07:14 09/07/2014

Mỹ-Nhật trao đổi về chính sách an ninh mới

Những sửa đổi mới nhất trong chính sách an ninh thời hậu chiến của Nhật Bản liên quan việc thực thi quyền phòng vệ tập thể sẽ là trọng tâm cuộc hội đàm ngày 11/7 tới giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera.

Những sửa đổi mới nhất trong chính sách an ninh thời hậu chiến của Nhật Bản liên quan việc thực thi quyền phòng vệ tập thể sẽ là trọng tâm cuộc hội đàm ngày 11/7 tới giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera. 

Theo hãng tin Kyodo, phát biểu trước báo giới ngày 8/7, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết tại cuộc hội đàm dự kiến diễn ra tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, hai bộ trưởng sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng đối với liên minh Mỹ - Nhật, trong đó có điều chỉnh mới đây của Nhật Bản về việc thực thi phòng vệ tập thể bằng cách diễn giải lại bản Hiến pháp hòa bình.

Theo quan chức trên, hai bên cũng sẽ trao đổi về các đường lối chỉ đạo hợp tác quốc phòng song phương, trong đó nêu chi tiết vai trò của quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ theo Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera. Ảnh: AP


Ngoài ra, quan chức quốc phòng hai nước cũng sẽ thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác với Hàn Quốc và Australia, cũng như các thách thức an ninh chung như mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Tuần trước, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã quyết định thay đổi cách hiểu đối với bản Hiến pháp hoà bình liên quan đến việc thực thi quyền phòng vệ tập thể, theo đó Nhật Bản sẽ được phép thực thi quyền phòng vệ tập thể, nếu “sự tồn vong của quốc gia bị đe dọa và xuất hiện những nguy cơ rõ ràng đối với quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân”.

Thay đổi này cũng chấm dứt việc cấm Nhật Bản hỗ trợ một quốc gia hữu hảo trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công. Ngoài ra, nó cũng nới lỏng những hạn chế về hoạt động của Lực lượng Phòng vệ (SDF) trong chiến dịch gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc đứng đầu và các “kịch bản vùng xám” - những tình huống bất trắc nhưng chưa đến mức bùng phát thành chiến tranh.

Chính quyền Mỹ đã hoan nghênh quyết định mang tính lịch sử này của Nhật Bản. Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes đánh giá đây là một bước tiến lớn trong quan hệ liên minh giữa Washington và Tokyo, tạo điều kiện thuận lợi để Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn, với tư cách là một đối tác an ninh của Mỹ, cũng như một quốc gia có tiếng nói quan trọng trong trật tự thế giới hiện nay. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel coi đây là một bước đi nhằm nâng cao vị thế của Tokyo trong đảm bảo hòa bình, an ninh tại khu vực cũng như trên toàn cầu.


TTXVN/Tin tức