, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước tính thực hiện 99,3 nghìn tỷ đồng; vốn mua sắm tài sản cố định dùng cho sản xuất đạt 46,2 nghìn tỷ đồng; vốn sửa chữa lớn, nâng cấp tài sản đạt 7,4 nghìn tỷ đồng; bổ sung vốn lưu động đạt 9,1 nghìn tỷ đồng; vốn khác đạt 2,4 nghìn tỷ đồng.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tháng 6/2021, thành phố Hà Nội ước tính có 33 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 44,7 triệu USD; trong đó có 29 dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 4 dự án liên doanh, liên kết. Bên cạnh đó, có 12 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 29,9 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 33 lượt, đạt 40,1 triệu USD.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đăng ký của các dự án FDI thành lập mới, dự án bổ sung tăng vốn và mua cổ phần ước đạt 694,3 triệu USD, trong đó đăng ký mới 171 dự án với số vốn đạt 96,1 triệu USD; 78 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 477,7 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 250 lượt, đạt 120,5 triệu USD.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng trọng điểm

Chú thích ảnh
 Tuyến đường hạ tầng khung khớp nối khu công nghiệp Phú Thị (Gia Lâm) được khởi công. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Từ đầu năm đến nay, cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, thành phố đã chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, nhất là các công trình trọng điểm. Những tháng đầu năm, tranh thủ thời tiết thuận lợi các hộ dân cư cũng tiến hành khởi công xây dựng nhà ở, nhà hàng, nhà nghỉ... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công một số công trình, dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước và công trình xây dựng của các hộ dân cư.

Trong 6 tháng đầu năm, thành phố Hà Nội đã khởi công, khánh thành một số công trình trọng điểm như: Khai thác sử dụng tuyến đường từ khu đô thị Trâu Quỳ qua đường Dương Xá - Đông Dư đến ga Phú Thụy có tổng mức đầu tư 198 tỷ đồng, chiều dài hơn 3,4 km, rộng từ 30 - 40 m.

Khởi công xây dựng dự án hoàn chỉnh, khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp vừa và nhỏ Phú Thị, khu công nghiệp Dương Xá A với tổng mức đầu tư 253 tỷ đồng; Dự án xây dựng tuyến đường đê Hữu Đuống đoạn Dốc Lời - Đặng Xá đến xã Lệ Chi với tổng mức đầu tư hơn 508 tỷ đồng; Dự án xây dựng tuyến đường đô thị song hành với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tổng mức đầu tư gần 290 tỷ đồng; Dự án xây dựng tuyến đường gom từ cầu Thanh Trì đến cầu vượt Phú Thị với tổng mức đầu tư hơn 407 tỷ đồng. Các dự án có thời gian thi công, hoàn thành dự kiến khoảng 350 - 360 ngày.

Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có tổng mức đầu tư 32,9 nghìn tỷ đồng. Tiến độ dự án các gói thầu phần trên cao đạt trên 86%; công tác giải phóng mặt bằng các ga ngầm đã cơ bản hoàn thành. Đến nay đã có 5/10 đoàn tàu về tới Hà Nội và đang chạy thử nghiệm. Dự kiến đến tháng 7/2021, 5 đoàn tàu còn lại sẽ được vận chuyển về nước để phục vụ khai thác, vận hành 8,5 km đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy vào cuối năm.

Đối với dự án đường Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, đến nay đã hoàn thành đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động và đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng; tiến độ toàn dự án ước đạt trên 70% khối lượng công việc. Hiện dự án đường Vành đai 2 trên cao đang gấp rút hoàn thành để đảm bảo tiến độ đề ra.

Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng. Cầu có tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,4 km, được khởi công từ ngày 09/01/2021. Đến nay nhà thầu đã hoàn thành công việc khoan nhồi và tiếp tục triển khai hạng mục bệ mố trụ nằm trong gói thầu. Đây là dự án trọng điểm của Thủ đô trong thời gian tới và các đơn vị đang huy động nhân lực nhằm thi công vượt tiến độ đề ra.

Dự án đường Vành đai 3,5 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32 có tổng chiều dài 5,6 km chạy ngang qua 4 xã thuộc huyện Hoài Đức với tổng mức đầu tư hơn 1 nghìn tỷ đồng. Hiện nhà thầu đang gấp rút hoàn thành dự án.

Doanh nghiệp nỗ lực hoạt động

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị thắp sáng trong xe ô tô, xe máy tại Công ty TNHH Điện Việt Nam Stanley (vốn đầu tư của Nhật Bản) tại Hà Nội. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Tại Hà Nội, dịch COVID-19 bùng phát trở lại cuối tháng 4 đã ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Trước tình hình đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 6 tháng đầu năm tăng 4% so với cùng kỳ.

Trong tháng 6, thành phố Hà Nội có 2.150 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 41,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15%; thực hiện thủ tục giải thể cho 260 doanh nghiệp, tăng 47%; 839 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 38%; 650 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 37%. Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2021, Hà Nội có 13,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 165,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7%; thực hiện thủ tục giải thể cho gần 1,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 33%; hơn 7,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 15%; 5,7 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 74%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

Đặc biệt, thành phố quan tâm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động; đánh giá những yếu tố tác động đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và xu hướng kinh doanh để có những giải pháp hiệu quả.

Kết quả điều tra của thành phố Hà Nội thì xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2021 cho thấy: Có 22,2% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2021 tốt hơn quý I/2021; 41,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 36,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Nếu những tháng tiếp theo tình hình dịch COVID-19 được khống chế, có 32,8% số doanh nghiệp dự kiến quý III/2021 sẽ tốt lên so với quý II/2021; 27,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 40,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Trong đó, 73,7% số doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2021 sẽ tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2021; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 73,6% và 57,2%.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)