02:08 25/02/2021

Mỹ và đồng minh lên kế hoạch xây chuỗi cung công nghệ không có Trung Quốc

Theo bài điều tra độc quyền của tờ Nikkei Review (Nhật) ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp sửa ký ban hành sắc lệnh mới để thúc đẩy ngành sản xuất chip, pin cho xe điện và đất hiếm.

Chú thích ảnh
Ý tưởng lập chuỗi cung công nghệ mới càng trở nên cấp bách khi thế giới vừa phải đối mặt với khủng hoảng nguồn cung về chip. Ảnh: Reuters

Sắc lệnh có thể được ký ngay trong tháng 2 này, hướng đến mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng về chip và các sản phẩm thiết yếu chiến lược, theo hướng giảm dần phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc, thay vào đó là hợp tác với các đối tác như Đài Loan/Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Văn bản cũng đặt ra yêu cầu về xây dựng chiến lược gắn với chuỗi cung quốc gia cho Mỹ, kêu gọi tìm kiếm các giải pháp để thiết lập mạng lưới cung ứng ít bị tổn thương và đứt gãy hơn khi xuất hiện thảm họa thiên nhiên hay đòn trừng phạt chính sách từ các quốc gia không thân thiện với Mỹ. Chuỗi cung ứng sẽ tập trung vào chất bán dẫn, pin xe điện, kim loại đất hiếm và các thiết bị y tế. 

Dự thảo sắc lệnh hành pháp Nikkei Review tiếp cận được khẳng định, hợp tác với các nước đồng minh của Mỹ sẽ giúp xây dựng chuỗi cung ứng bền chắc và linh hoạt. Washington sẽ hợp tác với Đài Loan/Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip và hợp tác với các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Australia, để khai thác đất hiếm.

Chính quyền Mỹ có kế hoạch chia sẻ thông tin với đồng minh tham gia chuỗi cung ứng những sản phẩm quan trọng và sẽ tìm cách sản xuất bổ sung. Washington cũng sẽ xem xét tạo dựng khung pháp lý về đẩy nhanh chia sẻ, cung cấp hỗ trợ những mặt hàng này khi xuất hiện tình thế khẩn cấp, bảo đảm nguồn kho dự trữ, công suất chế tạo dự phòng. Các đối tác của Mỹ tham gia chuỗi cung cũng sẽ được yêu cầu giảm hợp tác, làm ăn kinh doanh với Trung Quốc. 

Sắc lệnh hành pháp được ban hành tại thời điểm vị thế của Mỹ đối với một số ngành công nghệ chủ chốt trên toàn cầu suy giảm. Theo Nhóm Tư vấn Boston (BCG), riêng về ngành bán dẫn, thị phần của Mỹ trên thị trường toàn cầu giảm từ mức 37% hồi năm 1990 xuống còn 12% như hiện nay. Ngược lại, các doanh nghiệp bán dẫn của Trung Quốc nhờ vào khoản trợ cấp 100 tỉ USD của chính phủ, sẽ vươn lên giành 24% thị phần vào năm 2030, đứng đầu thế giới. 

Phụ thuộc quá nhiều vào một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tiền ẩn rủi ro an ninh. Chính quyền Bắc Kinh đã sử dụng nhiều biện pháp chặt chẽ để gây áp lực lên các đối tác thương mại, như vụ ra lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010 trong bối gia tăng căng thẳng tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý, mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Mỹ hiện nhập khẩu 80% đất hiếm từ Trung Quốc, cùng với 90% một số mặt hàng y tế. 

Tái cấu trúc chuỗi cung ứng sẽ tốn rất nhiều thời gian, nhất là là trong lĩnh vực bán dẫn. Do số lượng các công ty chế tạo bán dẫn hàng đầu trên thế giới có hạn, số này đương nhiên có ưu thế trong quyết định xem có nên đi theo sự dẫn dắt của Mỹ hay không. Cùng với đó, Mỹ cần sự đồng thuận và hợp tác từ chính phủ các nước.

Washington đã đặt nền móng cho kế hoạch tạo dựng chuỗi cung mới này. Ngay từ mùa xuân năm ngoái, Mỹ đã kêu gọi các nền kinh tế giàu có về công nghệ, nguồn tài nguyên then chốt như Đài Loan/Trung Quốc, Nhật Bản hay Australia , tham gia tách rời chuỗi cung từ Trung Quốc, khi xuất hiện gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Bắc Kinh. 

Đài Loan/Trung Quốc là đối tác đã nhanh chóng đáp lời. Quan chức cấp cao hai bên đã ký một biên bản ghi nhớ vào tháng 11/2020 nhằm thúc đẩy hợp tác công nghệ trong 7 lĩnh vực, bao gồm chất bán dẫn và mạng không dây 5G, hướng đến chuỗi cung an toàn, tin cậy.

Năm ngoái, nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC (Đài Loan) đã đạt thỏa thuận với phía Mỹ về xây dựng nhà máy ở bang Arizona, được xem là biểu tượng mới cho quan hệ song phương Mỹ-Đài Loan. TSMC có kế hoạch đầu tư 12 tỷ USD vào cơ sở này và nhà máy dự kiến đi vào hoạt động năm 2024. Về phần mình, chính phủ Mỹ sẽ cung cấp một số hình thức trợ cấp đối với dự án lớn của TSMC. 

Về đất hiếm, Mỹ đang hướng tới Australia để thoát khỏi thế thống trị từ Trung Quốc. Nhà khai thác đất hiếm Lynas của Australia đang xây dựng một cơ sở chế biến đất hiếm tại bang Texas, với nguồn hỗ trợ tài chính từ Bộ Quốc phòng Mỹ. 

Nhưng đối với một số lĩnh vực khác, ví dụ như công nghệ 5G, việc tạo dựng chuỗi cung mới sẽ có khó khăn riêng. Các công ty của Mỹ, Nhật Bản gánh chịu chi phí tài chính lớn hơn do không được tiếp cận với các nhà cung ứng có giá cả rất phải chăng đến từ Trung Quốc, ví như tập đoàn công nghệ Huawei. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức