02:08 18/02/2018

Năm 2018, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm ngay từ giai đoạn đầu của dự án

Tài nguyên và Môi trường đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhân dịp đầu năm mới, phóng viên báo Tin tức có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà về những đổi mới của ngành, đem lại hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Thưa Bộ trưởng, năm 2017 là một năm có nhiều thay đổi, cải cách trong hàng loạt chính sách của ngành TN&MT. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả nổi bật mà ngành đạt được trong năm qua?

Năm 2017 là năm đánh dấu bước chuyển trong công tác quản lý TN&MT với sự chủ động trong giải quyết các vấn đề tồn tại; tháo gỡ, cởi trói các nút thắt, các điểm nghẽn về thể chế; đổi mới trong tư duy, phương thức quản lý; chuẩn bị nền tảng cho giai đoạn phát triển mới.

Tinh thần kiến tạo cho phát triển được bắt đầu từ thể chế với nhiều chính sách mới được ban hành tháo gỡ cơ bản các vướng mắc, khó khăn, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho sản xuất phát triển nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp được thực hiện quyết liệt với việc thực hiện tiếp nhận, giải quyết theo hình thức trực tuyến đối với 71 thủ tục; liên thông 11 thủ tục trong lĩnh vực môi trường, nước và biển, đảo; đề xuất cắt giảm 45% điều kiện kinh doanh; rút ngắn 1/3-1/2 thời gian thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận (GCN).

Quản lý tài nguyên nhất là đất đai đã có sự chuyển biến rất rõ nét, vừa đóng góp nguồn lực tài chính cho ngân sách với khoảng 12% tổng thu ngân sách nội địa; vừa đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, BVMT sinh thái. Nhiều vấn đề dư luận, người dân quan tâm như lãng phí đất đai, cấp GCN đã có chuyển biến với 78 nghìn ha đất của các dự án chậm triển khai được đưa vào sử dụng, hơn 1,8 triệu giấy GCN được cấp mới.

Tư duy quản lý tài nguyên bước đầu thay đổi phù hợp với thể chế kinh tế thị trường với việc thực hiện kinh tế hoá trong quản lý tài nguyên nước thúc đẩy sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh an ninh nguồn nước đang là thách thức lớn.

Phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường đã có sự thay đổi từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, phòng ngừa không để phát sinh các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó mô hình kiểm soát Formosa (Hà Tĩnh), Công ty Lee&Man... đã mang lại những thành công, để vừa đóng góp cho tăng trưởng vừa đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường (BVMT).

Mô hình, hình mẫu mới về phát triển bền vững thích ứng với BĐKH đã được hình thành ở vùng ĐBSCL đặt nền móng cho các mô hình phát triển bền vững trong điều kiện ảnh hưởng của BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Xã hội hóa trong lĩnh vực KTTV đầu được triển khai góp phần hiện đại hóa, nâng cao chất lượng dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan trên diện rộng.

Vấn đề cuối cùng hết sức quan trọng, đó là trong năm 2017 đã hoàn thành việc sơ kết đánh giá một cách toàn diện các chủ trương, chính sách, pháp luật đối với 2 lĩnh vực hết sức quan trọng cho phát triển bền vững là đất đai, môi trường; tổng kết đánh giá chiến lược khoáng sản và biển đảo, qua đó xác định những bất cập, rào cản, những vấn đề cần tiếp tục đổi mới để sửa đổi 02 đạo luật quan trọng là Luật đất đai, Luật BVMT và ban hành chiến lược mới về khoáng sản và biển đảo. Đây là bước chuẩn bị nhằm tạo ra nền tảng và động lực mới cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Trong năm 2017, nhiều vụ xả thải trái phép liên tiếp được phát hiện khiến dư luận đặt ra câu hỏi lớn về vấn đề quản lý môi trường hiện nay. Vậy với tư cách là người đứng đầu bộ TN&MT, Bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp do tác động tích lũy trong thời gian dài, trong khi công tác huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường chưa được triển khai thực hiện hiệu quả; năng lực, công nghệ xử lý rác thải còn hạn chế; ô nhiễm nguồn nước, không khí diễn ra ở nhiều nơi; đa dạng sinh học bị suy giảm. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, chỉ tính riêng suy thoái và ô nhiễm môi trường, có thể làm Việt Nam thiệt hại 5% GDP mỗi năm.

Từ thực tế đó tôi cho rằng đây là lúc mà chúng ta cần có những thay đổi có tính cách mạng trong công tác BVMT, bắt đầu từ chủ trương, chính sách, pháp luật; đặt yêu cầu BVMT ngang bằng với phát triển kinh tế, xã hội là một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững; cần chuyển đổi mô hình kinh tế dựa nhiều vào tài nguyên sang mô hình tăng trưởng xanh, giảm phát thải các-bon, giảm ô nhiễm, thân thiện với môi trường với một lộ trình phù hợp; kiên quyết loại trừ quan điểm sản xuất trước, làm sạch sau. Đặc biệt, kiểm soát các cơ sơ có nguy cơ cao. Song song với đó, cũng sẽ đẩy mạnh các giải pháp về thanh tra, kiểm tra.

Vậy trong năm 2018, Bộ sẽ có những thay đổi như thế nào trong công tác quản lý để đảm bảo vấn đề BVMT ngay từ khi triển khai các dự án, thưa ông?

Trước hết, sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung Luật BVMT để tạo ra những cơ chế đột phá để quản lý, huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường; hoàn thiện các công cụ kinh tế để chuyển dần trọng tâm từ các biện pháp hành chính sang cơ chế thị trường trong quản lý, BVMT theo nguyên tắc người gây ô nhiễm, người được hưởng lợi từ môi trường phải trả tiền; chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm đối với các dự án ngay từ giai đoạn đầu tư, sản xuất; chuyển quản lý, BVMT cuối đường ống sang BVMT ở đầu đường ống; khuyến khích các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phát triển các ngành công nghiệp môi trường. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường.

Ban hành danh mục các loại hình sản xuất có nguy cơ ô nhiễm, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật để sàng lọc các loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Rà soát các dự án, cơ sở sản xuất có lượng nước thải lớn, khí thải lớn cần kiểm soát đặc biệt, để yêu cầu thực hiện đồng bộ các biện pháp BVMT, lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, cung cấp dữ liệu trực tuyến đến các cơ quan quản lý để giám sát. Trong lộ trình năm 2018-2019 sẽ cơ bản thực hiện giám sát, phòng ngừa các cơ sở có nguy cơ cao. Song song với đó, cũng sẽ đẩy mạnh các giải pháp về thanh tra, kiểm tra.

Năm 2018, Bộ TN&MT sẽ thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào thưa Bộ trưởng?

Năm 2018, tiếp tục là năm Bộ đặt trọng tâm vào đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật tập trung vào lĩnh vực đất đai, môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh để giải quyết các thách thức đặt ra, cũng như kiến tạo tạo động lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Đồng thời, toàn ngành sẽ phải quyết liệt trong triển khai để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc đang đặt ra; giải quyết khiếu nại, tố cáo ở từng cấp.

Giải quyết tình trạng lãng phí tài nguyên đất; đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là các dự án trọng điểm quốc gia; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Triển khai thực hiện công tác điều tra cơ bản về tài nguyên nước, khoáng sản, biển gắn với quy hoạch sử dụng hợp lý. Điều phối, giám sát, giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; hợp tác chặt chẽ với các nước trong chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới, trong quản lý tài nguyên môi trường biển. Ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác khoáng sản, cát sỏi trái phép.

Hiện đại hóa mạng lưới KTTV; phấn đấu tăng thời hạn dự báo bão lên 72 giờ, trước 3-5 ngày; cảnh báo sớm chi tiết đối các đợt mưa lũ lớn diện rộng, lũ vừa và lớn trên các sông chính trước từ 1-3 ngày. Thay đổi tư duy phát triển; tôn trọng các quy luật tự nhiên, lựa chọn các mô hình thích hợp gắn với liên kết vùng để chủ động thích ứng với BĐKH, chặn đà suy giảm tài nguyên. Triển khai hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Trong lĩnh vực môi trường ngoài việc triển khai các giải pháp đồng bộ các giải pháp như tôi đã nói ở trên.

Cuối vùng, sẽ tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, cách thức điều hành để đảm bảo kỷ cương; tăng cường phối hợp giữa Trung ương và địa phương để phát huy được sức sáng tạo nâng cao hiệu giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


Trang Thu (thực hiện)/Báo Tin tức