12:11 07/12/2010

Năm 2011:Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ tăng 6,5%

Tại Hội nghị kế hoạch tài chính ngân sách năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) chính quy năm 2011 của các trường công lập tăng 6,5% so với năm ngoái…

Tại Hội nghị kế hoạch tài chính ngân sách năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) chính quy năm 2011 của các trường công lập tăng 6,5% so với năm ngoái…

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD - ĐT cho biết, năm 2011, việc tuyển mới ĐH, CĐ chính quy sẽ tăng 6,5% và tuyển mới TCCN tăng 10% so với năm 2010.

Thí sinh dự thi tại Hội đồng thi Học viện Ngoại giao (Hà Nội) kỳ thi 2010. Ảnh: Trần Thanh Giang – TTXVN


Các trường sẽ chủ động xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở thực hiện tuyển sinh năm 2010, năng lực đội ngũ giảng viên, diện tích sàn xây dựng và báo cáo thực hiện 3 công khai. Bộ sẽ ưu tiên dành chỉ tiêu tăng thêm cho các trường có bổ sung đội ngũ giảng viên, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng diện tích phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện.


Chỉ tiêu tăng thêm cũng dành đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm, đào tạo bác sĩ, dược sĩ cho các địa phương, đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và giáo viên những bộ môn còn thiếu cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc, đào tạo cán bộ nông - lâm - ngư theo hợp đồng của địa phương, doanh nghiệp.

Báo cáo về ngân sách của Bộ GD- ĐT chỉ rõ, trong tổng số 132.000 chỉ tiêu ĐH chính quy, dự kiến sẽ dành 13.200 chỉ tiêu (chiếm 10%) đào tạo theo địa chỉ và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.


Các trường ĐH lớn tiếp tục giữ ổn định quy mô đào tạo ĐH chính quy, chỉ tăng chỉ tiêu đào tạo sau ĐH, còn chỉ tiêu vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai được xác định theo tỷ lệ chung bằng 60% so với chỉ tiêu chính quy. Ở một số ngành nghề, một số trường tự chủ tài chính, chỉ tiêu có thể được tăng hơn.

Cụ thể, Bộ GD - ĐT sẽ giao 19.000 chỉ tiêu trung cấp chuyên nghiệp và chú trọng vào các ngành đào tạo sư phạm mẫu giáo, đào tạo trung cấp điều dưỡng, trung cấp dược, trung cấp luật và trung cấp nông lâm nghiệp. Có 4.150 chỉ tiêu (tăng 10% so với năm 2010) dự bị ĐH,CĐ được phân bổ cho 5 trường dự bị trung ương và 3 khoa dự bị ở 3 trường ĐH Tây Bắc, ĐH Tây Nguyên và ĐH Cần Thơ.


Đối với đào tạo sau ĐH, Bộ GD - ĐT đẩy mạnh đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên ở các trường ĐH, CĐ. Dự kiến chỉ tiêu tuyển mới ở trình độ tiến sĩ là 1.050 chỉ tiêu, ở trình độ thạc sĩ là 22.000 chỉ tiêu. Con số này tăng 20% so với năm 2010. Đào tạo từ xa có 74.000 chỉ tiêu, tăng khoảng 10% so với năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Ngữ cho biết thêm, năm 2011 là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Tổng dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2011 của Bộ GD - ĐT sẽ tăng 2,9% so với năm 2010. Chi thường xuyên sẽ tăng 11,9% so với năm 2010.

Các trường vẫn chật vật

Một số trường ĐH cho rằng việc chi ngân sách cho các trường trong năm 2011 có tăng so với năm 2010 nhưng mức tăng này không đáng kể so với tình hình kinh tế hiện nay. Ông Lê Mạnh Thạnh, Phó Giám đốc ĐH Huế cho rằng, với tình hình vật giá leo thang cộng với lạm phát thì mức tăng này là không đáng kể.

Lãnh đạo một số trường ĐH vùng kiến nghị đặc thù của ĐH vùng không có kinh phí riêng nên các trường ĐH thành viên cũng có nhiều khó khăn. Giám đốc ĐH Đà Nẵng Trần Văn Nam cho rằng, về trách nhiệm quyền hạn của các trường ĐH thành viên thuộc ĐH cấp 2 cũng tương tự như những trường ĐH trực thuộc Bộ nhưng kinh phí cấp vẫn chưa được ưu tiên. Vì thế, suất đầu tư cho các trường thành viên thuộc ĐH cấp 2 bao giờ cũng bị thiệt thòi hơn.

Ông Nguyễn Văn Ngữ phân tích, ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên của các trường phổ thông dân tộc, dự bị ĐH dân tộc. Các trường ĐH, CĐ khối sư phạm, văn hóa-thể thao, nông lâm ngư, khối công nghệ-kỹ thuật, ngân sách Nhà nước chỉ đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên.


Còn các trường ĐH khối kinh tế- tài chính tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên, ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần các hoạt động không thường xuyên… Vì vậy, nếu chỉ dựa vào "miếng bánh ngân sách" thì không bao giờ đủ được.

Bày tỏ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, trong 10 năm liên tục, chỉ tiêu ĐH tăng lên khoảng 12%. Đây là tốc độ tăng trưởng "ngoạn mục" còn vượt cả tăng trưởng kinh tế, xã hội. Tuy nhiên đây đó vẫn còn có hiện tượng chạy đua theo số lượng mà chưa đảm bảo chất lượng.


Mặc dù ngân sách cho năm 2011 tăng không nhiều, nhưng vấn đề quan trọng nhất là phải giải quyết được khâu nhận thức chứ không phải vấn đề nguồn lực. Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị rà soát lại quy chế chi tiêu nội bộ, bộ máy làm kế hoạch cần ổn định và lưu ý vấn đề quyết toán.

Bộ trưởng cũng cho biết, giữa tháng 1/2011, Bộ GD - DT sẽ ban hành trở lại điều kiện mở ngành ĐH, CĐ.

Lê Vân