08:22 12/08/2020

Na Uy tái áp đặt các biện pháp cách ly do số ca nhiễm tiếp tục tăng

Chính phủ Na Uy ngày 12/8 cho biết sẽ tái áp đặt các biện pháp cách ly đối với du khách nước ngoài, đồng thời nhắc lại khuyến cáo người dân nên tránh ra nước ngoài trong bối cảnh tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Chú thích ảnh
Nhân viên Chữ thập Đỏ làm việc tại một bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Oslo, Na Uy, ngày 26/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Erna Solberg cho biết: "Chúng tôi phải (tái áp đặt cách ly) để mọi người có thể sớm được sống cuộc sống của mình một cách tự do nhất". 

Viện Y tế công cộng Na Uy cho biết nước này đã ghi nhận 357 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong tuần trước, mức cao nhất kể từ tháng 4, tuy nhiên vẫn thấp hơn con số 1.733 ca ghi nhận trong một tuần hồi cuối tháng 3.

Tuần trước, Na Uy đã thực thi một kế hoạch tiếp tục mở cửa trở lại và kêu gọi công dân của mình tránh ra nước ngoài do lo ngại tốc độ lây lan nhanh của virus. Dù không phải là thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhưng Na Uy thuộc khối miễn thị thực Schengen. Thời điểm đầu đại dịch, nước này nằm trong số các nước áp dụng các hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhất châu Âu, song đã dỡ bỏ từ tháng 6. Giờ đây, nước này tái áp đặt quy định cách ly áp dụng trong 10 ngày từ ngày 15/8 tới, đối với tất cả khách nhập cảnh từ Ba Lan, Malta, Iceland, Cyprus và Hà Lan, cũng như Quần đảo Faroe và một số vùng của Đan Mạch và Thụy Điển. Na Uy cũng đã tái áp đặt các hạn chế đối với Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Sĩ và một số nước khác, và thực thi kế hoạch cho phép nhập cảnh đối với một số nước ngoài EU từng cấm hồi tháng 3.

Cùng ngày, Armenia đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 11/9 dù số ca nhiễm mới trong một ngày đã có xu hướng giảm. Phát biểu tại cuộc họp chính phủ, Thủ tướng Nikol Pashinyan cho biết Armenia có thể vượt qua cuôc khủng hoảng COVID-19 và người dân cần tiếp tục đeo khẩu trang, vốn đã trở thành quy định bắt buộc từ tháng 5.

Bất chấp tình trạng khẩn cấp, hầu hết các lĩnh vực kinh tế của nước này đang hoạt động sau khi doanh nghiệp được mở cửa trở lại từ đầu tháng 5 để tránh rơi vào phá sản. Trường học cũng sẽ được mở cửa từ ngày 15/9. Việc mở lại trường đại học sẽ được quyết định sau. Biên giới của nước này vẫn đóng cửa và các chuyến bay quốc tế vẫn chưa được nối lại. Tuy nhiên, tuần trước, Phó Thủ tướng Tigran Avinyan cho biết chính phủ có kế hoạch tăng số chuyến bay thuê bao tới và đi từ Armenia. Lệnh cấm du khách nước ngoài nhập cảnh cũng đã được dỡ bỏ, nhưng khách nước ngoài sẽ phải cách ly 14 ngày khi nhập cảnh. Các cuộc tụ tập, đình công và tiệc gia đình không quá 40 người tham gia sẽ được phép tổ chức nếu đảm bảo giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

Armenia là nước bị tác động mạnh nhất của dịch trong vùng Nam Caucacus. Nước này đã ghi nhận 40.794 ca nhiễm, trong đó 806 ca tử vong. Số ca nhiễm hằng ngày đã giảm xuống còn 200 sau khi luôn ở mức 400-500 ca/ngày trong tháng 7.

Trong một diễn biến khác, ngày 12/8, Thụy Điển đã rút lại khuyến cáo công dân không thực hiện các chuyến đi không cần thiết tới Áo và Liechtenstein, song vẫn duy trì cảnh báo đi lại với Anh và một số nước châu Âu.

Trước đó, Thụy Điển đã rút lại khuyến cáo tương tự với một số nước láng giềng như Đan Mạch, Na Uy và một số điểm đến khác ở châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha. Tuy nhiên, các hạn chế vẫn được áp đặt với Anh, Ireland, Latvia, Phần Lan và một số nước khác ít nhất đến ngày 26/8. Đối với các nước khác, Chính phủ Thụy Điển tiếp tục khuyến cáo không nên đến, song sẽ xem lại quyết định này vào cuối tháng.

Cùng ngày, Bộ Nội vụ Jordan cho biết sẽ đóng cửa biên giới trên bộ với Syria trong một tuần sau khi số ca nhiễm tại nước này gia tăng. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 13/8.     

Bích Liên (TTXVN)