11:11 29/11/2010

Mỹ-Hàn bắt đầu tập trận chung: Đổ thêm dầu vào lửa?

Vậy là bất chấp những lời phản đối cũng như đe dọa cứng rắn của CHDCND Triều Tiên, cuộc tập trận chung trên biển Hoàng Hải giữa Hàn Quốc và Mỹ ngày 28/11 vẫn cứ diễn ra theo kế hoạch.


Vậy là bất chấp những lời phản đối cũng như đe dọa cứng rắn của CHDCND Triều Tiên, cuộc tập trận chung trên biển Hoàng Hải giữa Hàn Quốc và Mỹ ngày 28/11 vẫn cứ diễn ra theo kế hoạch. Trong tình hình đó, thế giới đang hồi hộp chờ đợi những diễn biến tiếp theo, đặc biệt là phản ứng của Triều Tiên.

Binh sỹ Hàn Quốc chuẩn bị cho cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ tại bãi biển thuộc thị trấn duyên hải Taean sáng 28/11.

Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc dẫn nguồn tin Văn phòng Tổng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, cuộc tập trận đã bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng (giờ địa phương) tại bờ biển phía tây thị trấn duyên hải Taean, với sự tham gia của tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Mỹ USS George Washington mang theo hơn 6.000 thủy thủ và 75 máy bay chiến đấu. Ngoài ra, phía Mỹ còn có các tàu chiến USS Cowpens, USS Shiloh, USS Stethem và USS Fitzgerald tham gia tập trận. Phía Hàn Quốc cũng đưa hai tàu khu trục, một tàu tuần tiễu hải quân, máy bay chiến đấu chống tàu ngầm đến khu vực tập trận.

Một quan chức thuộc JCS cho biết, cường độ của cuộc tập trận lần này mạnh hơn so với kế hoạch đã định. Các binh sĩ sẽ thực hiện diễn tập bắn đạn thật và ném bom. Theo thông báo của Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), cuộc tập trận nhằm "thể hiện sức mạnh" liên minh Mỹ-Hàn và nhằm nâng cao khả năng phối hợp hoạt động quân sự giữa hai quốc gia.

Chỉ vài giờ sau khi Mỹ-Hàn tiến hành tập trận, người ta đã nghe thấy tiếng đạn pháo từ phía Triều Tiên. Đây là lần thứ hai Triều Tiên bắn đạn pháo trong 3 ngày qua. Tiếng pháo từ xa khiến các cư dân còn lại và khoảng 190 phóng viên đang có mặt tại đảo Yeonpyeong vội vã tìm nơi trú ẩn. Dù không có quả đạn pháo nào rớt xuống đảo nhưng các quan chức quân đội Hàn Quốc cảnh báo các phóng viên nên rời đảo. Quân đội nước này cũng thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho số cư dân còn ở lại đảo, nhân viên cứu nạn và quan chức địa phương.

Không lâu sau đó, Ủy ban Hòa bình Quốc gia Triều Tiên đã có những phản ứng đầu tiên khi đưa ra lời cảnh báo rằng cuộc tập trận đã đẩy bán đảo Triều Tiên vào "tình trạng chiến tranh nghiêm trọng". Thông báo do hãng tin KCNA phát đi cho rằng, cuộc tập trận là "hành động khiêu khích quân sự rất nguy hiểm" và là "một thách thức" đối với những người yêu chuộng hòa bình. Triều Tiên cũng tố cáo tập trận là một "chính sách hiếu chiến" của Mỹ và đồng minh Hàn Quốc. Triều Tiên đã chuẩn bị mọi thứ để đối phó với những hành động khiêu khích này. Trước đó, ngày 27/11, KCNA cũng phát đi một thông báo tương tự, trong đó cảnh cáo rằng nếu "Mỹ vẫn mang tàu sân bay tới khu vực biển phía tây bán đảo Triều Tiên, không ai có thể lường trước được hậu quả sau đó". Trong một bài bình luận, tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên khẳng định, nước này sẽ giáng trả hành động xâm nhập lãnh hải bằng một cuộc tấn công quân sự quyết liệt. Hành động đáp trả của quân đội Triều Tiên là một hành động hợp pháp thể hiện quyền bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Trước tình hình căng thẳng giữa hai miền, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ngày 28/11 đã có cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc tại Xơun. Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc cho biết, Tổng thống Lee và ông Đới Bỉnh Quốc đã thảo luận các biện pháp sau vụ giao tranh đạn pháo hôm 23/11, cũng như những bước đi giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên.

Ông Đới Bỉnh Quốc đã bất ngờ tới Xơun ngày 27/11 cùng Trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Trung Quốc Vũ Đại Vĩ. Trong một cuộc họp báo, ông Vũ Đại Vĩ kêu gọi họp khẩn cấp 6 bên (gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga) về vấn đề đang diễn ra giữa hai miền Triều Tiên. Theo ông Vũ Đại Vĩ, cuộc họp này không có nghĩa là nối lại đàm phán 6 bên nhưng ông hi vọng nó sẽ tạo điều kiện nối lại đàm phán.

Đây là một trong những nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, đáp lại lời kêu gọi của Trung Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trả lời ngay rằng đây không phải là lúc bàn về nối lại đàm phán.

Trước đó, Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại và phản đối Mỹ-Hàn tiến hành tập trận chung. Trong một tuyên bố trước khi diễn ra cuộc tập trận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: "Chúng tôi phản đối bất kỳ hành động nào làm phương hại tới hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên".

Khánh Vân (P/v TTXVN tại Hàn Quốc) - Thùy Dương