12:09 25/12/2010

Năm 2011:Trung Quốc dự kiến hạ thủy tàu sân bay đầu tiên

Trung Quốc dự kiến sẽ hạ thủy tàu sân bay đầu tiên vào năm 2011, sớm hơn 1 năm so với đánh giá của các nhà phân tích quân sự Mỹ. Với động thái này, Trung Quốc sẽ là nước châu Á thứ 3 sở hữu tàu sân bay, sau Ấn Độ và Thái Lan.

Trung Quốc dự kiến sẽ hạ thủy tàu sân bay đầu tiên vào năm 2011, sớm hơn 1 năm so với đánh giá của các nhà phân tích quân sự Mỹ. Với động thái này, Trung Quốc sẽ là nước châu Á thứ 3 sở hữu tàu sân bay, sau Ấn Độ và Thái Lan.

Hãng tin AP dẫn lời một quan chức giấu tên trong giới lãnh đạo Trung Quốc cho hay, tàu sân bay này sẽ được hạ thủy vào khoảng thời gian gần ngày 1/7/2011 để chào mừng ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Văn phòng Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã từ chối đưa ra bất cứ bình luận nào về vấn đề này.

Mô hình tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: Internet


Tổng chi phí cho đội tàu sân bay ước tính khoảng 10 tỉ USD, giải ngân trong vòng 10 năm và Trung Quốc dự tính thành lập 2 đội tàu như vậy. Trong đó, chi phí đóng 1 tàu sân bay cỡ vừa, nặng 60.000 tấn, sử dụng nhiên liệu thông thường, tương tự như tàu Kuznetsov của Nga ước tính vượt qua con số 2 tỉ USD.


Đồng thời, một đội tàu sân bay sẽ cần thêm máy bay và tàu hộ tống, gồm các máy bay chiến đấu; hệ thống cảnh báo sớm đường không; máy bay trực thăng chống tàu ngầm, tìm kiếm và cứu nạn; hệ thống phòng thủ tên lửa điều khiển; các tàu khu trục và tàu tiếp tế. Trung Quốc đã dự kiến mua của Nga 1 loạt máy bay Su-33 hoạt động trên tàu và đang tiếp tục phát triển thế hệ máy bay chiến đấu J-10 của mình.

Trong một diễn biến khác, Trung Quốc có kế hoạch hạ thủy tàu sân bay Varyag của Liên Xô cũ nhằm mục đích huấn luyện và thử nghiệm công nghệ. Các nhà phân tích cho rằng đây là một bước tiến trong hoạt động đóng và vận hành tàu sân bay.


Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ cho rằng tàu Varyag sẽ được hạ thủy vào năm 2012 và Trung Quốc sẽ đưa một tàu sân bay tự đóng hoàn toàn vào vận hành năm 2015.

Tàu Varyag dài 300 m hiện đang được sửa chữa tại cảng thành phố Đại Liên, đông bắc Trung Quốc, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Nga và Ucraina. Năm 1998, Công ty Agencia Turistica e Diversoes Chong Lot Limitada của nước này đã mua tàu Varyag không có động cơ từ Ucraina với giá 20 triệu USD, dự định sửa chữa và biến nó thành một sòng bạc nổi ở Ma Cao.


Sau đó, quân đội Trung Quốc đã mua lại con tàu. Một nguồn tin quân sự Trung Quốc nói rằng tàu Varyag sẽ giúp quân đội nước này làm quen với chiến thuật có sự tham gia của tàu sân bay.

Quang Minh (Tổng hợp)