04:14 16/04/2018

Mỹ và đồng minh khó thay đổi cục diện Syria sau vụ tấn công

Cuộc không kích mà Mỹ cùng Anh và Pháp tiến hành nhằm vào các vị trí quân sự của Syria rạng sáng 14/4 theo giờ địa phương được bản thân liên minh phương Tây tự hào về mức độ thành công, song giới chuyên gia cho rằng hiệu quả của hành động quân sự này là hoàn toàn hạn chế và khó có thể thay đổi cuộc chơi.

Tổng thống Donald Trump ra lệnh tấn công Syria là hành động "một mũi tên nhằm nhiều đích". Ảnh: Getty Image

Hãng thông tấn Tân Hoa (Trung Quốc) dẫn lời ông Osama Danura, tiến sĩ chính trị học và cũng là chuyên gia chính trị về Syria, nhận định rằng cuộc tấn công quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Syria có hiệu quả rất ít trong việc kiềm chế năng lực chiến đấu của các lực lượng Syria. Chuyên gia này cho rằng cuộc tấn công sẽ không thay đổi được gì và cũng không thể đưa phe nổi dậy đã bị thất bại quay trở lại những khu vực từng nằm dưới sự kiểm soát của chúng.

Chắc chắn vụ không kích đã nhằm vào các vị trí quân sự, trong đó có các cơ sở nghiên cứu khoa học, song nó không thể làm tê liệt hoạt động của các lực lượng Syria. Ông Danura nói thêm: “Các lực lượng phòng không của Syria đã chặn đứng được hầu hết số tên lửa bắn tới. Và Nga cũng sẽ chuyển giao cho Syria hệ thống phòng thủ S-300, một ‘cái tát’ mạnh vào mặt Israel, cũng là điều mà Mỹ không hề muốn xảy ra”. 

Theo Tiến sỹ Dunara, “Nga không trực tiếp đáp trả vụ tấn công này, song một khi Nga trao cho Syria những hệ thống phòng không tiên tiến, thì đó sẽ là ‘tai họa lớn’ đối với liên minh do Mỹ dẫn đầu và cả Israel”. Chuyên gia này cũng lên án điều mà Washington và các đồng minh vừa làm là một mối đe dọa nguy hiểm không chỉ đối với Syria mà cả hòa bình và an ninh thế giới vì đã vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. 


Trong khi đó, hãng tin AFP cũng trích dẫn nhận định của giới phân tích cho rằng cuộc tấn công vừa qua chủ yếu chỉ là một biện pháp mang tính “răn đe”, và sẽ không thể thay đổi cục diện của cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này. Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump tán dương hành động quân sự ngày 14/4 được “tiến hành một cách hoàn hảo”, song giới phân tích nhấn mạnh rằng quy mô của nó vẫn còn hạn chế và sức mạnh quân sự của chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad hầu như không bị ảnh hưởng.

Sasha al-Alou, chuyên gia về Syria tại hãng tư vấn Omran có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định: “Đây chỉ là một biện pháp mang tính răn đe. Thông điệp của nó mang tính chính trị nhiều hơn là quân sự”. Ông Bruno Tertrais thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, một hãng tư vấn Pháp, cho biết: “Mục tiêu của hành động này chủ yếu mang tính chính trị là nhằm răn đe chính quyền Syria”.

Các cuộc tấn công của phương Tây cũng sẽ không giúp gì nhiều cho việc làm chậm tiến trình chiếm lại các khu vực từng bị phe nổi dậy chiếm đóng của quân đội chính phủ, vốn được Nga và Iran ủng hộ và thực tế chính quyền Tổng thống Al- Assad đã giành lại được hơn 50% lãnh thổ Syria.

Theo Tân Hoa Xã, giới phân tích dự báo rằng sẽ ít có khả năng xảy ra các vụ tấn công tiếp theo sau cuộc đột kích của liên minh do Mỹ dẫn đầu vào Syria, và cũng sẽ không có sự đáp trả hay bất ổn leo thang trong khu vực.

Imad Salamay, Giám đốc Viện Công lý Xã hội và Giải quyết Xung đột thuộc Đại học Mỹ của Liban, nhận định rằng các cuộc không kích vừa qua “sẽ không gây ra những hậu quả nghiêm trọng”. Ông nói: “Cả Nga và Iran đều không muốn tình hình leo thang bởi cả hai nước này đều đang bị cộng đồng quốc tế theo dõi chặt chẽ. Họ cũng đang phải đương đầu trên nhiều mặt trận”.     

Bất chấp căng thẳng lâu nay giữa Nga và phương Tây, chuyên gia này dự báo sẽ không xảy ra những cuộc đáp trả nghiêm trọng giữa các cường quốc thù địch. Theo ông “ý nghĩa duy nhất của vụ tấn công rạng sáng 14/4 là lời tuyên bố rằng một liên minh quân sự lớn mạnh hơn đã được hình thành giữa Anh, Pháp và Mỹ. Họ có lập trường quân sự cứng rắn hơn, đã củng cố liên minh của mình với mục tiêu rõ ràng là kiềm chế và kiểm soát sự mở rộng hiện diện và ảnh hưởng quân sự của Nga tại khu vực này”.


TTXVN/Báo Tin tức