06:09 19/06/2013

Năm 1940, chút nữa Anh và Pháp đã tấn công Liên Xô

Ngày 22/6/1941, phát xít Đức bất ngờ tấn công Liên Xô. Cũng từ ngày hôm đó, Liên Xô bắt đầu cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Nhưng rất ít người biết rằng gần một năm trước, một cuộc tấn công khác nhằm vào Liên Xô cũng chút nữa xảy ra...

Ngày 22/6/1941, phát xít Đức bất ngờ tấn công Liên Xô. Cũng từ ngày hôm đó, Liên Xô bắt đầu cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Nhưng rất ít người biết rằng gần một năm trước, một cuộc tấn công khác nhằm vào Liên Xô cũng chút nữa xảy ra, nhưng kẻ chủ mưu không phải là tên trùm sò phát xít Rudolf Hitler, mà lại là người Anh và người Pháp. Những tài liệu giải mật gần đây đã cho thấy điều này.

 

Mượn cớ giúp Phần Lan chống lại Liên Xô, Anh và Pháp lên kế hoạch điều động binh mã khống chế tài nguyên của khu vực Bắc Âu

 

Ngày 30/11/1939, nhằm chiếm giữ eo đất Karelian, một vùng đất chiến lược rộng chừng 15.000 m2, nằm giữa vịnh Phần Lan và hồ Ladoga ở tây bắc Liên Xô, Mátxcơva đã đưa quân vượt qua biên giới tiếp giáp Phần Lan. Chiến tranh mùa Đông chính thức bùng nổ. Đồng thời với việc lập tức lên tiếng phản đối quyết liệt hành động trên của Liên Xô, Anh và Pháp, hai nước đang trong tình trạng giao chiến với Đức, tích cực bắt tay vào việc xây dựng một kế hoạch quân sự chống lại Mátxcơva. Tuy nhiên, ý đồ thực sự của Luân Đôn và Pari không phải là để giúp đỡ Henxinki. Chiến tranh mùa Đông chỉ là cái cớ để Anh và Pháp can thiệp vào khu vực Bắc Âu, nhằm không chế nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú ở đây, cắt đứt một nguồn cung cấp tài nguyên chiến tranh quan trọng của phát xít Đức.

 

Thủ tướng Pháp Édouard Daladier

Với mục đích đó, người Anh đã lên kế hoạch đưa quân viễn chinh thâm nhập miền bắc Na Uy. Bởi một khi nắm trong tay các cảng biển vùng duyên hải Na Uy, họ có thể ngăn chặn đường vận chuyển những loại quặng chiến lược như sắt, niken… của quân phát xít Đức từ Thụy Điển về bản địa. Bộ trưởng Hải quân Anh khi đó là W. Churchill đã chỉ rõ: “Nếu quân đồng minh chiếm được thành phố Narvik ở miền bắc Na Uy, không những dễ dàng chặn được những chuyến tàu chở đầy quặng của Đức, mà quân đội đồng minh còn có thể ngăn chặn được quân Đức thâm nhập vùng biển Na Uy”. Đồng thời, các nước đồng minh còn quyết định trực tiếp tấn công vào miền nam Liên Xô, lên kế hoạch oanh tạc khu vực sản xuất dầu của Liên Xô ở Baku, ngăn chặn việc chuyển dầu từ Liên Xô qua Đức. Ngoài ra, Anh và Pháp còn dự định khống chế khu vực Biển Đen, chiếm các giếng dầu của Rumani.

 

Lên kế hoạch tấn công Liên Xô theo 3 hướng, trọng tâm oanh tạc nhằm vào những nhà máy sản xuất dầu của Liên Xô

 

Ngày 31/12/1939, tướng C. Butler của Anh tới Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành vận động hành lang, yêu cầu Ancara cho phép Anh sử dụng các sân bay và bến cảng của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền đông để phát động chiến tranh xâm lược Liên Xô. Ngày 15/1/1940, Pháp thông báo với Anh rằng Thủ tướng nước này, ông E. Daladier, đề nghị đưa tầu chiến tới Biển Đen phong tỏa tuyến giao thông trên Biển Đen của Liên Xô và pháo kích thành phố cảng Matumi của Liên Xô bên bờ Biển Đen, ném bom các giếng dầu của Liên Xô ở Baku.

 

Ngày 24/1, Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh, tướng Allen, trình lên chính phủ bị vong lục “Tổng chiến lược chiến tranh”, trong đó nêu rõ: “Theo ý kiến của tôi, chúng ta phải gây ra sự uy hiếp nghiêm trọng đối với nền kinh tế Liên Xô thì mới có thể trợ giúp một cách hữu hiệu đối với Phần Lan. Muốn vậy, chúng ta phải tấn công Liên Xô từ các hướng, đặc biệt là phải nhằm vào khu vực sản xuất dầu của Baku”. Để ném bom Baku, Anh đã điều sang Trung Đông một số đại đội máy bay ném bom tiên tiến nhất. Lúc này, Tư lệnh không quân Pháp đồn trú ở Xyri, tướng A. Junot cũng đã nhận được lệnh tấn công đường không đối với Baku.

 

Ngày 8/3/1940, Hội đồng tham mưu trưởng quân đội Anh đã trình Chính phủ “Báo cáo hậu quả của hành động quân sự chống lại Liên Xô năm 1940”. Báo cáo xem xét việc tấn công Liên Xô trên 3 hướng chính: 1/ khu vực Murmansk; 2/ khu vực Viễn Đông; 3/ khu vực Caucasus (quan trọng nhất). Báo cáo nhấn mạnh: “Mục tiêu yếu và dễ vỡ nhất ở Caucasus là những nhà máy sản xuất dầu ở Baku, Grozny và Batumi. Các quan chức cao cấp của Anh còn huy động cả hải quân tham gia vào kế hoạch tác chiến này vì sử dụng tàu sân bay đột kích ở Biển Đen có thể giúp đẩy nhanh tốc độ tan vỡ của hệ thống phòng thủ của Liên Xô.

 

Đồng thời với việc vạch kế hoạch tiến công Liên Xô, người Anh còn tăng cường các hoạt động trinh sát đối với Mátxcơva. Bắt đầu từ tháng 3/1940, máy bay do thám của Anh ở các căn cứ quân sự trên đất Irắc được lệnh bay sâu vào vùng trời Liên Xô làm nhiệm vụ trinh sát đường không và họ đã nhanh chóng có được những thông tin tường tận về các mục tiêu chiến lược ở Baku, Grozny và Batumi. Bộ chỉ huy quân đồng minh đã ấn định ngày 15/5/1940 sẽ mở màn chiến dịch tiến công Liên Xô (oanh tạc Baku). Bóng mây chiến tranh bao phủ bầu trời Liên Xô.

 

Liên Xô sẵn sàng ra đòn trả đũa

 

Trong khi Anh và Pháp tích cực chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh chống lại Liên Xô, tình hình có sự thay đổi. Đầu tiên là việc ngày 12/3/1940, Liên Xô và Phần Lan kí kết hiệp ước hòa bình. Chiến tranh mùa Đông chính thức kết thúc. Anh và Pháp mất đi cái cớ tốt nhất để biện minh cho hành động gây chiến của mình đối với Liên Xô. Bên cạnh đó, tình báo Liên Xô cũng đã sớm báo cáo lên Joseph Stalin, kế hoạch tấn công Liên Xô của quân đồng minh. Ngay lập tức, nhà lãnh đạo tối cao của Liên Xô hạ quyết tâm “khoản đãi thịnh tình” những tên giặc lái quân đồng minh trên bầu trời Baku. Bộ chỉ huy quân đội Liên Xô nhanh chóng điều chỉnh sự bố trí chiến lược, đưa tới Baku 1/3 số hỏa lực phòng không mà Liên Xô có lúc bấy giờ và hàng trăm máy bay tiêm kích. Không chỉ phòng ngự, Mátxcơva còn tích cực chuẩn bị cho đòn trả đũa chủ động, mục tiêu là các căn cứ quân sự của Anh ở Trung Đông và Bắc Phi. Lực lượng thực hiện là 6 sư đoàn máy bay ném bom tầm xa với 350 chiếc.

 

Theo kế hoạch này, 6 sư đoàn máy bay ném bom tầm xa chia làm hai hướng. Hướng thứ nhất cất cánh từ bán đảo Crưm, tấn công các căn cứ quân sự của Anh ở đảo Síp, Pakixtan và các mục tiêu quân sự của Pháp ở Xyri. Hướng thứ 2 xuất kích từ Ácmênia đóng vai trò quyết định, được giao nhiệm vụ không kích hạm đội Địa Trung Hải của Anh ở Ai Cập và phá hoại kênh đào Suez, ngăn chặn triệt để việc vận chuyển của Anh.

 

Càng đến ngày 15/5/1940, quân đội Liên Xô càng cảnh giác và sẵn sàng cho việc lâm trận. Máy bay Liên Xô cũng được lệnh một khi phát hiện máy bay địch xâm phạm bầu trời lập tức xuất kích nghênh chiến. Tuy nhiên, tên trùm phát xít Hitler đã làm đảo lộn kế hoạch của cả Liên Xô lẫn Anh và Pháp. Ngày 10/5, quân Đức ở mặt trận phía tây đã phát động tiến công nhằm vào liên quân Anh – Pháp. Trước đòn tấn công mãnh liệt của quân Đức, Anh và Pháp đành phải gác lại kế hoạch tấn công Liên Xô để đối phó với mối lo trước mắt. Nhân loại đã tránh được một cuộc chiến tranh mà theo dự đoán nếu xảy ra sẽ khiến cả cả Liên Xô lẫn Anh và Pháp trả giá đắt.

 


Minh Thành(Theo Thời báo Hoàn Cầu)