12:06 28/12/2014

Năm 2014, GDP cả nước ước tính tăng 5,98%

Năm 2014, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,98% so với năm 2013.

Công bố tại cuộc họp báo của Tổng cục Thống kê ngày 27/12 tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, cho biết: năm 2014, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,98% so với năm 2013; trong đó, quý I tăng 5,06%, quý II tăng 5,34%, quý III tăng 6,07%; quý IV tăng 6,96%.

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho rằng, mức tăng trưởng năm nay cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và mức tăng 5,42% của năm 2013 cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN


Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; các cân đối lớn được đảm bảo; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức an toàn; tăng trưởng đạt mức tăng khá… là những điểm nổi bật trong năm 2014.

Theo đó, sản xuất một số ngành có dấu hiệu phục hồi tốt. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm nay ước tính tăng 7,6% so với năm 2013, cao hơn nhiều mức tăng 5,9% của năm 2013.

Trong mức tăng chung, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,7%, cao hơn mức tăng 7,3% của năm 2013. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/12/2014 tăng 10% so với cùng thời điểm năm 2013, thấp hơn mức tăng 20,1% của năm 2012 và mức tăng 10,2% của năm 2013.

Bên cạnh đó, CPI tháng 12/2014 so với tháng 12/2013 tăng 1,84%. CPI bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với bình quân năm 2013, mức tăng khá thấp trong 10 năm trở lại đây, bình quân mỗi tháng tăng 0,15%.

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm nay có dấu hiệu khả quan so với năm 2013. Từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2014, đầu tư trực tiếp của nước ngoài thu hút 1.588 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15.642,6 triệu USD, tăng 24,5% về số dự án và tăng 9,6% về số vốn so với cùng kỳ năm 2013.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2014 ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm trước và cao hơn 2,9% so với kế hoạch năm 2014.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2014 ước tính đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2014 tăng 9,1%.

Trong tổng số 28 mặt hàng chủ yếu xuất khẩu có 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, có 15 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2014 ước tính đạt 148 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước.

Đối với hoạt động doanh nghiệp trong năm 2014, cả nước có 74.842 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 432.200 tỷ đồng, giảm 2,7% về số doanh nghiệp nhưng tăng 8,4% về số vốn đăng ký so với năm trước. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm đạt 5,8 tỷ đồng, tăng 11,5% so với năm 2013.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho hay, mặc dù vẫn chưa thực sự thoát khỏi bối cảnh khó khăn nhưng xét trên khía cạnh quy mô vốn, doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2014 đã tăng hơn so với năm 2013. Trong năm qua, cả nước có 15.419 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm ước tăng 10,6% so với năm 2013, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3%, cao hơn mức tăng 5,5% của năm 2013. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện năm 2014 theo giá hiện hành ước tính tăng 11,5% so với năm 2013 và bằng 31% GDP.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn như lạm phát tuy được kiểm soát ở mức thấp nhưng tình hình thế giới còn nhiều biến động khó lường, ảnh hưởng đến giá cả trong nước; sản xuất của khu vực doanh nghiệp đứng trước thách thức của cơ chế thị trường và sức ép hội nhập quốc tế trong điều kiện năng lực cạnh tranh yếu; nợ xấu chưa được giải quyết, nhất là nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước....

Để đạt được chỉ tiêu GDP tăng trưởng 6,2% trong năm 2015, một trong những giải pháp được ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê đưa ra tại cuộc họp là ngoài việc đáp ứng nhu cầu chung về tín dụng cho các đơn vị sản xuất kinh doanh và hộ dân cư.

Ngành ngân hàng cần nghiên cứu thực trạng và triển vọng phát triển của một số ngành để đưa ra chính sách lựa chọn khả năng mở rộng tín dụng (ưu tiên) để phát triển sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn các ngành để mở rộng tín dụng cần dựa vào các nguyên tắc như: lựa chọn ngành còn nhiều tiềm năng phát triển, có hàm lượng giá trị tăng thêm cao; ngành lựa chọn phải có độ nhậy, độ lan tỏa ảnh hưởng mạnh tác động nhiều đến các ngành khác; sử dụng điện năng thấp và ít ảnh hưởng tác động đến tăng nhập khẩu; bảo toàn vốn.

Ông Phạm Đình Thúy cũng cho biết: nhìn chung, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn đang trong tình trạng đóng cửa, giải thể. Nguyên nhân là do kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn, doanh nghiệp trong nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nền kinh tế thế giới giảm thì trong nước vẫn bị ảnh hưởng.

Do đó, các doanh nghiệp cần nâng cao năng suất lao động, áp dụng khoa học công nghệ tạo ra giá trị cao. Đặc biệt, trong thời gian tới phải tăng nhanh sức cạnh tranh ngay trên sân nhà để từ đó mới giữ được thị trường trong nước, giảm phá sản.

Còn Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho rằng, ngay từ đầu năm, cần có sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và đơn vị sản xuất kinh doanh và tín hiệu khả quan từ kinh tế thế giới, thị trường trong và ngoài nước, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2015 vẫn trong khả năng kiểm soát.


Thúy Hiền (TTXVN)