11:09 29/11/2012

Năm 2012 nóng kỷ lục trong lịch sử

Mặc dù đã dịu bớt do hiện tượng La Nina hồi đầu năm, nhưng 2012 vẫn được coi là một trong những năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại.

Mặc dù đã dịu bớt do hiện tượng La Nina hồi đầu năm, nhưng 2012 vẫn được coi là một trong những năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại.

Hai biểu hiện rõ nét nhất là tình trạng nắng nóng bất thường ở Mỹ và hiện tượng tan băng với tốc độ rất nhanh ở vùng Bắc Cực. Đây là chiều hướng báo động về tình trạng thời tiết sẽ tiếp tục có diễn biến bất thường tại nhiều quốc gia và châu lục.

Cánh đồng ngô khô héo do nắng nóng tại một trang trại ở Georgetown, bang Indiana (Mỹ) ngày 15/8. Ảnh: AFP/TTXVN


Báo cáo công bố ngày 28/11 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) tại Hội nghị quốc tế về khí hậu ở Doha, Qatar, cho biết sau một thời gian dịu bớt do hiện tượng La Nina, các đợt nắng nóng khủng khiếp đã liên tục xảy ra tại Mỹ và châu Âu. Từ tháng 1 tới tháng 10, nhiệt độ trung bình ở Mỹ đạt cao nhất trong lịch sử của châu lục này và cao thứ 9 trên toàn thế giới.

Theo báo cáo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA), tháng 7/2012 là tháng 7 nóng nhất được ghi nhận trong 117 năm qua tại 48 bang của Mỹ và cũng là tháng nóng nhất trong 1.400 tháng nóng ở Mỹ kể từ năm 1895.

Trong tháng 7, nhiệt độ trung bình tại 48 bang của Mỹ cao hơn gần 2 độ C so với nhiệt độ trung bình trong các tháng 7 của thế kỷ 20. Nhiệt độ ấm hơn mức trung bình khiến các bang miền Trung Tây và bờ Đông nước Mỹ bị hạn hán nghiêm trọng.

Tổng Giám đốc WMO, ông Michael Jarraud, cảnh báo sự thay đổi khí hậu đang diễn ra hàng ngày trước mắt nhân loại và sẽ tiếp tục chừng nào cộng đồng thế giới cùng nhau cắt giảm lượng khí thải độc hại vào khí quyển.

Nhiệt độ của Trái Đất nóng dần lên là nguyên nhân chính làm tan chảy các núi băng ở vùng Bắc Cực, làm dâng mực nước biển, làm tăng các trận bão và mưa giông, gây lũ lụt và hạn hán tại nhiều châu lục.

Các trận bão lớn như trận bão Sanba tàn phá Philippines, Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên hoặc siêu bão Sandy tàn phá nhiều bang bờ Đông nước Mỹ là hậu quả của nhiệt độ nóng dần lên tại vùng biển Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

Khí hậu thay đổi cũng đã dẫn tới tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại Mỹ, Nga, một phần của Trung Quốc, miền Bắc Brazil và tình trạng lũ lụt tại Nigeria và các tỉnh miền Nam Trung Quốc.

Trung tâm dữ liệu về tuyết và băng ở bang Colorado của Mỹ hồi tháng 9 công bố báo cáo cho biết diện tích băng phủ ở vùng biển Bắc Cực hiện đã giảm 18% so với mức thấp kỷ lục năm 2007, chỉ còn khoảng 3,41 triệu km2. Các chuyên gia cảnh báo, cứ đà này, đến năm 2050 vùng Bắc Cực băng giá xưa nay về cơ bản sẽ không còn băng.

Trước đó, kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí "Nghiên cứu môi trường" hồi cuối năm 2011 cho thấy tình trạng tan băng ở vùng Bắc Cực đã và đang làm cho mực nước các đại dương dâng cao trung bình là 3,2 mm/năm.

Các chuyên gia môi trường cảnh báo nếu mực nước biển cứ tiếp tục dâng cao như hiện nay, hàng loạt quốc gia sẽ đối mặt với nguy cơ bị mất trắng những vùng đất thấp hơn mực nước biển vốn là nơi sinh sống của hàng trăm triệu người.


TTXVN/Tin tức